"Cát tặc" - nỗi ám ảnh triền miên ở ĐBSCL:

Bài 1: Đêm mật phục

Thứ Ba, 16/06/2020 11:55

|

(CATP) Nạn "cát tặc" được nhắc đến nhiều hơn và "nóng" hơn sau những vụ sạt lở diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây. Có nơi, người dân kêu cứu đến chính quyền nhiều lần, nhưng tình hình vẫn chưa "giảm nhiệt".

Những ngày này, mùa mưa đã về, nước sông, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bớt mặn. Thế nhưng người dân nhiều nơi chưa thể yên ổn an cư, sản xuất, vì nạn "cát tặc" vẫn tiếp tục hoành hành, làm thay đổi dòng chảy, hậu quả là nhiều khu vực bị sạt lở nặng nề.

Tiếng kêu cứu từ bờ đất lở

Với giọng bức xúc, ông Nguyễn Hoàng Giang (xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang) nói: ""Cát tặc" ở đây lộng hành dữ lắm! Nó hút cát ngay trước nhà tôi. Lúc trước, đất của tôi còn tuốt ngoài sông, cách đây khoảng 30m, mà giờ sạt lở vô tới kế bên nhà. Trong khi nạn hút cát trộm vẫn chưa ai ngăn được. Mấy ngày nay, "cát tặc" tạm lắng vì có công an canh gác. Nhưng tôi tin là sau thời gian ngắn nữa, chúng lại lộng hành tiếp. Mấy năm nay, chúng tôi đã đưa đơn cầu cứu khắp nơi, nhưng chưa thể giải quyết được. Xót xa nhìn đất rơi xuống sông, người dân đành bất lực...".

Bãi cát lậu ven sông Tiền nhanh chóng được thương lái đến chở hàng đi tiêu thụ

Dẫn tôi đi dọc bờ sông Tiền, đoạn qua ấp Trung Châu (xã Mỹ Hiệp), ông Giang chỉ tay về phía bờ sông lở lói, con đường là lối mòn trên bãi đất ruộng, do người dân tự mở sau mỗi lần đất lở. Theo ông Giang, mấy năm trước bọn "cát tặc" hoạt động rất mạnh, người dân làm đơn gửi đến tỉnh. Tỉnh làm mạnh, nếu gặp ghe cát thì bắt và tịch thu tang vật luôn. Lúc đó, các đối tượng khai thác cát lậu sợ, nên yên ổn được một thời gian. Sau vài năm, "cát tặc" lộng hành trở lại. Lần này, chúng lập ra hàng loạt bãi tập kết cát. Ghe hút cát xong thì đưa vào bãi. Chỉ tay xuống khu vực bị sạt lở, ông Giang nói: "Nơi đây từng có cây cột điện, nhưng vào năm 2014 bị sạt lở, rồi được dời sâu vào bờ. Đến năm 2019, cây cột điện đó bị sạt lở thêm lần nữa... ".

Đi cùng chúng tôi dọc bờ sông, ông Ngô Linh Động (ngụ xã Mỹ Hiệp) cho biết: "Chỉ mong chính quyền có trách nhiệm, giữ gìn an ninh trật tự cho dân. Dân ở đây đều là lao động, làm việc suốt ngày, đêm xuống cần được nghỉ ngơi, mà bọn "cát tặc" thì đêm đến là bắt đầu hoạt động. Hơn 1 tuần trước, chúng còn hoạt động rầm rộ. Nhưng mấy ngày gần đây, nạn "cát tặc" tạm lắng, do công an địa phương bố trí lực lượng canh gác, nhưng chưa thể xóa sổ được chúng".


Ngày 3-6-2020, mật phục tại ấp Trung Châu gần suốt đêm. Đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi nghe tiếng ghe máy ầm ầm kéo đến đoạn bờ sông sát nhà ông Giang. Ông Giang nói: "Lực lượng rút đi rồi đó! Bọn hút cát này hay lắm, lực lượng vừa đi là chúng kéo đến liền". Tôi lần ra bờ sông xem thử. Một chiếc ghe lớn không đèn lù lù lao tới trong tiếng máy rền vang. Từ phía bến đò Bình Thành, chiếc ghe lao trên mặt nước tiến về ấp Trung Châu, đến đoạn phía sau ao cá nhà ông Giang thì những người trên ghe bỏ neo, quăng vòi hút xuống sông, kèm theo tiếng "rẻng rẻng" đinh tai nhức óc. Tiếng máy càng lúc càng lớn hơn.

Mật phục

Chúng tôi quay sang hỏi ông Giang: "Họ làm ồn ào, gần như công khai mà sao không thấy ai bắt giữ vậy?". Ông Giang ngao ngán: "Tôi gọi điện báo chính quyền bao nhiêu lần mà có ăn nhằm gì đâu? Họ làm ầm ầm vậy suốt đêm thì làm sao mà nghỉ ngơi?".

Những bãi cát khổng lồ nằm bên bờ sông Hậu (đoạn huyện Chợ Mới)
Công an tỉnh An Giang bắt giữ ghe hút cát lậu mang biển kiểm soát của Campuchia

Ông Giang chỉ tay về phía xa xa: "Đó, đó! Hai chiếc đó đến hút cát nữa. Chiếc đầu là tụi dẫn đường, thấy êm là có mấy chiếc như vậy đến hút cát tiếp". Hai chiếc ghe vừa tới thả neo, bỏ vòi hút xuống lấy cát, âm thanh máy chạy mỗi lúc một lớn hơn, ầm ầm cả khúc sông. Màn đêm tối mịt, mỗi chiếc ghe đậu khoảng 30 phút thì hút cát đầy ghe. Một cái neo được kéo lên, vòi hút cũng nhanh chóng được rút nhanh khỏi mặt nước. Chiếc ghe chạy thẳng về bãi cát gần đó.

Khai thác cát tại An Giang diễn ra phức tạp, nhất là tại các vùng giáp ranh với Đồng Tháp hoặc nước bạn Campuchia. Chưa kể một số doanh nghiệp khai thác cát khai báo sụt giảm khối lượng cát để trốn thuế. Nạn hút cát lậu diễn ra nhiều nơi tại An Giang. Tại TX.Tân Châu của tỉnh này, lực lượng chức năng phải ngày đêm đấu tranh với nạn "cát tặc".

Mới đây, ngày 21-5-2020, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX.Tân Châu) bắt giữ 1 ghe mang biển kiểm soát Campuchia, đang hút cát trên sông Tiền. Trước đó, đơn vị này đã bắt và xử lý 5 trường hợp hút cát lậu khác. Tuy nhiên, có thể vẫn còn nhiều vụ hút cát lậu trót lọt tại nơi này.


Ông Giang cho biết, "cát tặc" lộng hành từ khi có bãi tập kết cát ngay ở xã Mỹ Hiệp. Lúc trước, người dân gửi đơn thưa kiện, chính quyền giải thích là những bãi cát này của doanh nghiệp, có đăng ký hoạt động đầy đủ. Nhưng người dân thắc mắc: "Nếu doanh nghiệp có đăng ký đàng hoàng, tại sao lại cho ghe hút cát lén lút vào ban đêm?". Khu vực từ bến đò Cồn Én (ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ) đến dưới mương đình (ấp Đông Châu, xã Mỹ Hiệp) bao năm nay bị sạt lở khủng khiếp. Mà khu vực này cũng chính là nơi bọn "cát tặc" hoạt động dữ dội nhất, nhưng không hiểu vì sao chính quyền chưa xử lý triệt để các đối tượng này.Những chiếc ghe phối hợp nhịp nhàng, lần lượt chiếc này đi, chiếc kia lại tới.

Chúng tôi rất ngạc nhiên và bật ra câu hỏi: "Chắc là họ đã làm việc này nhiều lần lắm, nên mọi thao tác mới nhanh và thuần thục đến thế?". Ông Động đứng kế bên, khẽ trả lời: "Họ ăn cắp nhiều năm nên phải rành rẽ chứ!". Chúng tôi nằm im, theo dõi bọn "cát tặc". Vẫn những chiếc ghe quay đi, quay lại. Khoảng 2 tiếng sau, bình minh bắt đầu hiện rõ, cũng là lúc các ghe rút lui hết, bỏ lại đoạn sông đục ngầu.

