Vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm: Cựu chiến binh kiên cường bám biển

Thứ Ba, 12/07/2016 10:42

|

(CAO) Những ngày qua, dư luận cả nước theo dõi vụ tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 90479 do chủ tàu, kiêm thuyền trưởng Võ Văn Lựu, 50 tuổi (ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc bao vây tấn công và bị đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa. Thuyền trưởng Võ Văn Lựu còn được biết đến như “người hùng” vùng biển Hoàng Sa. Mặc dù gần chục lần bị Trung Quốc tấn công nhưng người cựu chiến binh Võ Văn Lựu vẫn kiên cường ra Hoàng Sa giữ biển.

Bao vây đâm chìm tàu cá

Trưa ngày 11-7, người thân gia đình của 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479 tập trung tại đài Icom cộng đồng của xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), ông Nguyễn Văn Trúc, người trực đài Icom cộng đồng này phải liên tục ngồi máy, giữ liên lạc với các tàu cá ở Hoàng Sa để nắm thông tin của 5 ngư dân đi trên tàu QNg 90479 vừa bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46012 và 56103 tông chìm trưa 9-7.

Ngư dân Võ Văn Lựu - Ảnh: Sự Luân

Theo ông Trúc cho biết, khoảng trưa ngày 9-7, thông tin qua máy Icom, ông Huỳnh Văn Khanh, ở thôn Châu Thuận Biển, là thuyền trưởng tàu cá QNg 95011 điện về cho biết, trong lúc 2 tàu cá QNg 90479 của Võ Văn Lựu và QNg 95011 của ông Huỳnh Văn Khanh đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa thì bị hai tàu Trung Quốc cùng hai canô truy đuổi áp sát trong nhiều giờ liền. Do tàu ông Khanh nhỏ nên kịp thoát khỏi sự kèm cặp của tàu Trung Quốc.

Không truy đuổi được tàu QNg 95011, các tàu Trung Quốc tập hợp lại truy đuổi tàu QNg 90479. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, ông Khanh báo về cho biết tàu ông Lựu bị đâm chìm, chỉ còn phần mũi nhô lên, các ngư dân đang kêu cứu. “Theo lời ông Khanh qua icom báo về thì mặc dù tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ông Võ Văn Lựu, các ngư dân chới với ôm phao, nhưng các tàu Trung Quốc vẫn kè bên không cứu ngư dân. Tàu cá của ông Khanh không dám chạy đến cứu vì sợ tàu Trung Quốc giăng bẫy dụ vào để tấn công” ông Trúc kể lại. Đến khoảng chiều tối cùng ngày, các tàu Trung Quốc bỏ đi, ông Khanh mới cho tàu tới cứu 5 ngư dân đang chới với giữa biển.

Theo lời thuyền trưởng Khanh báo qua icom, lúc đầu khi đến cứu vớt, thấy sức khỏe thuyền trưởng Lựu không tốt nên định cho tàu trở về đất liền. Tuy nhiên, sau đó thuyền trưởng Lựu đã khỏe lại, trong khi sản lượng cá khai thác quá ít nên thuyền trưởng Khanh cho biết sẽ tiếp tục ở lại đánh cá, khi nào vào sẽ báo sau.

Không gì ngăn cản bám biển Hoàng Sa

Những ngày này, bà Phùng Thị Năng, 50 tuổi, đứng ngồi không yên trước việc tàu cá nhà bị phía Trung Quốc đâm chìm. Theo bà Phùng Thị Năng cho biết, khoảng 5 năm qua, gần chục lần gia đình bà bị Trung Quốc tấn công rượt đuổi, cướp tài sản rồi đâm chìm tàu. Trước đó, năm 2010, thấy nhiều chủ tàu ở địa phương đưa phương tiện sang Malaysia đánh bắt khá hiệu quả, sau khi vợ đồng ý, ông Lựu quyết định đưa phương tiện đánh vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, vốn không quen với chuyện làm thủ tục giấy tờ để xin phép, vợ chồng bà Năng nhờ người làm giúp. "Không biết họ làm thế nào, thế nhưng khi đưa phương tiện qua Malaysia đánh bắt chưa được bao lâu, thì bị nhà chức trách nước này bắt vì lý do giấy tờ bất hợp pháp" bà Năng kể. Theo đó, không chỉ chiếc tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng và toàn bộ ngư cụ, thiết bị bị tịch thu, ông Lựu còn bị cơ quan chức năng nước này bắt giam gần 9 tháng sau mới thả.

Trở về nước với bàn tay trắng, vợ chồng ngư dân Lựu lại vay mượn để đóng lại chiếc tàu nhỏ, có công suất 190 Cv để tiếp tục ra khơi. Một thời gian sau, nhận thấy với chiếc tàu có công suất nhỏ thế này khó để vươn ra Hoàng Sa đánh bắt dài ngày, đến năm 2013, cùng với số tiền đã tích cóp được, vợ chồng ngư dân Lựu vay mượn thêm để mua chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479 TS, có công suất 430 Cv, với trị giá trên 2 tỷ đồng. Thế nhưng sau gần 3 năm kể từ lúc mua về, ngoài gần chục lần bị Trung Quốc rượt đuổi; tàu cá mang số hiệu QNg 90479 Ts của vợ chồng bà Năng đã 2 lần bị phía Trung Quốc cướp tài sản, gây thiệt hại trên 770 triệu đồng.

Bà Phùng Thị Năng chuẩn bị hồ sơ kêu cứu các cơ quan chức năng - Ảnh: Sự Luân

Phiên biển tháng 3-2014, tàu cá QNg 90479 TS của anh Lựu, cùng 14 thuyền viên ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thì bị một tàu sắt của Trung Quốc với trên 35 người, mang theo súng, roi điện bao vây, tấn công. Đồng loạt các đối tượng đi trên ca nô nhảy lên tàu, xông vào buồng lái dùng roi điện khống chế thuyền trưởng. Cùng lúc đó, nhiều đối tượng người Trung Quốc khác dùng hung khí khống chế, dồn tất cả 14 thuyền viên về phía mui tàu, úp mặt xuống mạn tàu. Những người này bắt thuyền trưởng Võ Văn Lựu đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích...

Ngoài thân tàu bị hư do tàu sắt Trung Quốc tông, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc tịch thu, tổng trị giá thiệt hại trên 350 triệu đồng. Tuy nhiên cũng như những lần trước, thuyền trưởng Lựu vẫn kiên cường cho tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa bám biển, bất chấp hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc.

“Người hùng” vùng biển Hoàng Sa

Thuyền trưởng Võ Văn Lựu còn được biết đến “người hùng” ở vùng biển Hoàng Sa. Nhiều tàu cá bị nạn đều được tàu Võ Văn Lựu đến cứu đưa về đất liền an toàn. Giữa năm 2014, tàu các QNg 95814 TS, của anh Võ Nhị, ở huyện Bình Sơn ra khu vực vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản trong lúc chạy vào khu vực đảo Đá Lồi thuộc Hoàng Sa tránh gió thì bất ngờ bị phá nước vỡ tàu và chìm ngay sau đó, các ngư dân trên tàu đu bám vào nhau. Lúc này, tình cờ thuyền trường Võ Văn Lựu, chủ tàu QNg 90479 TS mở máy Icom nên nghe tiếng tàu Võ Nhị cầu cứu. Mặc dù ở cách xa khoảng 20 hải lý, Võ Văn Lựu quyết định dừng phiên biển đánh bắt hải sản để đến cứu tàu anh Nhị. Khi tàu thuyền trưởng Lựu đến, nhiều ngư dân trong tình trạng mệt đuối sức sau một thời gian bám víu phần mũi tàu còn nổi. Tập trung đưa 11 ngư dân lên tàu xong, anh Lựu tính phương án cứu tàu bị chìm. Sau nhiều giờ đồng hồ tìm cách cứu con tàu nhưng không thành, các ngư dân đành thay phiên nhau lặn xuống đáy biển tháo thiết bị máy móc và ngư lưới cụ trên tàu bị chìm đưa lên tàu của Võ Văn Lựu.

Do tàu cá chuẩn bị nhiên liệu, lương thực vừa đủ cho một phiên biển khoảng 1 tháng trên biển với 12 thuyền viên, giờ tiếp nhận thêm 11 thuyền viên trên tàu bị chìm, nên thuyền trưởng Lựu quyết định cho tàu về bờ. Con tàu bị chìm thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Tàu cá của thuyền trưởng Lựu cũng bị lỗ tổn trên 100 triệu đồng khi ngừng việc đánh bắt hải sản để cứu 11 ngư dân trên tàu chìm đưa vào bờ.

Nhận xét về Võ Văn Lựu, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu cho biết “Võ Văn Lựu cũng là cựu chiến binh ở địa phương. Với bản chất người lính cụ Hồ, mặc dù bị Trung Quốc liên tục tấn công cướp, phá hỏng nhưng sau mỗi lần bị nạn, Võ Văn Lựu tiếp tục sửa lại tàu rồi ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản, bất chấp Trung Quốc gây hấn, tấn công”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang