Ứng dụng CCCD gắn chíp, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp

Thứ Sáu, 15/09/2023 20:57  | Mai Loan

|

(CAO) Sáng nay (15/9), tại Hà Nam, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp Tổ Công tác Đề án 06 huyện Thanh Liêm, Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai mô hình “Ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp”.

Mô hình này đã được triển khai điểm tại Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành để nhân rộng ra các đơn vị khác trên toàn địa bàn. Nằm trên địa bàn xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Công ty hiện có gần 2.000 cán bộ, công nhân viên và người lao động.

Thí điểm mô hình ứng dụng CCCD, VneID trong kiểm soát an ninh, chấm công tại Công ty

Những năm qua, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, gắn với công tác bảo đảm ANTT, Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06, đặc biệt, đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp” đem lại hiệu quả thiết thực cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Mô hình “Ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp” với nhiều ưu điểm, tiện ích, dễ dàng sử dụng, là giải pháp thay thế thủ tục kiểm tra giấy tờ, ghi chép sổ sách thủ công đối với các hoạt động ra vào Công ty trước đây, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế tối đa việc xảy ra ùn tắc, nhầm lẫn, sai sót nhất là trong những khung giờ cao điểm như lúc vào ca hoặc tan ca lao động, sản xuất trong công ty.

Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó thường trực Tổ Đề án 06 tỉnh Hà Nam cùng các đại biểu kiểm tra công tác vận hành tại Trung tâm kiểm soát an ninh của Cty CP xi măng Xuân Thành.

Chỉ cần đứng trước Camera AI hoặc quét mã QR trên CCCD gắn chíp điện tử, chỉ chưa tới 5 giây đồng hồ, thông tin về người ra, vào được ghi nhận một cách nhanh chóng và chính xác, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhân cán bộ công nhân viên, kiểm soát an ninh, an toàn của Công ty.

Bên cạnh đó, mô hình này còn ứng dụng công nghệ sinh trắc khuôn mặt để thay thế việc chấm công đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động của Công ty, dựa trên nền tảng ứng dụng những tiện ích thẻ CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử VNeID. Giải pháp đã giúp thay thế thẻ ra vào, thay thế phần mềm quản lý nhân sự, chấm công vân tay của Công ty, đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Toàn cảnh hội nghị

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành, qua thực tiễn triển khai thực hiện mô hình, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Công ty và các đối tác, khách hàng của Công ty đều phấn khởi hưởng ứng, cũng như bày tỏ sự hài lòng về tính năng, tác dụng, sự hiện đại và những tiện ích thiết thực của mô hình. Mô hình đã thể hiện sự nhanh nhạy bắt nhịp với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; mang tính đột phá đối với Công ty và toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp.

Các cán bộ công nhân viên thực hiện "check in" khi vào trụ sở Công ty

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, Tổ trưởng Tổ Đề án 06/CP huyện Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng: “Ứng dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp” đã mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực, mang tính đột phá đối với Công ty. Từ những hiệu quả thực tiễn này, thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện, Tổ Công tác Đề án 06 huyện Thanh Liêm tiếp tục chỉ đạo đánh giá kết quả toàn diện để triển khai nhân rộng mô hình “Ứng dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử, VNeID phục vụ kiểm soát an ninh và chấm công tại doanh nghiệp” với các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Liêm và trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang