Người đang bị tạm giam, tạm giữ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội

Thứ Tư, 25/11/2015 17:11  | Thanh Hòa - Kim Ngân

|

(CAO)Chiều 25-11-2015, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua một số Luật quan trọng, trong đó có Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: thảo luận tại phiên họp toàn thể, các ý kiến cơ bản tán thành với Báo cáo và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến về một số điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Người bị tạm giữ, tạm giam vẫn được bỏ phiếu

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung thêm các quyền về yêu cầu được trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam; quyền về được bỏ phiếu khi có trưng cầu dân ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 9 của dự thảo Luật đã bổ sung về các nội dung này. Có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định riêng về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội để phù hợp với bố cục của các chương, điều khác trong luật này.

Ý kiến khác đề nghị không quy định về quyền bầu cử của người đang chờ thi hành án tử hình. Về nội dung này, ông Hiện cho biết, đối với những người bị kết án phạt tù được giữ lại 15% để phục vụ cho nhà tạm giữ, trại tạm giam, người đã có án phạt tù đang chờ thi hành án và người bị kết án tử hình chưa đưa đi thi hành án về cơ bản được điều chỉnh bởi Luật Thi hành án hình sự, nhưng những người này đang bị tạm giữ, tạm giam thì đồng thời họ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật.

Như vậy, đối với từng đối tượng khác nhau đều do các luật liên quan điều chỉnh về quyền và nghĩa vụ. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 9 đã được chỉnh lý lại bảo đảm chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiện

Theo quy định tại Điều 29, 30 của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân thì người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ.

Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như quy định của Dự thảo Luật. Ông Hiện giải thích: đối với các quyền khác không bị luật hạn chế thì về nguyên tắc, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định của luật có liên quan.

Tuy nhiên, có một số quyền mặc dù Luật này và các luật khác có liên quan không hạn chế như: quyền học tập, quyền về hôn nhân gia đình, quyền làm việc, tự do đi lại, quyền rèn luyện sức khỏe, quyền về tín ngưỡng, tôn giáo,… nhưng do họ bị tạm giữ, tạm giam theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không thể thực hiện được.

Chuyển 4 trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp

Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 10), có ý kiến đề nghị chuyển giao các Trại tạm giam thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh - Bộ Công an về Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý, bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra.

Ý kiến khác đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý. Do ý kiến của các vị ĐBQH còn khác nhau, UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.

Trong đó, 326 phiếu đề nghị giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một đồng chí Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

Về chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi; bổ sung số lần nhận quà tăng gấp 2 lần đối với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người chưa thành niên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải vừa phúc đáp yêu cầu tình cảm, thăm hỏi và động viên tinh thần họ nhưng vừa phải phục vụ tốt cho công tác điều tra khám phá tội phạm.

Trong Dự thảo Luật đã quy định thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng này như: người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được tăng thêm định lượng ăn về thịt, cá …, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ…; đồng thời, so với hiện nay dự thảo Luật đã quy định tăng thêm số lần gặp để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Đối với người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi bị tạm giữ, tạm giam thì theo quy định họ vẫn có khả năng nhận thức, năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên không có căn cứ để quy định họ hưởng chế độ cao hơn so với những người bị tạm giữ, tạm giam khác.

Về dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, có đại biểu còn đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật “cùm một chân” vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Ông Hiện giải thích: trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ.

Quy đinh này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Với tỷ lệ 88,26%, Quốc hội đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang