Bí mật về “xác ướp” gần 50 năm ở Phú Tân - An Giang:

Đi tìm nguồn gốc xác ướp có giá 2 triệu USD

Thứ Năm, 16/07/2015 13:42  | Lê Bình

|

(CAO) Tư chất thông minh khi còn nhỏ, nhưng do bệnh hiểm nghèo nên ông Đinh Công Hạo (SN 1951) chết yểu từ năm 17 tuổi. Tưởng như mọi chuyện đã an bài với người quá cố, nhưng với nhiều sự kiện trùng lặp một cách kỳ lạ đến nay vẫn là điều bí ẩn rất cần sự nghiên cứu, lý giải của các nhà khoa học.

Người chết an táng được 4 ngày phải đào lên, để chứng minh cho những điều kỳ diệu của tạo hóa. Kể từ lúc được đưa lên khỏi huyệt mộ, gần 50 năm qua cỗ quan tài với cái xác không bị phân hủy và vẫn “ở chung” với cả 3 thế hệ gồm em trai, các cháu, các chắt trong cùng một mái nhà.

CÂU CHUYỆN LY KỲ

Vào một ngày giữa tháng 6-2015, trời miền Tây nắng như đổ lửa, chúng tôi theo Tỉnh lộ 954 từ hướng Chợ Vàm về thị xã Tân Châu (huyện Phú Tân - An Giang) để tìm hiểu về một trong những hiện tượng bí ẩn nhất của vùng hạ nguồn sông Hậu - khu vực Thất Sơn linh thiêng, với vô vàn những điều huyền bí.

Đón chúng tôi tại UBND xã Phú Thạnh, ông Nguyễn Tự Điển - PCT phụ trách văn xã cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ PCT xã Phú Thạnh được vài năm nay, có nghe đến chuyện gia đình ông Đinh Công Trí ngụ ấp Phú Lộc đang lưu giữ một xác chết đã gần 50 năm nhưng chưa phân hủy. Năm ngoái, trước lúc ông Trí qua đời, cái xác kỳ bí đó đã được ông giao lại cho con trai là anh Đinh Tiến Đại chăm nom và bảo quản”.

Để hiểu rõ hơn về cái xác, ông Điển đã mời ông Lê Ngọc Hở - Trưởng CA xã Phú Thạnh sang giải thích về câu chuyện kỳ bí này, bởi vì ông Hở là người công tác tại địa phương lâu nhất từ đầu những năm 90 thế kỷ trước đến giờ.

Tuy nhiên qua trao đổi với chúng tôi, ông Hở cũng chỉ biết chuyện về xác ướp từ những năm đầu sau giải phóng, khi ông mới lớn, thông qua lời kể của những người lớn tuổi. Vì thế ông Hở khuyên chúng tôi nên đến ngôi nhà bí ẩn đó để tìm hiểu thực hư.

Được sự dẫn đường của đồng chí Hậu - Phó trưởng CA xã Phú Thạnh, chúng tôi chạy thêm 7km thì đến ấp Phú Lộc. Tiếp chúng tôi, anh Đinh Quốc Đại (con trai ông Trí, cháu gọi ông Đinh Công Hạo là bác ruột) yên tâm vì sự có mặt của công an xã, nên câu chuyện cởi mở.

Cạn ly cà phê, anh Đại đồng ý dẫn chúng tôi vào ngôi nhà gỗ cũ kỹ nhưng còn rất tốt. Đó là căn nhà gỗ đặc trưng của người dân vùng sông nước Nam bộ, dành cho những gia đình khá giả, được thiết kế một tầng trệt và một tầng lầu phía trên. Gian trệt là nơi chứa vật dụng sinh hoạt của gia đình, còn trên gác là nơi đặt xác chết bí ẩn gần 50 năm qua.

Quan tài chứa xác ướp - Ảnh: Lê Bình

Chiếc cầu thang theo thời gian đã sẫm màu, nhìn vào rất mong manh nhưng vô cùng chắc chắn bởi làm bằng gỗ tốt, đủ sức chịu đựng cho từ hai đến ba người lên xuống cùng một lúc.

TẬN MẮT CHỨNG KIẾN

Trên căn gác rộng khoảng 15m2, chiếc quan tài nhỏ gọn chiều rộng khoảng 35cm, chiều dài chưa đầy 2m được đặt xéo theo hướng chân về phía đông, phần đầu nằm ở hướng tây (hướng về dãy Thất Sơn).

Trên đầu quan tài là một hương án rất ngăn nắp để thờ người quá cố, theo tín ngưỡng của bà con Phật giáo Hòa Hảo, đèn điện chong sáng rực suốt đêm ngày.

Chiếc áo quan tuy cũ kỹ nhưng được làm bằng thứ gỗ rất tốt, theo anh Đại thì có thể là gỗ Gõ ở vùng Campuchia mang về. Mặt trên quan tài được làm bằng kiếng, để người thân có thể nhìn vào xác ông Hạo mỗi ngày.

Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi được chứng kiến là thi thể ông Hạo khá nhỏ nhắn với bộ quần áo màu vàng đã cũ theo năm tháng, phía trên là một ống thông hơi từ trong quan tài kéo lên mái nhà.

Di ảnh ông Đinh Công Hạo - Ảnh: Lê Bình

Anh Đại cho biết: "Từ ngày ông nội tôi đưa bác Hạo lên đây, ông đã đặt quan tài nằm theo tư thế như vậy. Năm 1994, ông nội tôi qua đời, cha tôi tiếp nhận và đến thế hệ tôi được cha giao lại vẫn để nguyên y như cách đây 48 năm, không hề thay đổi. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ bàn thờ, lau chùi bụi bám bên ngoài áo quan chứ không bao giờ đụng đến phần thể xác".

Qua tấm kiếng, chúng tôi thấy hai tay thi thể để lên bụng vẫn còn phần da màu xám sẫm, mặt thi hài được che bằng một tấm vải cũ màu đỏ, nhưng trên đỉnh đầu tóc vẫn rất nhiều, tết thành mảng.

Nhìn tổng thể, trong quan tài vẫn là hình hài của một người trẻ chưa trưởng thành, thi thể đã bị co rút lại theo thời gian nhưng vẫn hao hao như người chết vừa mới tẩm liệm. Đặc biệt là không có mùi.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi từ nhỏ đến giờ anh có bao giờ sợ hãi khi phải sống chung với một xác chết trong nhà, anh Đại khẳng định: “Tôi chưa bao giờ sợ vì tôi biết đó là bác ruột của mình, ông nội đã cố giữ lại để chăm nom và cho đến lúc cha tôi tiếp nhận thì xác bác ruột tôi vẫn im lìm như vậy, không gây ra một chuyện gì rắc rối trong gia đình cả.

Lúc tôi lập gia đình, ban đầu vợ tôi cũng rất sợ khi về nhà chồng nhưng sau đó rồi cũng quen. Cho đến bây giờ các con tôi cũng xem cỗ quan tài chứa người chết là điều rất bình thường ở trong nhà, không có biểu hiện sợ hãi gì cả”.

Cũng theo anh Đại thì duy nhất chỉ có cha của anh là ông Đinh Công Trí lúc còn sống, mỗi lúc dựng vợ gả chồng cho con cháu hay làm một sự kiện gì đó trong gia đình, ông đều mắc võng một bên quan tài của bác Hạo và nói chuyện nhỏ nhẹ như xin ý kiến bác.

Cũng có lúc thấy ông buồn bã nên gặng hỏi thì ông bảo: “Việc này bác không đồng ý”. Cũng có lúc ông tươi cười vì cho rằng “Đã thảo luận và được bác Hạo đồng ý rồi, con cháu cứ thế mà làm”.

Anh Đại tâm sự: “Riêng về phần tôi, chưa bao giờ có được may mắn “nói chuyện” với bác Hạo và cũng từ khi hiểu và nhận thức sự việc từ trước đến nay, tôi thấy thi thể của bác Hạo vẫn như vậy, không thay đổi bao nhiêu. Đây là điều kỳ lạ mà gia đình chúng tôi đang rất muốn các nhà khoa học, các cơ quan chức năng chuyên ngành giúp đỡ, lý giải về mặt khoa học”.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang