Cần thay đổi phong cách, lề lối chỉ đạo và tổ chức thực hiện

Thứ Tư, 30/11/2016 08:08  | Nguyễn Thành Tài

|

(CAO) Phàm thì nói luôn dễ hơn làm. Nhưng nếu chỉ có nói mà không làm gì hết thì còn tệ hơn nhiều. Nói ít, làm nhiều, làm thực chất, làm có hiệu quả thì lời nói sẽ có sức hiệu triệu lớn, tập hợp được nhiều người, tạo dựng và duy trì được phong trào xã hội rộng lớn, mạnh mẽ.

Nói nhiều, họp hành nhiều ở mình đã trở thành điểm yếu, chứ không phải mạnh. Nói nhiều, họp nhiều mà cho kết quả tốt, công việc chạy đều, kịp tiến độ, bảo đảm chất lượng thì cũng nên chấp nhận; dự họp xong, ai cũng nắm được yêu cầu, hiểu rõ được việc mình cần làm, được phân công, biết cách phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành chương trình, mục tiêu nhiệm vụ đề ra thì còn gì bằng .

Đằng này, chúng ta họp hành quá nhiều nhưng chất lượng của không ít cuộc họp kém, do nội dung chuẩn bị chưa tốt hoặc do quá ít thời gian dành cho cuộc họp để bàn định tới nơi, tới chốn; kết luận đôi khi còn chung chung, thiếu cơ sở, vừa tốn thời gian, công sức triển khai thực hiện nhưng sau đó không hiệu quả; tình hình chuyển động chậm, kết quả không rõ nét.

Và đó còn do nguyên nhân từ sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị chưa tốt, không kịp thời, không đồng bộ, thiếu liên kết hỗ trợ, mạnh ai nấy làm, thậm chí chạy theo thành tích riêng làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Hãy thử điểm lại một số chủ trương lớn, đúng đắn của trung ương và thành phố, từ sau khi có chủ trương đến khi thực hiện một thời gian, đều bộc lộ những khiếm khuyết với đặc điểm giống nhau. Như đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với yêu cầu đặt ra là đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, thực hiện việc liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các chủ thể, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; khuyến khích và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới nhằm đứa nông nghiệp tiến lên sản xuất quy mô lớn, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; tạo môi trường thuận lợi để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm ... Nhưng sau 3 năm thực hiện, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế như: triển khai chậm, chưa đồng bộ, tổ chức sản xuất chậm đổi mới, thiếu liên kết hợp tác, mạnh ai nấy làm dẫn đến cạnh tranh nội bộ thiếu lành mạnh; hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuỗi sản xuất các ngành hàng nông sản chưa cao; sự tham gia của các doanh nghiệp còn hạn chế ....

Hoặc như chương trình giảm ô nhiễm môi trường ở TP.HCM nhằm kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, mặt nước, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng thành phố xanh - sạch, phát triển bền vững trong giai đoạn vừa qua (2011- 2015). Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như chậm triển khai, nhiều chỉ tiêu đề ra chưa hoàn thành mà nguyên nhân là do công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các sở ngành, quận- huyện chưa đồng bộ, kịp thời. 

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Việc triển khai, chỉ đạo, giải pháp thực hiện chưa tạo được sự đột phá và chuyển biến rõ rệt ...

Ngay cả chủ trương mang tính cấp bách cần có sự tập trung, phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ , thường xuyên, cả phạm vi chung toàn thành phố, đến quận - huyện, phường - xã, thị trấn cho đến từng hộ dân như công tác phòng chống dịch Zika chỉ rộ lên lúc đầu khi đồng chí Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thi Thu ra quân, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo về việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân có các biên pháp phòng tránh như thường xuyên diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh, phát quang, làm sạch môi trường cộng với các biện pháp chuyên môn của ngành y tế ....

Còn sau đó, đến nay, mọi việc như đã lắng xuống, dù con số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên ở địa bàn TP.HCM ?! Rõ ràng, để có thể khắc phục tình trạng trên một cách triệt để, không còn câu nói: "Chủ trương thì đúng đắn, nhưng thực hiện kém hiệu quả do nguyên nhân chậm triển khai, thiếu phối hợp, thực hiện không tới nới, tơi chốn... "

Để các chủ trương, quyết sách khi triển khai thực hiện luôn mang lại những kết quả tạo chuyển biến tích cực trong thực tế cuộc sống thì trước hết phải thay đổi phong cách, lề lối chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thay cho kiểu chi đạo và thực hiện còn không ít chung chung, thiếu cụ thể chỉ dừng lại ở nghị quyết; chủ trương lớn nhưng không cụ thể hoá thành chính sách, mô hình, tiêu chí, vì lợi ích chung; lo chạy theo thành tích, không thực chất ...

Có vậy, thì chúng ta mới có thể vượt qua được khó khăn, thử thách, tiến nhanh hơn, vững chắc hơn trong công cuộc xây dựng phát triển Đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu .

Bình luận (0)

Lên đầu trang