Vụ “Một bản án vi phạm tố tụng”:

Tòa sơ thẩm đã sai, phúc thẩm càng sai hơn

Thứ Sáu, 06/07/2018 18:40  | Lê Ngân

|

(CAO) Đầu tháng 1-2018, Báo Công an TPHCM có bài “Một bản án vi phạm tố tụng”, phản ánh TAND Q2 xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng đầu tư giữa Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Tân Việt An.

Sau khi tuyên án, Viện KSND TPHCM kháng nghị do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cả nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo. Ngày 12-6-2018, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên.

Mặc dù, các cơ quan chức năng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao, cũng như ý kiến của Viện KSND TP tại phiên tòa...) đã có văn bản chỉ rõ những vi phạm về tố tụng, nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn cho rằng, những lỗi vi phạm tố tụng của TAND Q2 là không nghiêm trọng, không cần thiết phải hủy án và đã tuyên “sửa một phần bản án sơ thẩm”, nhưng thực chất nội dung chính là giữ nguyên bản án sơ thẩm.

“CHỮA CHÁY” VI PHẠM TỐ TỤNG

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP nhận định: Bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng (điểm C, Khoản 1 Điều 266 của Bộ luật TTDS 2015) khi không tuyên hết từng phần vấn đề phải giải quyết của vụ án theo luật định, do đó Viện KSND TP kháng nghị đối với bản án nêu trên là có căn cứ.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho rằng, biên bản nghị án của HĐXX TAND Q2 (phần viết tay) có tuyên bác yêu cầu phản tố của bị đơn, nhưng bản án phát hành lại không ghi câu này. Sau đó, TAND Q2 đã có thông báo bổ sung với nội dung là bác yêu cầu phản tố của bị đơn. Do đó, phần này cấp sơ thẩm có sai phạm, vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng, nên không cần thiết hủy bản án Cách mà HĐXX phúc thẩm lập luận như trên là thiếu tính thuyết phục, không khách quan.

Phối cảnh dự án chung cư C1, C2, C3

Ở đây phải thấy rằng, TAND Q2 đã ra quyết định số 80/2017/QĐ- SCBSBA để sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm sau khi bị Viện KSND TP kháng nghị, chứ tòa cấp sơ thẩm không tự phát hiện ra sai sót. Việc khắc phục này không được pháp luật cho phép, vì sau khi tuyên án thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm hoặc tính toán sai.

Biên bản nghị án của HĐXX sơ thẩm (viết tay) không được cho là chứng cứ, bởi vì các đương sự không được quyền đọc và sao chụp biên bản này khi kết thúc phiên tòa, nên có thể viết thêm nội dung mà không bị ai giám sát. Phải chăng tòa cấp phúc thẩm muốn đưa ra biên bản nghị án (viết tay) để chữa cháy cho tòa án cấp sơ thẩm?

Còn nữa, những vi phạm tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm như bị đơn đã có đơn phản tố mà không được chấp nhận; bị đơn yêu cầu tòa án hoãn phiên tòa và tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, có căn cứ chia theo tỷ lệ góp vốn của các bên nhưng tòa án không thực hiện; không thu thập tài liệu, chứng cứ và đưa Ngân hàng Đại Á và Ngân hàng Quân đội (MB) - Chi nhánh Đà Nẵng vào tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xem xét, giải quyết vụ án; luật sư tham gia đọc, sao chụp, nghiên cứu hồ sơ và thu thập thêm chứng cứ tài liệu...

Quá trình xét xử ở cấp phúc thẩm, mặc dù tòa án đã tạm dừng phiên tòa để tiến hành định giá đất, thu thập chứng cứ tại MB Đà Nẵng. Nhưng việc tòa phúc thẩm không đưa Ngân hàng Đại Á, MB Đà Nẵng vào tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo đề nghị của Công ty Tân Việt An là vi phạm tố tụng, không làm rõ và giải quyết toàn diện, khách quan vụ án.

Bởi vì, đã có rất nhiều văn bản, lời khai mâu thuẫn nhau giữa Công ty Đức Mạnh với MB Đà Nẵng. Công ty Đức Mạnh cho rằng, có thế chấp quyền tài sản chung cư C1 và C2 tại MB Đà Nẵng để phát hành gói trái phiếu 300 tỷ đồng do Ngân hàng Đại Á bảo lãnh, nhưng do dự án không thực hiện được nên đã tất toán và chuyển sang tài sản khác để đảm bảo khoản vay. Thế nhưng, Công ty Đức Mạnh đã có văn bản chuyển trả cho Ngân hàng Đại Á hơn 5,8 tỷ đồng tiền lãi để bảo lãnh cho gói trái phiếu 300 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Đức Mạnh khai số tiền lãi phải trả cho MB Đà Nẵng (khi tất toán vào năm 2016) lên đến 70 tỷ đồng. Vậy câu hỏi đặt ra, nếu chưa giải ngân gói trái phiếu thì Công ty Đức Mạnh sao phải trả lãi cho Ngân hàng Đại Á và MB Đà Nẵng?! Do vậy, tòa án cấp phúc thẩm cần phải đưa những bên liên quan này vào tham gia phiên tòa để làm rõ vấn đề trên.

Với những lỗi vi phạm nghiêm trọng về nội dung và tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm phải được khắc phục ở tòa án cấp phúc thẩm, tuy nhiên nó được “chữa cháy” và nhận định có lợi hơ cho bên nguyên đơn.

VIỆN ĐỀ NGHỊ, TÒA “LÀM LƠ”

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP nhận định, phía Công ty Tân Việt An đã có lỗi khi không thực hiện xong việc giải tỏa mặt bằng và bàn giao như thỏa thuận của hợp đồng, nhưng việc Đức Mạnh xác định lỗi hoàn toàn của Tân Việt An không giao đất đúng tiến độ là không chính xác. Bởi vì Công ty Tân Việt An đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng lô C1, C2 thông qua Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 2. Nhưng do một số hộ dân nằm trong dự án còn tranh chấp về giá đền bù tại UBND Q2 là có thực, đây là yếu tố khách quan mà phía Tân Việt An không thể tự giải quyết được, mà cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý có thẩm quyền là UBND TPHCM và UBND Q2.

Trong kết luận thanh tra số 42 của Thanh tra TPHCM có nêu cụ thể và có các kiến nghị đến UBND TPHCM, UBND Q2 để giải quyết triệt để và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trái lại, Công ty Đức Mạnh cũng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải tỏa của Công ty Tân Việt An và việc Công ty Đức Mạnh đã sử dụng quyền sử dụng đất đối với hai lô C1 và C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại ngân hàng là hành vi “gian dối, không trung thực”, chính bản thân Công ty Đức Mạnh cũng đã vi phạm hợp đồng hợp tác.

Chính vì thế, Viện KSND TP đã kiến nghị: “Xét quá trình thực hiệ hợp đồng hai bên đều có lỗi nên thiệt hại các bên cùng chịu trách nhiệm và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01 cần thiết phải hủy bỏ theo qui định tại Điều 425 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ghi nhận ý kiến tự nguyện của Công ty Tân Việt An đề nghị tòa án tiến hành định giá toàn bộ diện tích đã được bồi thường và giải tỏa theo giá đất tại thời điểm hiện tại và tính theo tỷ lệ góp vốn của Công ty Đức Mạnh là 69,5% trên tổng giá trị đất, Công ty Tân Việt An sẽ nhận chuyển nhượng lại giá trị phần góp vốn này hoặc yêu cầu cơ quan Thi hành án phát mãi và chia theo tỷ lệ góp vốn”.

Thế nhưng, tòa án cấp phúc thẩm đã bỏ qua đề nghị này của Viện kiểm sát, chỉ tập trung nhận định những gì có lợi cho bên nguyên đơn. Chẳng hạn, Viện kiểm sát cho rằng Công ty Tân Việt An không tiến hành bồi thường cho người dân và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đức Mạnh trong vòng 1 năm là lỗi chủ quan, trong khi Viện kiểm sát cho là khách quan. Còn lỗi Công ty Đức Mạnh thế chấp quyền tài sản chung cư C1 và C2 tại MB phát hành gói trái phiếu 300 tỷ đồng thì tòa cho là chưa gây hậu quả, trong khi viện cho là hành vi không trung thực, vi phạm hợp đồng…

Chính vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên y như bản án sơ thẩm “Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Đức Mạnh về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác số 01 ngày 21-6- 2010 với Công ty Tân Việt An, buộc Công ty Tân Việt An thanh toán cho Đức Mạnh số tiền 115 tỷ đồng và 62,675 tỷ đồng tiền lãi.

Tổng cộng 177,675 tỷ đồng, thực hiện 1 lần ngay khi bản án có hiệu lực”, chỉ sửa một phần bản án “không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Tân Việt An”. Đáng lẽ, TAND TPHCM phải căn cứ các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thương mại, Luật nhà ở... để hủy Bản án sơ thẩm số 14/2017/ KDTM-ST ngày 18-9-2017 của TAND Q2, chuyển vụ án về cho TAND Q2 giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua rất nhiều ý kiến của các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao, Viện KSND TPHCM đã tuyên một bản án thiếu khách quan, sai lầm trong áp dụng pháp luật và tiếp tục các sai phạm của tòa án cấp dướí.

Bình luận (0)

Lên đầu trang