Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Cần hiểu đúng nội hàm của 'quyền im lặng'

Thứ Năm, 28/05/2015 19:05  | Trí Dũng (ghi)

|

(CATP) Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình lưu ý như vậy, khi chia sẻ với báo chí bên lề hành lang Quốc hội về những điểm mới của Dự luật tố tụng hình sự.

Ông Bình cho biết, dự thảo luật được trình lần này đảm bảo các nguyên tắc tranh tụng, đồng thời đề ra những yêu cầu, chế định, quy định để đảm bảo quyền của công dân. Luật sư được tham gia vào quá trình tố tụng sớm hơn, thuận lợi hơn; luật sư và bị can, bị cáo quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ dựa vào tài liệu như luật trước đây...

Ông Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Báo CATP

- Phóng viên: Ngoài những nội dung trên, dự luật còn có những điểm mới nào đáng quan tâm, thưa Viện trưởng?

- Ông Nguyễn Hòa Bình: Ngoài nội dung trên, dự thảo luật cũng cho phép bị can, bị cáo có một số quyền như quyền tiếp cận với tài liệu, đọc, ghi chép tài liệu trong một giới hạn hợp lý, nhất định. Dự thảo luật cũng thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa thì bị can, bị cáo, người bị tình nghi được đối xử như người bình thường. Đó là điểm rất tiến bộ.

Ngoài ra, các biện pháp cưỡng chế tố tụng mà hạn chế quyền con người cũng được dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn và chỉ trao quyền này cho cấp có thẩm quyền là thủ trưởng cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp. Riêng những quyền “đóng - mở” giai đoạn tố tụng, quyền quyết định tố tụng mà ảnh hưởng tới quyền con người thì phải được giám sát rất chặt chẽ.

- Nhưng dường như việc đảm bảo những quyền cơ bản của con người vẫn còn những điều gây tranh cãi, chẳng hạn như quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình của bị can, bị cáo. Viện trưởng nghĩ sao khi có lo ngại điều này sẽ gây trở ngại cho quá trình điều tra?

- Theo ngôn ngữ thông dụng ta gọi đó là quyền im lặng. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu cho đúng nội hàm của quyền này. Nội hàm của nó là bị can, bị cáo không buộc phải nhận tội, không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình. Như vậy, khi nói về tội của mình, bị can, bị cáo có quyền im lặng. Trong trường hợp này, các cơ quan thi hành tố tụng không được phép coi đây là tình tiết tăng nặng chống lại quá trình điều tra, để làm xấu đi tình trạng của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bị can, bị cáo có quyền hoàn toàn không khai báo gì trước cơ quan tố tụng. Anh ta được im lặng khi nói về tội phạm của mình, nhưng không được im lặng khi nói về tội phạm của đồng bọn. Nếu anh ta biết cùng phạm tội với mình có đồng phạm mà anh ta im lặng hoặc khai báo khác đi, thì anh ta phạm thêm một tội khác là tội không tố giác hoặc bao che tội phạm.

Việc cơ quan điều tra cho phép anh có quyền tự bào chữa nếu anh nói về tội phạm của mình theo đúng bản chất của nó, thì có nghĩa là anh đã thực hiện quyền tự bào chữa. Ngoài ra, anh hợp tác tốt với cơ quan điều tra, thành khẩn thì được hưởng thêm chính sách hình sự khác là tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng, thậm chí đến mức miễn trừ trách nhiệm hình sự nếu như anh hợp tác tốt. Cho nên, hiểu đúng nội hàm của quyền im lặng để khỏi phải băn khoăn.

- Nói về quyền tiếp cận hồ sơ vụ án, hiện còn nhiều băn khoăn rằng việc này sẽ làm mất an toàn đối với hồ sơ hoặc làm sai lệch hồ sơ. Xin Viện trưởng cho biết, việc tiếp cận sẽ được thực hiện ở phạm vi nào?

- Việc tiếp cận hồ sơ của bị can, bị cáo phải có điều kiện. Đó là khi không có luật sư thì bị can, bị cáo sẽ tự đảm nhận quyền bào chữa trước tòa. Điều này đã được hiến định. Về mặt thời điểm, cũng có nhiều người băn khoăn là việc tiếp cận hồ sơ vụ án có thể gây khó khăn cho quá trình tố tụng. Nhưng trong luật quy định, sau khi kết thúc điều tra thì mới được tiếp cận hồ sơ. Thêm nữa, bị can, bị cáo chỉ được tiếp cận hồ sơ liên quan tới việc buộc tội của mình, còn những tài liệu khác thì không được tiếp cận vì nó cũng không cần thiết cho quá trình tự bào chữa.

Liên quan đến an toàn hồ sơ, trong luật cũng ghi chỉ được tiếp cận bản sao hoặc những tài liệu đã được số hóa (đưa lên máy tính). Nhiều nước (như Thụy Sỹ) mỗi bị can, bị cáo được cấp một mã khóa để có thể truy cập vào địa chỉ nhất định để xem những thông tin cần thiết cho việc tự bào chữa của mình. Tất cả những lo lắng này đều đã được tính đến trong dự thảo luật. Băn khoăn của một số cơ quan về nội dung này, chúng tôi thấy về cơ bản đã được giải quyết.

- Xin cảm ơn Viện trưởng!

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang