Đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh

Thứ Ba, 30/04/2019 08:38

|

(CATP) Bốn mươi bốn năm đã trôi qua kể từ ngày xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ và bắt đầu tiến trình thống nhất đất nước.

Khoảng thời gian này quá ngắn ở một góc nhìn, nhưng lại quá dài ở một góc nhìn khác.

Khoảng thời gian vẫn quá ngắn, dù là gần một nửa thế kỷ, bởi đó chỉ là một chặng rất nhỏ trên con đường phát triển. Vả lại, đất nước chỉ thật sự hưởng thanh bình từ cuối những năm 1980, nghĩa là sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc, cũng như hoàn thành sứ mạng hỗ trợ nhân dân Campuchia anh em trong cuộc chiến tiễu trừ tàn quân diệt chủng Khmer Đỏ.

Hơn ba thập kỷ đổi mới đã đưa đất nước từ hoang tàn, thành những đô thị hiện đại, khang trang; những vùng nông thôn giàu sức sống; những khu công nghiệp sôi động; những khu du lịch sang trọng, cuốn hút;… Sự thay da đổi thịt nhanh chóng của một cơ thể chịu nhiều đau thương, mất mát khẳng định ý nghĩa tích cực to lớn của sự hy sinh và của thắng lợi lịch sử mùa xuân năm ấy.

Trái lại, khoảng thời gian đã qua được cho là quá dài để nuôi giữ trong ký ức về sự đối đầu, thù địch. Lẽ hiển nhiên, dân tộc phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đã đổ xương máu cho chiến thắng, cho độc lập, tự do. Nhà nước phải có chính sách thoả đáng, cũng như xã hội phải có sự quan tâm đặc biệt đối với việc đền ơn đáp nghĩa.

Nhưng mặt khác, cũng phải nhận thấy, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã chỉ ra, “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Đất nước, dân tộc sắp sửa bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Phải đủ tỉnh táo để nhận thấy rằng thực hiện được mục tiêu sánh vai với các cường quốc năm châu theo đúng di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc không đơn giản. Mặc dù đạt được những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế, xã hội, đất nước vẫn nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Giải pháp đối với bài toán phát triển bền vững và bao trùm không hề đơn giản. Có một loạt thách thức phải đối mặt. Quá trình hội nhập tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh, khuếch trương sản xuất, kinh doanh nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ trên phạm vi toàn cầu, nhưng đồng thời cũng khiến nền kinh tế trong nước chịu áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế phải được thực hiện một cách hợp lý trước yêu cầu bảo vệ môi trường đang trở nên rất bức bách. Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân làm giàu chính đáng, đồng thời cũng phải bảo đảm công bằng xã hội, không để cho xã hội rơi vào tình trạng phân hoá cực đoan.

Để ứng phó hiệu quả với các thách thức và giải quyết thấu đáo bài toán phát triển, thì trước hết phải có quyết sách phát triển đúng đắn. Nhưng quan trọng nhất là phải huy động được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Nói rõ hơn, phải củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phải làm thế nào để tất cả mọi người dân, không phân biệt thành phần xã hội, giới tính, độ tuổi, trình độ văn hoá, lịch sử chính trị gia đình hay bản thân, cùng siết chặt tay thành một khối thống nhất, đoàn kết quanh một chính phủ liêm chính và kiến tạo.

Tất cả cùng nhau nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một quốc gia phồn vinh, nơi mà những người được gọi là đồng bào đều có điều kiện chung hưởng cuộc sống khá giả và hạnh phúc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang