Festival Huế 2016: “Ai bị ngộ độc, tôi sẽ chịu trách nhiệm”

Thứ Sáu, 29/04/2016 09:00  | Hoàng Quân

|

(CAO) Phát ngôn mạnh mẽ này là của ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, kiêm Trưởng Ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2016.

Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban tổ chức xin hứa

Trong buổi họp báo công bố chương trình Festival Huế vào chiều 28-4 do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung có ảnh hưởng gì tới các hoạt động của Festival Huế 2016 hay không, cụ thể là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Dung khẳng định: “Các cơ quan chức năng từ trung ương và các tỉnh đang tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến việc cá biển chết. Hiện chưa có kết luận chính thức. Các hoạt động du lịch của Huế và hoạt động Festival vẫn tiến hành theo chương trình đã định. Và chúng tôi cũng chưa có phương án nào.

Tuy nhiên, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi cam kết nỗ lực tối đa để bảo đảm an toàn cho quý khách và mọi người tham dự lễ hội. Từ trước đến nay, các kỳ Festival đều không xảy ra sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lãnh đạo cấp cao, các đoàn nghệ thuật và tất cả du khách đến với Huế nếu ai bị ngộ độc, tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Tại buổi họp báo, bà Phạm Thu Hằng – Vụ phó Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin ban đầu về dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ La tinh”. Dự án được Thủ tướng Chính Phủ chọn TP.Huế đăng cai tổ chức phiên họp đầu tiên của với sự tham dự của các Thị trưởng, đại diện thành phố từ các nước thành viên của Diễn đàn (FEALAC). Phiên họp đầu tiên của dự án diễn ra vào ngày 29-4.

Mọi sự chuẩn bị cho Festival Huế 2016 đã hoàn tất để chờ đón buổi khai mạc chính thức diễn ra vào tối 29-4 tại Quảng trường Ngọ Môn trước Kinh thành Huế. Công tác “hậu cần” như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đón tiếp các đoàn quốc tế, giá phòng ở... đã được các cấp triển khai đồng bộ. Trước đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành thanh, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, đi vào nề nếp vấn đề an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố, các cơ sở dịch vụ ăn uống; nguồn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm.

Sở VH-TT&DL tỉnh đã thanh, kiểm tra tại các khách sạn, đơn vị lưu trú về chất lượng dịch vụ buồng phòng, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn viên, dịch vụ lữ hành. Hiện các cơ sở lưu trú trên địa bàn đã đạt gần 100% người đăng ký lưu trú. “Điều đó đồng nghĩa, Festival rất thu hút người dân và du khách”, ông Nguyễn Dung hào hứng nói.

Sở bắt buộc các cơ sở lưu trú phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; công bố số điện thoại 0543.847232 để tiếp thu phản ánh về chất lượng cũng như giá cả dịch vụ. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, một số cơ sở lưu trú lợi dụng “cơ” hội này đã tăng giá do lượng khách đặt phòng tăng.

Hiệp hội Du lịch tỉnh kết hợp với Sở Ngoại vụ, Trung tâm Festival Huế tập huấn cho hơn 60 học viên của 14 khách sạn, 90 tình nguyện viên về các kỹ năng lễ tân đối ngoại, an ninh, an toàn...

Trên một số tuyến đường, các địa điểm sân khấu chính đã được bố trí, tăng cường các điểm vệ sinh công cộng miễn phí.

Nhiều chương trình hấp dẫn, thú vị

Với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2016 hứa hẹn là “bữa tiệc” văn hóa đa sắc màu, độc đáo với nhiều hoạt động đặc sắc, ấn tượng. 15 năm qua, Festival Huế từng bước khẳng định thương hiệu, chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Festival Huế 2016 được tổ chức quy mô và hứa hẹn chất lượng hơn trước.

Lễ khai mạc tối 29-4 và bế mạc tối 4-5, có 36 đơn vị tham gia, trong đó có 23 đoàn đến từ 17 quốc gia: Pháp (3 đoàn), Mỹ, Mêhicô, Colombia, Hàn Quốc (2 đoàn), Nga (2 đoàn), Trung Quốc, Mông Cổ, Anh, Bỉ, Đan Mạnh, Ba Lan, Slovakia, Israel, Sri Lanka, Australia. Đặc biệt, gần 100 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế với hơn 600 phóng viên đăng ký tác nghiệp.

Sân khấu chính của Lễ hội diễn ra tại Đại nội, Cung An Định và các địa điểm cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Một trong những Lễ hội được mong chờ nhất là Đêm Hoàng Cung nhằm tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại nội – Kinh thành Huế về đêm, giới thiệu nghệ thuật múa hát cung đình, các trò chơi dân gian với các chương đặc biệt: “Dạ yến tiệc cung đình”, “Âm sắc Việt”, “Đám cưới công chúa”, “Ca múa nhạc truyền thống”. Đại nội Huế cũng diễn ra các hoạt động: sắp đặt mặt nạ Tuồng Huế, thưởng thức Ngự Trà, thư pháp, triển lãm đồ gốm…

Liên hoan ẩm thực Quốc tế Huế 2016 nhằm tôn vinh, quảng bá những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa ẩm thực của Việt Nam và các nước trên thế giới; mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các quốc gia, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước. Liên hoan diễn ra tại Công viên Phú Xuân với hơn 100 gian hàng cùng nhiều hoạt động khác: “Lễ hội Bia”; biểu diễn nghệ thuật pha chế; biểu diễn nghệ thuật. Lễ hội áo dài lúc 20 giờ ngày 30-4 tại Sân khấu Bia Quốc học nhằm tôn vinh và giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống của Việt Nam, quy tụ dàn người mẫu, hoa hậu, nghệ sĩ nổi tiếng: Quang Linh, Vân Khánh, Quang Hào…

Ngoài các chương trình, lễ hội có bán vé như trên thì còn nhiều hoạt động mang tính cộng đồng, phục vụ miễn phí nhân dân như: Lễ hội đường phố “Di sản với sắc màu văn hóa” với sự quảng diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Lễ hội hứa hẹn tạo không khí tưng bừng, đầy sắc màu văn hóa của nhiều quốc gia. Ngày hội Khinh khí cầu Quốc tế hứa hẹn mới lạ, hấp dẫn. Mỗi đoàn đại diện các nước mang đến một khinh khí cầu vừa to lớn, nặng và đẹp, độc đáo để bay trình diễn và phục vụ du khách. Ngày hội thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, người mẫu Bình Minh, Quốc Thái, Trương Quỳnh Anh, Trương Thị May, Elly Trần, Cát Phượng, nhóm Mắt Ngọc, Thành Lộc, Tấn Tài...

Chương trình nghệ thuật “Về miền Hương Ngự” lần đầu tiên được tổ chức là điểm nhấn chính, diễn ra tại đình làng cổ Kim Long bên bờ sông Hương thơ mộng với nhiều hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Huế.

Festival Huế 2016 còn nhiều hoạt động thú vị như Lễ Tế Giao (tế trời đất để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an) lúc 0 giờ ngày 29-4 tại Đàn Nam Giao; “Hương xưa làng cổ” (ngày 30-4 đến 2-5) tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); “Chợ quê ngày hội” (30-4 đến 4-5) tại cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy); “Sắc màu tuổi thơ”; Âm nhạc Trịnh Công Sơn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang