Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng

Thứ Sáu, 12/06/2020 10:22  | Mai Loan

|

(CAO) Sáng nay (12-6), Báo CAND tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hình thành văn hóa giao thông của cá nhân và cộng đồng”.

Tham dự buổi giao lưu có ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGTQG; Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an); Đại tá Phạm Quang Khải, Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Đại tá Phạm Quang Khai tặng hoa cho các khách mời

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, Đại tá Phạm Quang Khải, cho biết: Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm mục tiêu bảo đảm tốt an ninh trật tự, trong đó bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách.

Nằm trong chiến lược, mục tiêu xuyên suốt bảo đảm an toàn giao thông, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây cũng là bước đi cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Hiến pháp năm 2013 (điều 67) quy định: Nhà nước xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, Luật CAND năm 2018 cũng quy định rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện quản lý về trật tự, an toàn giao thông.

Các khách mời tham gia buổi giao lưu

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật thì một vấn đề rất quan trọng là phải hình thành được văn hóa giao thông, mỗi người dân thực sự tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành các quy dịnh của pháp luật về an toàn giao thông. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, công tác xử lý vi phạm cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Quá trình thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cho thấy, sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật đã tác động tích cực tới ý thức tự giác của người tham gia giao thông…

Tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến như, thực tế là trong nhiều thập kỷ qua, xu hướng sử dụng giao thông của người dân đã thay đổi, từ đi xe đạp, tới xe máy, ô tô và phương tiện công cộng. Vậy thì văn hóa giao thông đã thay đổi như thế nào và theo chiều hướng nào? Hay về mức phạt khá nặng, nghiêm khắc và lực lượng CSGT đã cố gắng để làm hết trách nhiệm, song tình trạng vi phạm trật tự ATGT vẫn có chiều hướng gia tăng. Vì sao? Những hành vi chống đối người thi hành công vụ khi tham gia giao thông có được coi là sự thiếu văn hóa khi tham gia giao thông không? Hay là sự bất tuân pháp luật?

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG, cho rằng, hiện nay những xu hướng đang diễn ra nhanh là đô thị hoá và cơ giới hoá. Theo số liệu của chúng tôi, xe máy, tuy được nhìn nhận là có tốc độ tăng trưởng bão hoà, nhưng vẫn tăng ở mức 7% mỗi năm. Còn ô tô đang tăng trưởng 15% trên trục chính, về tổng thể tăng trưởng 10%.

Theo xu hướng cơ giới hoá phương tiện, ngày càng có nhiều người đi lại bằng ô tô hơn, từ đó tình trạng ô nhiễm, ùn tắc và tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng. Vấn đề thứ hai là về kết cấu hạ tầng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc sắp được đưa vào khai thác ở nước ta. Trục chính của mạng lưới giao thông chính là đường cao tốc. Ngày càng có nhiều người đi lại bằng đường cao tốc.

Ông Trần Hữu Minh trả lời tại buổi giao lưu

Chúng tôi cho rằng còn một xu hướng khác là xu hướng phát triển bền vững, tức người dân sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng phương tiện ít gây ô nhiễm môi trường như xe điện, hay xe đạp, đi bộ. Những thứ này trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh khi kinh tế tăng trưởng, người dân có quan tâm đến chất lượng cuộc sống cao hơn.

Ngoài ra việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ trong đi lại sẽ phát triển mạnh. Những xu hướng đó đòi hỏi cả nhà quản lý và người dân có những hành động tương xứng. Tôi lấy ví dụ như việc càng đi trên đường tốc độ cao thì càng phải tuân thủ pháp luật, bởi chỉ cần một sự cố nhỏ sẽ gây hậu quả thảm khốc.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, cho rằng văn hoá giao thông phản ánh sự phát triển của giao thông ở một quốc gia, là sự ứng xử của người tham gia giao thông. Nói một cách cụ thể, đó là sự nhận biết đúng sai và tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông.

Một số hành vi vi phạm văn hoá giao thông của người tham gia giao thông mà đã trở thành vấn nạn ở Việt Nam có thể kể đến như là: Vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại di động; hay khi xảy ra va chạm giao thông, tài xế dừng xe ngay giữa đường để tranh cãi nhau xem ai đúng ai sai… "Đây là những vấn nạn thực sự cần phải có quyết tâm cao thì mới có thể giải quyết được”. Thượng tá Thu nhấn mạnh.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến

Đại tá Nguyễn Quang Nhật đồng tình với ý kiến của anh Minh, chị Thu về văn hóa giao thông. Trước khi cung cấp cho độc giả thông tin về đợt tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ thì tôi nghĩ, văn hóa giao thông được hình thành dựa trên ý thức, sự xây dựng của mỗi cá nhân lẫn cộng đồng trong quá trình tham gia giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó tập trung các đối tượng: ô tô con, xe khách, xe container, xe mô tô...; tập trung những hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông: vi phạm về nồng độ cồn, về ma túy, về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, tụ tập gây rối trật tự công cộng...

Sau 26 ngày, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý 357.975 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23.979 trường hợp; tạm giữ 55.111 phương tiện các loại. Trong đó, nổi lên các hành vi vi phạm chủ yếu: về tốc độ gần 30.000 trường hợp; vi phạm không đội mũ bảo hiểm hơn 64.000 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông gần 11.000 trường hợp.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật tại buổi giao lưu trực tuyến 

Đặc biệt, việc GPLX hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa cũng được phát hiện, xử lý hơn 44.000 trường hợp. Trong 26 ngày, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý hơn 18.000 vi phạm nồng độ cồn; 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy; tính trung bình 1 ngày gần 600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý.

Xử phạt như vậy là để người dân tự giác hơn trong việc mang theo đầy đủ các loại giấy tờ, điều kiện để tham gia giao thông một cách an toàn. Thực tế thì lực lượng CSGT phải sử dụng nhiều biện pháp để phát hiện các vi phạm, ví dụ như dừng xe để phát hiện trực tiếp hay phát hiện qua hệ thống giám sát.

Tuy nhiên, có một số loại vi phạm phải dừng phương tiện mới có thể kiểm tra được, như nồng độ cồn, ma tuý, biển số xe giả...

Qua đợt kiểm tra này thì chúng tôi nhận thấy rằng ý thức của người dân đã được nâng lên, các trường hợp vi phạm giảm đi trông thấy. Đặc biệt, người dân rất đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT làm cương quyết…

Bình luận (0)

Lên đầu trang