Ông Võ Văn Sáng (ngụ xã Mỹ Hiệp) nói: "Người dân nơi đây nghi ngờ "cát tặc" hoạt động dưới sự hỗ trợ cửa thế lực ngầm hoặc lợi ích nhóm. Khi dân gọi điện báo tin, cơ quan chức năng của xã không tổ chức lực lượng xuống ngăn chặn "cát tặc" ngay trong đêm. Nhiều lần, quá bức xúc nên chúng tôi ra ngăn cản. Tiếp liền vài hôm sau, có mấy thanh niên lại đây đứng canh, cầm theo hung khí, đe dọa…". Theo ông Sáng, mấy năm trước, các ông trưởng ấp, phó ấp tổ chức đi tuần ngăn "cát tặc" thì bị bọn chúng nhận chìm ghe.

Theo người dân ấp Trung Châu, đợt trước Tết Nguyên đán 2020, huyện Chợ Mới tổ chức họp dân sau khi có đơn cầu cứu, nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Dân liều mình làm dữ, ngưng được ít ngày, vài ngày sau chúng lại hút cát tiếp. Tiếng ghe máy hút cát giờ đây chính là nỗi khiếp sợ của người dân ấp Trung Châu. Khoảng thời gian từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng là lúc bọn "cát tặc" lộng hành trên sông.

Ngày 11-6-2020, phóng viên gọi điện đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Chợ Mới, đề nghị cung cấp thông tin giải quyết đơn của tập thể người dân ấp Trung Châu về nạn "cát tặc" và bãi cát không phép trên địa bàn. Ngay trong ngày, Phòng TNMT huyện Chợ Mới ra văn bản trả lời. Theo đó, đơn vị này xác minh, có 3 bãi cát ở xã Mỹ Hiệp (2 bãi cát có phép và 1 bãi cát không phép). Đã yêu cầu tạm ngưng hoạt động 2 bãi cát và chấm dứt hoạt động đối với bãi cát còn lại. Đồng thời, rà soát lại số ghe hút cát trên địa bàn để quản lý.

Song qua trao đổi lại với người dân thì được biết, họ chưa tin tưởng về cách thức giải quyết của Phòng TNMT. Bà con không tin sẽ xóa được nạn hút cát lậu cho đến khi chưa dẹp được những bãi cát trên. 

Hỗ trợ các hộ dân có nhà bị sạt lở

Chiều 15-6, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Long Xuyên (An Giang) Phạm Thành Thái cùng đoàn công tác Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành và UBND P.Mỹ Thới đến thăm, hỗ trợ tiền cho 6 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở do sạt lở. Mỗi hộ nhận tổng cộng 8 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Thành ủy, UBND và Ủy ban MTTQ TP.Long Xuyên.

Lãnh đạo TP.Long Xuyên trao tiền hỗ trợ 6 hộ dân

Cùng ngày, đoàn công tác TP.Long Xuyên đến khảo sát khu đất do Nhà nước quản lý tại khóm Thới An A (P.Mỹ Thạnh), có diện tích hơn 1.600m2. Qua đó, đề nghị UBND P.Mỹ Thạnh nhanh chóng khảo sát cụ thể, đề xuất phương án xây dựng Khu dân cư Đại đoàn kết, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nhà cửa ở P.Mỹ Thới đến ổn định cuộc sống.

Trước đó, sáng 14-6-2020, một vụ sạt lở xảy ra tại rạch Cái Sao (khóm Trung Hưng, P.Mỹ Thới), với chiều dài 60m và có nguy cơ sạt lở kéo dài thêm 70m. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến 15 hộ dân đang sinh sống dọc trên bờ rạch. Trong đó, 6 hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn 6 nhà bếp, 5 căn nhà bị rạn nứt, 4 hộ còn lại thuộc diện nguy cơ.                                                                           

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang