TPHCM: Chính thức gắn bảng tên đường Lê Văn Duyệt

Thứ Tư, 16/09/2020 16:43  | A. Quân

|

(CAO) Sáng 16/9, UBND TPHCM tổ chức Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, thuộc quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt.

Tham dự buổi Lễ có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng lãnh đạo Sở ngành, UBND quận Bình Thạnh; ông Lê Văn Hòa - Hậu duệ đời thứ 6 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt và đông đảo người dân.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà cho biết, ngày 11/7/2020, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 26 về việc bổ sung Quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu thành đường Lê Văn Duyệt. Việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn quận Bình Thạnh có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Các vị lãnh đạo và đại biểu thực hiện nghi thức đổi tên đường

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Từ Võ Tướng thời Chúa Nguyễn đến Đại thần dưới triều Nguyễn, ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ năm 1812 - 1815 và từ năm 1820 - 1832); ông được thăng chức Khâm sai Chưởng tả quân Doanh Bình Sơn tướng quân, tước Quận Công.

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, phục vụ hai đời vua Gia Long và Minh Mạng. Ông là vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, luôn thương yêu, quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân. Ông còn là người có công lớn trong cuộc cải cách khai mở, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân và bài trừ tham nhũng.

Khi làm Tổng trấn Gia Định, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là người sống thanh liêm, khéo dùng người tài đức. Ông chăm lo việc đào kênh, đắp lũy, xây thành, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, củng cố nền hành chính, vừa tăng cường ngoại giao, củng cố biên cương, gia cố thế phòng thủ cả Trấn Thành và miền Gia Định.

 Ông có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất Phương Nam. Ông mất năm 1832 tại Gia Định. Nhân dân kính phục xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM để tôn thờ. Hàng trăm năm nay, du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm bái và tổ chức Lễ giỗ ông vào ngày cuối tháng Bảy âm lịch hàng năm.

Lăng Lê Văn Duyệt - Di tích kiến trúc - nghệ thuật được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, Phường 1, quận Bình Thạnh.

Tưởng nhớ người có công mở mang bờ cõi, gìn giữ đất nước

Cũng trong hôm nay (16/9), Ban tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành tại Lăng Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh). Lễ giỗ được tổ chức trong 3 ngày từ 16 – 18/9 (tức ngày 29/7, 1 và 2/8 âm lịch hàng năm).

Theo bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, Lễ giỗ Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ, tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước.

Lễ giỗ được tổ chức thường niên nhằm ghi nhớ công đức, công ơn của Tả quân Lê Văn Duyệt, người đã có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam.

Hoạt động này còn mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ trẻ về cội nguồn dân tộc, những đóng góp của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng quê hương, đất nước; cố gắng học tập, nâng cao tri thức, hướng đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang