“Chính phủ đặt Quốc hội vào thế khó”

Thứ Tư, 30/05/2018 17:49

|

(CAO) Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nhận định như vậy trong phiên thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh diễn ra sáng qua (30-5).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh quá nhiều cho thấy cần phải xem xét lại tính chủ động của Quốc hội trong làm luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thảo luận tại hội trường sáng 30-5

Dẫn báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật đánh giá “căn cứ khoa học thực tiễn trong việc đề nghị xây dựng pháp luật chưa đầy đủ, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài, việc tổ chức lấy ý kiến còn hình thức…”, bà Tâm nhận định việc làm luật “chưa thỏa mãn được yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

“Ví dụ, tôi thấy luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vừa rồi còn nhiều ý kiến đăng ký nhưng chưa được phát biểu, nhưng rồi chúng ta sẽ thông qua trong kỳ họp này làm tôi rất lo lắng” - bà Tâm bày tỏ.

Trước thực tế trên, nữ đại biểu TPHCM đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức hội nghị chuyên đề của Quốc hội để đánh giá toàn diện công tác xây dựng pháp luật. Bà Tâm cũng cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần giải trình làm rõ nội dung về trách nhiệm các Ủy ban.

“Các cơ quan thẩm tra Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến cơ quan soạn thảo, tính phản biện chưa cao, báo cáo thẩm tra chưa sâu” – bà Tâm nhận xét.

Băn khoăn về tình trạng “nay xin rút, mai xin lùi” khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) nhận định: Điều này cho thấy việc triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn chưa nghiêm, làm ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan.

Qua một khảo sát nhỏ về sự quan tâm của các Bộ trưởng, trưởng ngành đối với công tác lập pháp, đại biểu Lộc nhận thấy: “Công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật phải được quan tâm đầu tư đúng mức hơn”.

Cụ thể, theo ông Lộc, cần tăng cường kỷ luật mạnh mẽ hơn, chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành, giao nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm bảo đảm tiến bộ, chất lượng đề xuất chính sách và dự thảo các văn bản.

Theo ông Lộc, các Bộ trưởng, trưởng ngành cần quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn, tham gia ý kiến các dự thảo do các bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, không để luật sau ra đời phủ lên luật vừa được ban hành trước đó.

Giải trình thêm trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các dự án cụ thể mà từ đầu nhiệm kỳ đến giờ “có nhiều điểm nhấn”.

Dẫn chứng của ông Long là, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến giờ Quốc hội đã thông qua được 32 luật và nghị quyết. Ủy ban Thường vụ thông qua 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết. “Mặc dù còn hạn chế nhưng tôi cho rằng có những dự án luật, pháp lệnh, dự thảo, nghị quyết đã đánh rất trúng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự mong đợi của người dân” – ông Long nhận xét.

Nói về tính “chủ động”, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng “vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vấn đề quan tâm và đánh giá về vai trò, thể chế cũng chưa đúng mức, vì thế có chậm và xảy ra thiếu sót như vậy”. Còn phía Chính phủ và Bộ Tư pháp, theo ông Long, đã ý thức rất rõ về những vấn đề đặt ra đối với công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã đề ra một số giải pháp.

Tranh luận lại với người đứng đầu ngành tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm: “Tôi muốn Chính phủ nhìn nhận vấn đề này một cách thẳng thắn hơn. Theo bà Tâm, nguyên nhân của các hạn chế mang yếu tố khách quan ít hơn là yếu tố chủ quan.

“Các đồng chí đặt vấn đề như vậy nghe có vẻ nhẹ nhàng và những yếu tố khách quan nhiều quá. Theo tôi, tôi nghĩ rằng việc chậm và việc lùi trong thời gian vừa qua yếu tố chủ quan là rất quan trọng cần phải được xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc để không đặt Quốc hội vào một tình thế khó xử” – đại biểu Quyết Tâm đề nghị.

Đồng tình với đại biểu Tâm, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng đã đến lúc phải có một kỳ họp chuyên đề để bàn nghiêm túc về kỷ luật lập pháp. “Cho đến nay chúng ta gần như chạy theo các đề xuất của Chính phủ, vậy vai trò lập pháp của Quốc hội ở đâu?” – ông Vân thắc mắc.

Cũng theo đại biểu Cà Mau, việc xây dựng nhà nước pháp quyền của chúng ta “còn rất xa” vì chúng ta vẫn đang ban hành luật với những quy định, nguyên tắc rất chung, phải chờ đến nghị định và cả nghị định cũng chưa đi vào cuộc sống, phải chờ đến thông tư.

“Một đất nước mà quản lý chủ yếu bằng thông tư thì tôi nghĩ rằng vi phạm pháp luật sẽ phổ biến” – ông Vân lo ngại và cho rằng quy trình làm luật còn quá nhiều vấn đề mà nguyên nhân căn cốt nhất chính là thiếu một tầm nhìn lập pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang