Viết tiếp bài 'Bệnh viện đa khoa Cà Mau nợ như chúa chổm':

Bác sĩ nghỉ việc, Phó giám đốc không chịu… rời ghế

Thứ Sáu, 06/01/2017 07:30  | Đăng Khoa

|

(CAO) Như số báo trước chúng tôi thông tin, do quản lý tài chính yếu kém, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau (BVĐKCM) đang gánh món nợ gần 100 tỷ đồng, mất cân đối tài chính gần 50 tỷ đồng.

BV lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cán bộ công nhân viên thu nhập ít ỏi, áp lực công việc nhiều phải xin nghỉ việc; Phó giám đốc BV có quyết định luân chuyển lại không chấp nhận rời ghế…

Chảy máu chất xám

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ngành y ở Cà Mau cho biết, để có được bác sỹ (BS) trình độ chuyên khoa II, công tác đào tạo phải mất một thời gian dài. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành y, BS có thời gian công tác tại BV ba năm. Qua các đợt bình bầu, tuyển chọn, BS chọn thi chuyên khoa I. Kết quả thi trúng tuyển, học viên theo học hai năm. Nhận bằng tốt nghiệp, BS trình độ chuyên khoa I hoàn thành nhiệm vụ liên tiếp từ ba năm trở lên mới được xét thi Chuyên khoa II, học tiếp 2 năm mới có bằng tốt nghiệp.

Khoa cấp cứu BVĐKCM nhiều BS xin nghỉ việc

“Tuỳ theo điều kiện của từng BV nhưng có BS chuyên khoa II thì thời gian đào tạo ít nhất từ 5-7 năm. Thế nhưng, BVĐKCM nhiều BS với trình độ chuyên môn chuyên khoa I, chuyên khoa II tự ý thôi việc. Điều không bình thường, một số BS giỏi, có thương hiệu…, lãnh đạo phòng khoa nhưng bất mãn trong công việc. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo BV, nếu anh biết thu hút nhân tài kèm theo chính sách đãi ngộ thì sẽ không mất nguồn chất xám. BS nghỉ việc, người dân lo âu là đúng”, vị cán bộ này cho biết.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, trong hai năm (2015 và 2016), toàn tỉnh Cà Mau có đến 45 BS thôi việc; trong đó, BVĐKCM con số BS thôi việc đến… 18 người. Nhiều BS để lại uy tín cho BVĐKCM nhưng cũng đã rời nhiệm sở với tờ đơn xin thôi việc. Trong số BS nghỉ việc tại BV có 1 BS trình độ chuyên khoa II, 5 bác sỹ trình độ chuyên khoa I, còn lại bác sỹ phục vụ tại các khoa tốt nghiệp đại học ngành y từ 5 năm đến 20 năm. Với trình độ và nghiệp vụ công tác tại BV của các BS trên thì bao giờ BVĐKCM kiếm được nguồn nhân lực như trên.

Trao đổi với phóng viên, một BS tâm sự: “Thời gian gần đây, BV không có chính sách đãi ngộ như trước. Đành rằng, nhiệm vụ chúng tôi phải làm nhưng thời gian trực ngoài giờ, lễ, tết… phải xem xét đúng theo quy định. Áp lực công việc nhiều nhưng quyền lợi không có nên đành nói lời chia tay. Thật sự, khi viết đơn xin thôi việc, chúng tôi hết sức buồn. Gần 20 năm công tác nay nghỉ việc dù bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Phó giám đốc không chấp nhận rời ghế

Giải thích về vấn đề trên, ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho rằng, trường hợp BS nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chế độ tiền lương nhà nước thấp hơn rất nhiều đối với các cơ sở y tế ngoài công lập nên viên chức chuyển sang làm việc tại các cơ sở trên.

Cà Mau: Bệnh viện nợ như… chúa chổm
 

Ông Việt nói: “Ngoài ra, do áp lực công việc, điều kiện và môi trường làm việc tại các cơ sở y tế công lập chưa thoả mãn nhu cầu đối với công chức. Vừa qua, người dân tỉnh hết sức quan tâm đến vấn đề trên. Thật ra, dư luận quan tâm cũng đúng, BV mà có đến 18 BS nghỉ việc là điều bất thường”.

Về việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo BV để xảy ra sai phạm về tài chính, nhiều BS nghỉ việc gây dư luận không tốt, ông Huỳnh Quốc Việt cho rằng, sở đã sắp xếp bộ máy nhân sự tại BV. Giám đốc BV là BS Lưu Anh Tài có đơn xin nghỉ việc bởi gần đến tuổi hưu. BS Tăng Xuân Đỉnh, Phó giám đốc BVĐKCM được điều chuyển làm Giám đốc BVĐK huyện Cái Nước. BS Bùi Đức Văn, Giám đốc BVĐK huyện Cái Nước phân công Giám đốc BVĐKCM.

Tuy nhiên, BS Đỉnh không chấp nhận quyết định trên. Trả lời với báo chí, BS Đỉnh cho rằng: “Bản thân được đào tạo chuyên môn, phụ trách về lĩnh vực chuyên môn thấy ổn. Gia đình sống tại TP.Cà Mau nên chuyển về huyện Cái Nước việc ăn ở, đi lại bất tiện”.

Ông Việt khẳng định, việc điều chuyển BS Đỉnh, sở làm việc với các cơ quan có liên quan từ UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Huyện uỷ huyện Cái Nước... nhận được sự đồng ý cao. Do đó, việc phân công BS Đỉnh công tác tại BVĐK Cái Nước là hoàn toàn hợp lý. Một cán bộ ngành y tế tỉnh Cà Mau thừa nhận, với hệ luỵ mà BVĐKCM đang gánh thì có một phần trách nhiệm tập thể lãnh đạo BVĐKCM nói chung và BS Đỉnh nói riêng. Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc nhằm sớm làm rõ.

Chiều 4-1-2017, trao đổi với PV Báo CATP, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Y tế mời BS Đỉnh để triển khai quyết định. Nếu BS Đỉnh không đồng ý với lý do không hợp lý, Sở Y tế tỉnh báo cáo với tỉnh để xem xét xử lý đúng theo quy định. Về sai phạm về tài chính theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế, UBND tỉnh chỉ đạo công bố kết luận thanh tra và cho cá nhân có liên quan giải trình. Nếu có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về tài chính, tỉnh chỉ đạo Thanh tra Nhà nước lập đoàn thanh tra. Tỉnh kiên quyết, sai phạm tới đâu, xử lý tới đó”.

Bình luận (1)

Tư tưởng không thông, cầm bình ton nước cũng không nổi, làm gì có chuyện đi với ở.

Ngô Duyên Kỳ - Thứ Sáu, 06/01/2017, 10:04 Trả lời | Thích
Lên đầu trang