Ứng phó bão số 16: Sơ tán du khách khỏi Côn Đảo, dừng giàn khoan dầu khí

Chủ Nhật, 24/12/2017 20:40

|

(CAO) Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với với 19 địa phương Nam bộ để chỉ đạo ứng phó bão số 16 - cơn bão có tên quốc tế Tembin đã khiến gần 200 người tại Philippines thiệt mạng.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, coi thường, đôn đốc đến từng hộ dân, đồng thời cử đoàn công tác Chính phủ trực tiếp đến vùng tâm bão dự kiến đi qua để chỉ đạo ứng phó…

Tinh thần quán triệt của Thủ tướng: Đây là cơn bão mạnh, nằm trong cấp thảm họa, bão có thể gây thiệt hại lớn nếu chúng ta chủ quan, sơ suất.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, tất cả các địa phương và mọi người dân theo dõi sát thông tin. Tất cả các địa phương tuyên truyền quán triệt đến người dân. Báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông cần thông tin đến người dân về nguy cơ bão số 16 đang đổ bộ vào khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 16

Các địa phương có những biện pháp cần thiết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt, các địa phương phải huy động các lực lượng có liên quan, nhất là lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp người dân chằng chống nhà cửa, giảm thiểu nhà bị sập đổ khi có bão.

Bảo đảm an toàn cho các giàn khoan và tàu biển, trong trường hợp cần thiết, đóng giàn khoan, đưa công nhân đến nơi an toàn.

Tất cả các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo chống bão. Trong những vùng trọng điểm nguy hiểm, đặc biệt là các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, TPHCM, Bến Tre theo dõi sát tình hình, cần thiết cho học sinh nghỉ học.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ cùng đoàn công tác của Chính phủ có mặt tại nơi khó khăn để kiểm tra, chỉ đạo và “trụ tại tâm bão, dự kiến là tỉnh Cà Mau”.

Về công tác sơ tán dân, 4 tỉnh, thành phố đã có báo cáo di dời được 13.564 người/853.604 người thuộc 9 tỉnh, thành có kế hoạch di dời.

* Ngày 24/12, ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo trong chiều 24/12, tất cả người dân đều được di dời đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an, các sở, ngành, UBND các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu.

Các địa phương triển khai các giải pháp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Sơ tán người dân ở các xã cù lao Long Hoà, Hoà Minh (huyện Châu Thành), An Phú Tân (huyện Cầu Kè), xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hoà (thị xã Duyên Hải)... đến nơi an toàn. Tỉnh cũng đã thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26/12 để đảm bảo an toàn.

Bão số 16 dự kiến đổ bộ vào đất liền khu vực Nam bộ vào chiều tối mai (25-12). Trước khi đổ bộ bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét. Hướng đi dự báo của bão. Nguồn: TTDBKTTVTW

* Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp đến các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương án di dời người dân ra khỏi khu vực xung yếu của bão. Toàn bộ việc chằng chống nhà cửa, khơi thông cống rãnh, cắt tỉa cây xanh đều được các địa phương khẩn trương triển khai.

Tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng sẵn sàng thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ và đặc biệt chú trọng chỉ đạo cho UBND huyện Côn Đảo sẵn sàng ứng phó khi bão xảy ra, vì theo dự báo huyện Côn Đảo là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp khi cơn bão số 16 đổ bộ vào Bà Rịa-Vũng Tàu. Tính đến 13h ngày 24/12, huyện Côn Đảo đang tập trung triển khai sơ tán với 2.381 người, trong đó có 500 dân, 201 khách du lịch và 1.680 ngư dân.

Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 16, các giàn khoan khai thác dầu khí trên biển cũng bắt đầu sơ tán người từ sáng 24/12. Ban Chỉ huy ứng cứu khẩn cấp của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã quyết định dừng giàn BK.TNG, dừng vận chuyển dầu, khí; thực hiện các biện pháp an toàn như: Bảo tồn giếng khoan và giếng đang sửa chữa, đóng giếng khai thác; dừng toàn bộ các giàn cố định, giàn công nghệ Trung tâm mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, tiến hành bơm rửa các đường ống dẫn dầu, xả áp suất trong các đường ống dẫn khí...

Tổng Công ty thăm dò dầu khí đã tiến hành cho sơ tán 60 người đang làm việc tại các dự án, mỏ trên Biển Đông để tránh bão. Số người còn lại sẽ tùy tình hình thời tiết thực tế để tiếp tục sơ tán người. Các dự án khác cũng triển khai sơ tán người vào ngày 24/12 bằng máy bay và tàu.

* Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau Võ Văn Sử cho biết, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ thủ tục xin phép các nước Malaysia, Thái Lan cho phép trú bão Tembin.

Đến chiều 24/12, Cà Mau còn 463 tàu đang hoạt động trên biển. Hiện có 125 tàu có nhu cầu tránh, trú bão chủ yếu ở nước Malaysia và Thái Lan. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất UBND tỉnh nhanh chóng hỗ trợ về thủ tục pháp lý gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, để sớm được sự hỗ trợ nhân đạo của các nước bạn.

* Kiên Giang: Toàn tỉnh có hơn 213.380 người dân trong diện phải di dời, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng khi bão đổ bộ vào địa bàn. Dự kiến đến 12 giờ ngày 25/12 hoàn thành sơ tán, di dời dân theo kế hoạch đến nơi an toàn. Học sinh các cấp học trong tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26/12 và công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp nghỉ ngày 26/12. Tỉnh đã cấm biển từ 6 giờ sáng 26/12 đến khi có thông báo mới.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải tập trung toàn lực phòng chống, ứng phó với cơn bão số 16 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; yêu cầu người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão, phân công trực 24/24 giờ.

* Tiền Giang: Tối 24/12, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị xã trong tỉnh nhằm siết chặt các biện pháp khẩn cấp nhằm phòng chống cơn bão số 16, bảo vệ an toàn về tính mạng của nhân dân cũng như giảm nhẹ thiệt hại thiên tai gây ra đối với đời sống, sản xuất.

Nhân dân xã Phú Thạch, huyện cù lao Tân Phú Đông, Tiền Giang chằng chống nhà cửa chống bão

Do tính chất cấp bách của việc ứng phó cơn bão số 16, tỉnh quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 25/12. Sáng 25/12, Tiền Giang sẽ triển khai việc sơ tán bước 1 gần 40.000 dân đang sống ở những vùng bị bão uy hiếp trực tiếp thuộc 4 huyện, thị xã duyên hải phía Đông là Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện cù lao Tân Phú Đông đến nơi an toàn. Dự kiến, toàn bộ công tác sơ tán dân hoàn tất vào trưa 25/12. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão thuộc duyên hải phía Đông cần khẩn trương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân chằng chống 5.000 căn nhà để đảm bảo đủ khả năng đối phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

* Chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón yêu cầu cơ quan chức năng phải chuẩn bị đầy đủ mọi phương án ứng phó bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phải tổ chức trực 24/24, bắt đầu từ 7 giờ ngày 24/12 đến khi bão tan; chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tập trung các khu dân cư, ven sông, trên cù lao có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường; kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long yêu cầu toàn thể học sinh, học viên và sinh viên nghỉ học từ ngày 25/12 đến 26/12. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên và học sinh các biện pháp chuẩn bị, phòng tránh bão an toàn; các trường chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học, hồ sơ, sổ sách; nắm chắc thông tin các phòng học không kiên cố, không an toàn, đang xuống cấp để có phương án bố trí, sắp xếp di dời và ứng phó kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang