Bài học đắt giá về vụ vỡ đập thủy điện ở Lào

Thứ Năm, 26/07/2018 11:15

|

(LTS) Vụ vỡ đập thuộc Dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy (Lào) vào ngày 23-7 vừa qua, ước tính thiệt hại rất lớn về người và của. Báo CATP đăng bài viết của TS Tô Văn Trường để độc giả có cái nhìn đầy đủ hơn về sự cố khủng khiếp này, từ đó rút ra những bài học cho cơ quan quản lý, cũng như các đơn vị quản lý hồ chứa trên phạm vi cả nước.

Mặt bằng dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy

VỠ ĐẬP DO THIÊN TAI HAY NHÂN TAI?

Lào là nước nghèo, không có biển, nhưng có tiềm năng lớn về thủy điện nên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc gia này quy hoạch xây dựng hệ thống đập thủy điện trên lưu vực hạ lưu sông Mekong, kể cả các sông nhánh để phát điện, đặc biệt là xuất khẩu điện sang Thái Lan.

Vụ vỡ đập đã gây ngập lụt khủng khiếp cả một vùng rộng lớn

Công trình nói trên do tổ hợp gồm 2 công ty của Hàn Quốc cùng với công ty của Thái Lan và Lào tiến hành đầu tư, xây dựng, với nguồn vốn khoảng 1,2 tỷ USD. Đây là dự án BOT đầu tiên của Hàn Quốc ở Lào. Việt Nam có Công ty cổ phần Xây dựng CM là nhà thầu phụ.

Công trình thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy lấy nước từ 3 con sông: Houay Makchanh, Xe Namnoy và Xe Pian. Lượng nước xả từ nhà máy thủy điện qua sông nhánh Xe Kong rồi mới đổ ra dòng chính sông Mekong.

Hai đập bị vỡ, trong đó đập Xe Pian thuộc loại thủy điện nhỏ (khoảng 15 MW), được thiết kế theo loại thủy điện đường ống, dẫn nước về thủy điện Xe Namnoy (thuộc loại thủy điện hạng trung, khoảng gần 400 MW). Hai đập bị vỡ đang trong giai đoạn tích nước. Đập Xe Pian nằm ở thượng lưu bị vỡ trước, kéo theo đập Xe Namnoy vỡ sau.

Có ý kiến cho rằng, do mưa to gây vỡ đập. Về việc này, cần khảo sát thực địa, đánh giá, so sánh với thiết kế và các biện pháp thi công, giám sát mới có thể xác định chính xác được. Tôi không tin chỉ do mưa to, vì chưa vào thời đoạn có lượng mưa lớn nhất trong năm, công trình chưa được nghiệm thu đưa vào vận hành và còn đang trong thời kỳ tích nước. Hơn nữa giai đoạn nghiên cứu khả thi cũng đã mất đến 5 năm. Như vậy, nguyên nhân do “nhân tai” vẫn có nhiều khả năng hơn là do thiên tai.

ẢNH HƯỞNG CỦA VỠ ĐẬP

Vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy tác động trực tiếp khủng khiếp đến vùng hạ lưu đập, làm hàng chục người chết và hàng trăm người mất tích, cơ sở hạ tầng bị chìm trong biển nước. Ảnh hưởng của vỡ đập lan rộng đến Stung Treng, được ghi nhận theo kết quả đo đạc mực nước tại các trạm thượng nguồn dọc sông Mekong của Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC) công bố.

Mực nước tại trạm Stung Treng bắt đầu xuống từ ngày 22-7-2018, sau khi đạt đỉnh 9,48m ngày 21-7. Mực nước lúc 7 giờ ngày 23-7 là 8,9m. Tuy nhiên, lúc 7 giờ ngày 24-7 lên lại 9,25m (tăng 35cm), đây là tác động của vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy. Lúc 16 giờ ngày 24-7, mực nước tại Stung Treng quan trắc được là 9,37m, như vậy tác động của vỡ đập lên mực nước tại Stung Treng là 47cm. Đến chiều 25-7, mực nước ở Stung Treng dâng cao khoảng 70cm.

Một người dân bơi xuồng bên những căn nhà ngập lút nóc

Việc vỡ đập thường xảy ra vào mùa khô, do dòng chảy trên lòng dẫn gây đột biến về mực nước, còn mùa lũ chảy tràn nên ảnh hưởng không lớn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mực nước ở Tân Châu hiện nay là 2,5m, cao hơn lũ trung bình nhiều năm. Từ nay đến ngày 15-8 tới, xu thế mực nước tăng dần, có khả năng lên đến 3,2m.

Hiện nay, chưa vào thời kỳ lũ chính vụ, ĐBSCL ở xa đập Xe Pian - Xe Namnoy đến 650km, lại được Biển Hồ điều tiết, nên theo tính toán thủy lực, sau khi vỡ đập khoảng 4 ngày, nước về đến Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) chỉ dâng cao lên 5 - 6cm, coi như ảnh hưởng không đáng kể.

Ngay cả trường hợp nếu vỡ đập Xe Pian - Xe Namnoy với dung tích 5 tỷ m3 (con số này hiện chưa được xác thực), theo ước tính của tôi, mực nước ở Tân Châu và Châu Đốc cũng chỉ dâng cao khoảng 10 - 15cm, không tác động khủng khiếp đến ĐBSCL như có nhà khoa học đã cảnh báo. Riêng tỉnh Long An có hơn 20.000 héc-ta lúa (chưa có bờ bao tháng 8 khép kín), cần có giải pháp chủ động để đỡ tổn thất tài sản của bà con nông dân.

Xây dựng các đập trên sông Mekong là vấn đề lớn, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, đời sống của nhân dân thuộc lưu vực sông. Nếu để vỡ các đập có dung tích lớn và hiện tượng domino thì hậu họa khôn lường. Việt Nam có nhiều hệ thống đập vừa và nhỏ, nếu không thường xuyên kiểm tra, gia cố, giám sát quy trình vận hành thì khi xảy ra vỡ đập, đặc biệt là ở miền Trung đất hẹp, dốc, rất ít hồ chứa có dung tích chứa lũ, nếu xảy ra vỡ đập thì hậu họa còn khủng khiếp hơn so với bên Lào.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TPHCM:

Việc vỡ đập thuộc dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy (Lào) là tiếng chuông cảnh báo về công tác an toàn hồ chứa tại Việt Nam. Đứng trước những diễn biết thất thường của thời tiết, sự suy giảm diện tính rừng đầu nguồn, nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng trong thời gian qua, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của lũ lụt, đặc biệt liên quan đến công tác vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, có một số giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay.

Cụ thể, cần đẩy mạnh, nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ cảnh báo ngập lụt. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn đập, công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực ứng phó với lũ lụt. Chia sẻ kịp thời thông tin vận hành hồ chứa, thông tin cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khu vực trú ẩn an toàn, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang