Thành phố thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Bảy, 17/02/2018 14:04  | Anh Duy

|

(CATP) Năm qua, cụm từ “thành phố thông minh” được đề cập nhiều trong đề án phát triển TP.HCM, với mục tiêu đón đầu những thành tựu nổi bật mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Đầu xuân bàn về xu hướng phát triển thời thượng này để thấy ở Việt Nam quá trình hiện thực hóa đang cần rất nhiều nỗ lực, cố gắng lẫn đầu tư.

Khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi

Cây bút Brian X.Chen trong bài viết nhan đề “Trí tuệ nhân tạo gây được sự chú ý từ các thiết bị” đăng trên tờ New York Times số ra ngày 5-1-2018 đã khái quát bức tranh của một xã hội đang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mạnh mẽ. Không ở đâu thấy rõ điều này bằng cuộc triển lãm công nghệ CES 2018 tổ chức thường niên tại thành phố Las Vegas (Mỹ), nơi những hãng công nghệ toàn cầu đua nhau giới thiệu các sản phẩm ứng dụng trí thông minh nhân tạo (A.I) vào cuộc sống thường ngày.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2017 để tìm hiểu về xây dựng thành phố thông minh, Đoàn cấp cao của TPHCM, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tập đoàn Intel Toàn cầu. Ảnh: Tô Đình Tuân

Chen mở đầu bài viết bằng cách cho độc giả tưởng tượng về bức tranh sau: Khi bạn rời khỏi nhà, máy điều hòa không khí và đèn trong nhà tự động tắt. Sau đó khi một cảm biến nhận diện chuyển động xác định được sự di chuyển của một người trong nhà, như của người dọn phòng, nó sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến điện thoại của bạn. Khi bạn về đến nhà, một camera sẽ nhận diện được khuôn mặt bạn và cửa tự động mở ra.

Hình dung đó của Chen không phải là khoa học viễn tưởng khi mà xu hướng ứng dụng A.I đang được hiện thực hóa trên bình diện toàn cầu. Năm qua khi Apple ra mắt điện thoại iPhone X với cảm biến nhận diện khuôn mặt cho phép người dùng mở khóa chỉ với một ánh nhìn, xã hội được kiến tạo từ thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã hiện hữu trước mắt.

Từ chiếc điện thoại thông minh đến một ngôi nhà thông minh, nay những thành phố thông minh cũng lần lượt ra đời. New York Times dẫn lời J.P. Gownder - một nhà phân tích của trung tâm nghiên cứu Forester dự báo: “Bạn đã thấy một ngôi nhà thông minh là thế nào. Nay một thành phố thông minh sẽ là nấc thang phát triển được nâng tầm lên cấp độ tiếp theo”.

Thành phố thông minh trong lòng bàn tay

Điển hình là Công ty Deloitte đang đặt ra tầm nhìn về một tương lai cho thành phố thông minh, nơi hệ thống cảm biến được lập trình để làm việc cùng nhau nhằm tạo ra những thành phố khỏe hơn, an toàn hơn và cung ứng đủ đầy năng lượng hơn. Điển hình như việc những cảm biến đặt dọc một con sông có thể xác định được nhà máy nào đổ hóa chất ra sông. Trong khi những cảm biến âm thanh có thể xác định được tiếng súng vang lên trong thành phố để gửi cảnh báo về cho cảnh sát. Cách mạng công nghiệp 4.0 nay đã làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học với việc ứng dụng A.I, vạn vật kết nối (IoT), robot, thiết bị in 3D và dữ liệu lớn (big data) vào cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, ngôi nhà thông minh hay thiết bị thông minh đề cập ở trên chỉ là lát cắt nhỏ nằm trong 2 thành tố lớn hơn là “Cuộc sống thông minh” hay “Quản lý đô thị thông minh”. Còn có những thành tố khác như xây dựng một “Nền kinh tế thông minh”, “Môi trường thông minh”, “Di chuyển thông minh” hay kiến tạo một cộng đồng “Cư dân thông minh”. Tất cả các thành tố đó tổng hòa lại để cấu thành nên một thành phố thông minh toàn diện.

Một xu hướng tất yếu

Tại Việt Nam, những thành tố đó vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thiện. Ví dụ như vấn đề “di chuyển thông minh”, TPHCM và cả nước nói chung vẫn còn duy trì văn hóa xe máy chạy lộn xộn trên đường. Ở những thành phố toàn cầu như Seoul hay Singapore, hệ thống tàu điện ngầm tự điều khiển (metro) đã thay thế hoàn toàn nhu cầu đi lại của người dân khi họ chỉ cần quẹt thẻ và bước lên. Trên mặt đường chỉ còn ôtô cá nhân, xe buýt cùng người bộ hành di chuyển. TPHCM hiện cũng đang xây tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của 10 triệu người - lượng dân xấp xỉ Seoul cần hàng loạt tuyến tàu như vậy tỏa đi khắp các hướng chính của thành phố.

Người dân sử dụng hệ thống metro thông minh của thành phố Seoul (Hàn Quốc)

Ví dụ về thành tố “Môi trường thông minh” liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và quản lý nguồn tài nguyên bền vững: Dù những năm qua đã có nhiều sự cố gắng của chính quyền nhưng người dân thành phố vẫn phải sống chung với tình trạng ngập úng. Lượng rác thải chưa được phân loại tốt tại nguồn gây khó khăn cho việc xử lý. Ở các nước phát triển, hệ thống tự động hóa đã đảm nhiệm hoàn toàn chu trình xử lý rác để cho ra những sản phẩm tái chế, phân bón. Trong khi ở TPHCM, chôn rác vẫn là giải pháp chủ yếu cuối cùng.

Giải bài toán về nhân lực

Về thành tố “Một nền kinh tế thông minh”, cần nhìn lại ta đã chuẩn bị gì cho người lao động để đối phó với xu hướng của thị trường lao động đang bị quá trình tự động hóa của A.I thay thế công việc của con người?

Hồi tháng 5-2016, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) - nhà sản xuất linh kiện cho các sản phẩm của Samsung và Apple đã quyết định cho nghỉ việc 60.000 công nhân để thay thế vị trí của họ bằng những con robot.

Foxconn tuyên bố đang trong quá trình “tự động hóa” dây chuyền sản xuất, và việc thay thế 60.000 nhân công ở nhà máy Foxconn tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) nằm trong quá trình tự động hóa này. Việc cắt giảm này khiến nhân công ở nhà máy chỉ còn lại 50.000 người. Thông cáo của Foxconn nhấn mạnh: “Công ty chúng tôi đang áp dụng công nghệ robot và các công nghệ sản xuất sáng tạo khác để thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại trước đây do công nhân thực hiện. Qua chương trình đào tạo, công nhân của chúng tôi có thể tập trung vào những nhiệm vụ cao cấp hơn trong quy trình sản xuất như nghiên cứu và phát triển, kiểm soát quy trình và quản lý chất lượng”.

Thành phố thông minh kết nối số là xu hướng phát triển hiện nay

Giải thích cho việc ưa chuộng sử dụng robot trong các quy trình sản xuất ngày nay, CEO chuỗi thức ăn nhanh Carls Jr chia sẻ: “Không như con người, robot luôn đúng giờ, lịch thiệp, không bao giờ xin nghỉ phép, không bao giờ đi làm trễ và không bao giờ phân biệt chủng tộc”. Vấn đề lương và hiệu suất làm việc cũng được đề cập. Ed Rensi - cựu CEO chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonalds nhấn mạnh, nếu giá thuê nhân công lên đến 15 USD/giờ, nhiều công ty sẽ chuyển sang mô hình sản xuất bằng dây chuyền robot. Ông so sánh: “Mua một cánh tay robot trị giá 35.000 USD còn rẻ hơn thuê một nhân viên thiếu năng lực với mức thuê 15 USD/giờ cho việc đóng gói khoai tây chiên”.

Chuyện xứ người là thế, vậy để đáp ứng nhu cầu một “Nền kinh tế thông minh” kiến tạo nên một thành phố thông minh, nơi công nhân ngày nay không còn phải làm những công việc lắp ráp bằng chân tay đơn thuần mà chuyển sang những công việc đòi hỏi chất xám cao hơn như nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) thì bao nhiêu phần trăm trong tổng số lực lượng lao động có trình độ đáp ứng được điều này? Nâng cao tay nghề của người lao động đáp ứng xu thế phát triển công nghệ vẫn đang là bài toán lớn của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển.

Đầu xuân bàn về thành phố thông minh: Đó là một mục tiêu chính đáng để đưa TPHCM vươn tầm khu vực, để thực hiện được nó cần quyết tâm rất lớn của các cấp chính quyền và cả cộng đồng dân cư, thể hiện cụ thể trong từng chính sách và hành động.

Tìm hiểu về xây dựng thành phố thông minh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang