Việt Nam - một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP

Thứ Sáu, 09/03/2018 09:44  | Anh Duy

|

(CAO) Tối qua 8-3 (giờ VN) tại thành phố Santiago (Chile), 11 nước trong đó có Việt Nam đã đặt bút ký hiệp định thương mại đa phương có tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP là hiệp định thay thế TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán ký kết TPP trước đó. 11 thành viên còn lại vẫn tiếp tục kiên trì đàm phán để đi đến ký kết cuối cùng vào hôm qua.

Bộ trưởng 11 nước tại lễ ký kết Hiệp định CPTPP

BBC đưa tin phát biểu tại lễ ký kết, ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh hiệp định là một tín hiệu mạnh mẽ để “chống lại chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ một nền thương mại mở trên bình diện toàn cầu”.

Hiệp định CPTPP bao trùm lên một thị trường gần 500 triệu người. Những người ủng hộ cho rằng CPTPP là hình mẫu cho các hiệp định thương mại khác trong tương lai.

Theo đó, mục tiêu chính của hiệp định này là cắt giảm các mức thuế thương mại áp lên các mặt hàng giữa các nước thành viên, giúp hàng hoá lưu thông dễ dàng, giúp giảm bớt các rào cản phi thuế quan cản trở thương mại thông qua các quy định.

CPTPP hướng đến hài hoà các quy định thương mại đem đến hài hoà lợi ích cho các nước thành viên, đồng thời khiến hoạt động thương mại giữa các nước thành viên trở nên minh bạch và công bằng.

CPTPP phá bỏ các rào cản thương mại, đem lại lợi ích cho nhiều nước - Ảnh: Getty Images

Các nước cũng cam kết thực thi các tiêu chuẩn về lao động và môi trường tối thiểu trong hoạt động sản xuất hàng hoá. Hiệp định này cũng cho phép các công ty được kiện các chính phủ khi họ tin rằng một thay đổi về điều luật ban hành ảnh hưởng đến lợi ích của họ.

Các bên tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản và Canada là hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất.

Mỹ trước đó đã rút khỏi TPP vì tổng thống Trump cho rằng hiệp định là “thảm hoạ” cho các công nhân Mỹ khi việc làm bị đẩy sang nước ngoài.

Việt Nam được dự báo là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc ký kết CPTPP vì quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là các mặt hàng nông sản. Thị trường lao động dồi dào nhân lực là một lợi thế để mời gọi đầu tư. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang