Ngập ở TP.HCM là do ... cống và rác?

Thứ Hai, 28/05/2018 20:47

|

(CAO) Chiều 28-5, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM có buổi làm việc với Trung tâm điều hành chống ngập TP cùng chủ tịch UBND 24 quận/huyện và các sở, ngành liên quan bàn biện pháp kéo giảm tình trạng ngập úng.

Cống xuống cấp gây ngập?

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điền hành Chương trình Chống ngập cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP xuất hiện 22 trận mưa, trong đó có 4 trận mưa lớn gây ngập. Ngập nặng nhất trên diện rộng và kéo dài xảy ra vào ngày 19-5, sau trận mưa lớn, lượng mưa đạt đến 119,3mm và vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì buổi làm việc

Cụ thể, có 10 tuyến đường ngập sâu từ 0,10m đến 0,25m; diện tích ngập từ 640 đến 3.500m2, thời gian rút nước trung bình từ 30 phút đến 3 giờ gồm các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Cây Trâm. Cá biệt, có các tuyến đường ngập nặng như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh... sau gần 5 giờ nhiều tuyến đường vẫn chưa hết nước. Tập trung nhiều nhất là quận 7 có 14 tuyến, Gò Vấp 12 tuyến, Tân Bình 6 tuyến, Hóc Môn 6 tuyến…

Theo ông Dũng, hầu hết các tuyến đường ngập nước là do hệ thống cống nhỏ, xuống cấp. Mặt khác, ý thức của người dân vẫn chưa được nâng lên nên tình trạng xả rác xuống hầm ga, cống thoát nước còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới rác làm cản trở dòng chảy. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch vẫn còn phổ biến. Trong khi đó các cơ quan chức năng địa phương không quan tâm khiến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.

Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước còn rất phổ biến. Tiến độ xử lý, di dời các trường hợp lấn chiếm chưa đạt yêu cầu; tình trạng xả rác, vật dụng sinh hoạt làm tắc nghẽn dòng chảy vẫn thường xuyên diễn ra, chưa có biện pháp chế tài, xử lý đủ mạnh. Ý thực của người dân trong công tác “chung tay bảo vệ hệ thống thoát nước" chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng...

Thêm nhiều máy bơm vào chống ngập

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, thực hiện các giải pháp cấp bách, nhằm hạn chế tình trạng ngập nước và phát sinh điểm ngập mới, hiện Trung tâm Chống ngập đang vận hành 3 trạm bơm nước thải có khả năng hỗ trợ thoát nước trong thời điểm mưa. Cụ thể, tại trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh thu nước từ mạng cống thoát nước từ thượng lưu (Út Tịch, Lê Bình quận Tân Bình) dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến hạ lưu thông qua các tuyến cống bao đưa về trạm bơm mà không thoát thẳng ra kênh có công suất 64.000 m3/h, đạt 17,8 m3/s, công suất cực đại đạt 76.800 m3/h.

Tại thời điểm mưa, trạm bơm có thể hoạt động tối đa công suất, giảm tải cho hệ thống thoát nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngoài ra, tại khu vực này cũng được bố trí thêm trạm bơm có công suất từ 26.000m3/h đến 96.000m3/h tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập.

Trạm bơm Bình Hưng Hòa: Công suất 1.800 m3/h (0,5m3/s) thu gom nước từ thượng lưu kênh Nước Đen, thuộc địa bàn quận Tân Phú để đưa vào nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trong thời điểm mưa, nhà máy sẽ tăng tối đa công suất trạm bơm và đóng các cửa xả ra kênh Nước Đen, góp phần giảm tải của kênh và hệ thống cống thoát nước.

Ngoài ra, Trung tâm Chống ngập cũng lắp đặt trạm bơm Đồng Diều, quận 8 có công suất 8.000 m3/h, thu nước từ mạng lưới cống thoát nước một phần khu vực quận 1, 3, 5, 10 thông qua các tuyến cống đưa về trạm bơm mà không đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, góp phần giảm tải cho hệ thống thoát nước khu vực trung tâm TP...

Tình trạng ngập úng tại TP.HCM ngày càng trầm trọng, khiến người dân bức xúc. Ảnh: CTV

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, vấn đề ngập úng trên địa bàn TP được Thành Uỷ, HĐND, UBND rất quan tâm. Theo đó, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc để kéo giảm tình trạng ngập úng trên địa bàn. Để xảy ra tình trạng ngập như hiện nay là do quản lý quy hoạch còn rất kém. Để giải quyết tình trạng ngập úng phải phối hợp đồng bộ từ các ban ngành, địa phương cũng như người dân thì công tác chống ngập với mong có được kết quả.

Mặt khác, cơ quan chức năng, đứng đầu là Trung tâm điều hành chống ngập phải tìm cho được nguyện nhân gây ngập từ đó với giải quyết hiệu quả tình trạng ngập úng. Theo ông Tuyến, hiện nay nhiều điểm trên địa bàn TP chỉ cần xả nước thải cũng gây ngập thì làm sao giải quyết được tình trạng nước mưa?

Theo đó, phương án chống ngập phải làm theo hướng lâu dài. Mặt khác, phải giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh rạch, gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu không giải quyết được thì phải cưỡng chế, thu hồi để trả lại mặt bằng cho dòng chảy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang