Dự án đường Hồ Chí Minh: 289 km chờ… vốn!

Thứ Sáu, 26/10/2018 10:35

|

(CAO) Sau hơn 7 năm triển khai, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.180/2.744 km. Hiện dự án đang triển khai đầu tư 275 km, còn khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273 km, đã hoàn thành 81 km, đang thi công 32 km và chưa triển khai 160 km. Trong số 160 km này có 30km đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng).

“Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến khởi công hoàn thành 2016 - 2018, tuy nhiên đến nay chưa được bố trí vốn”, theo Chính phủ.

Nguồn vốn hạn hẹp, Chính phủ kiến nghị giãn tiến độ đường Hồ Chí Minh

Đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến dài 130 km có tổng mức đầu tư (TMĐT) là 16.216 tỷ đồng dự kiến thực hiện theo hình thức BOT, khởi công hoàn thành 2016 - 2020 nhưng do phương án đầu tư theo hình thức này không khả thi về phương án tài chính nên đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư phù hợp.

Tại khu vực miền Trung, từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) có chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532 km bao gồm cả nhánh Tây dài 684 km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350 km, đang triển khai 182 km (sau khi duyệt dự án chỉnh tuyến còn 175 km).

Các dự án đã hoàn thành cơ bản nối thông tuyến từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) giai đoạn 1 với chiều dài hoàn thành 1.350 km, chỉ còn lại đoạn Cam Lộ - Túy Loan hiện đang triển khai. Dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến.

Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Theo phân kỳ đầu tư, đến năm 2020 dự án sẽ hoàn thành các dự án thành phần (DATP) để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Ở khu vực Tây Nguyên, đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553 km đã hoàn thành toàn bộ đầu tư giai đoạn 2 làn xe. Theo Chính phủ, hiện đang triển khai một số tuyến tránh đô thị các tỉnh Tây Nguyên (tránh TP Pleiku, tránh thị trấn Chư Sê (Gia Lai); tránh thị xã Buôn Hồ, tránh thị trấn Ea Drăng (Đăk Lăk); tránh TP Kon Tum) với tổng chiều dài 116 km/TMĐT 3.190 tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Các dự án này sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11-11-2015 của Quốc hội và các Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 14-10-2016; số 1978/QĐ-TTg ngày 14-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 382 km, đã hoàn thành 192 km, đang thi công 61 km, chưa triển khai 129 km.

Lý giải về các dự án chưa triển khai, Chính phủ cho biết, phần khối lượng còn lại của đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đầu tư từ nguồn vốn TPCP sau khi dừng, giãn theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 (dài 74 km/TMĐT 6.566 tỷ đồng). Cũng theo báo cáo, dự kiến tiếp tục đầu tư bằng vốn TPCP, khởi công hoàn thành 2009 - 2016. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, hiện đang triển khai công tác lập báo cáo tiền khả thi.

Phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận dài khoảng 55 km/TMĐT 3.865 tỷ đồng triển khai bằng nguồn TPCP dự kiến khởi công hoàn thành 2016 - 2018, hiện chưa triển khai thực hiện cũng với khó khăn về vốn.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cũng đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, đoạn Chợ Mới - Chợ Chu, tỉnh Thái Nguyên thuộc dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, triển khai từ cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn vướng 400m mặt bằng nên dự án chưa thể hoàn thành toàn bộ.

Tại dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đoạn La Sơn - Túy Loan còn khoảng 11km đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Đoạn này được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào dự án từ cuối năm 2016 nhưng đến nay địa phương vẫn chưa bàn giao.

Ở một số đoạn tuyến tránh đô thị các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai, tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, cụ thể là tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) còn khoảng 5,4 km/26,6 km; tuyến tránh TP. Kon Tum còn 3,41 km/24,7 km; tuyến tránh Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn khoảng 2,3 km/10,85 km; tuyến tránh EaDrăng (Đăk Lăk) còn khoảng 13 km/23,2 km.

“Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các địa phương để hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án” - Chính phủ thông tin.

Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013, từ cuối năm 2013 đến năm 2020 sẽ phải tiếp tục đầu tư và hoàn thành 1.165,8 km/28 dự án thành phần. Từ năm 2014 đến hết năm 2018 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 702,8 km/1.165,8 km, trong đó các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã vượt tiến độ 1,5 năm so với yêu cầu.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành 774,8 km/1.165,8 km; đến năm 2021 hoàn thành 876,8 km/1.165,8 km, còn lại 289 km nhiều khả năng không đáp ứng tiến độ yêu cầu do điều kiện nguồn lực hạn hẹp. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ hoàn thành nối thông toàn tuyến quy mô tối thiểu 2 làn xe đến sau năm 2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang