Danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm bị xâm hại nghiêm trọng:

Kỳ 1: Giật mình với gần 100 căn biệt thự xây dựng tại hồ Tuyền Lâm

Thứ Tư, 08/01/2020 10:20

|

(CATP) Phóng viên Báo Công an TPHCM mất khá nhiều thời gian thâm nhập, ghi hình, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng để có cái nhìn toàn cảnh về KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm đang bị xâm hại nghiêm trọng.

“Chùm” biệt thự gần 100 căn thuộc dự án của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hồng Đức (địa chỉ tại TPHCM) đang triển khai, xây dựng tại Tiểu khu 162, Khu du lịch (KDL) Quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).

Phóng viên Báo Công an TPHCM mất khá nhiều thời gian thâm nhập, ghi hình, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng để có cái nhìn toàn cảnh về KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Được, mất gì khi những cánh rừng “ngã” xuống để nhường đất xây dựng các dự án kinh tế kiểu này?

“MIẾNG BÁNH” HỒ TUYỀN LÂM LIÊN TỤC BỊ XÂU XÉ!

Từ giữa năm 2018, báo chí và dư luận tại TP.Đà Lạt liên tục phản ánh về tình trạng xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm, tự ý chuyển đổi đất rừng, xây công trình kinh doanh dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng của nhiều doanh nghiệp, cá nhân tự phát ở hồ Tuyền Lâm.

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt sau đó đã tích cực kiểm tra, rà soát, xử phạt, đình chỉ thi công, rút giấy phép hàng loạt doanh nghiệp. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm các hoạt động sai phạm mà báo chí phản ánh, báo cáo về Văn phòng Chính phủ.

Hàng loạt căn biệt thự của dự án Bệnh viện đa khoa Hồng Đức "mọc" lên san sát giữa rừng thông

Những tưởng sau đó các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm hoặc manh nha sai phạm sẽ tự giác chấn chỉnh hành vi, thượng tôn pháp luật. Thế nhưng vẫn xuất hiện sự bất chấp, coi thường pháp luật; trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng đang tăng cường các hoạt động kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm tại khu vực trên.

Tháng 9-2019, phóng viên Báo Công an TPHCM nhận phản ánh của một số công nhân thi công các công trình biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án của BVĐK Hồng Đức. Họ xót xa khi bị chỉ đạo triệt hạ những cây thông tươi xanh giữa khung cảnh tựa chốn thần tiên của hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt. Có thông tin doanh nghiệp “sẽ xây mấy chục biệt thự ở bên này và bên kia hồ”.

Chúng tôi vào quan sát, thấy một căn biệt thự lớn đã hoàn tất, là nơi ở của 4 - 5 quản lý nam. Họ giám sát nhân công làm việc tại các điểm xây dựng dự án. Từ đây tỏa ra 4 - 5 nhánh (điểm, khu vực xây dựng các công trình biệt thự).

Giữa cánh rừng thông xanh từ 20 - 40 năm tuổi, gần 30 căn biệt thự được xây dựng, liền mạch 7 - 8 căn tại mỗi khu. Cây rừng biến mất, trơ trọi đất, bê-tông với các đống vật liệu gạch, thép, xi măng... bên các công trình đang xây dựng dở dang.

Những người cung cấp thông tin cho biết, thông sẽ bị công nhân lái máy đào múc bật gốc lên, dùng gàu múc bẻ gục cây làm 2, 3 đoạn, xong sẽ đào đất, chôn lấp cả cây ngay vách căn biệt thự (!).

Tại các công trình đang xây dựng, những người được giao quản lý thi công dự án và “tai mắt” của họ luôn canh chừng, dò xét công nhân làm việc, không cho chụp hình. Người lạ đến khu vực này thì bị làm khó, theo dõi.

Chúng tôi giả làm khách du lịch lạc đường nhưng bất thành, không thể chụp ảnh công trường vì bị theo dõi. Sau đó, phóng viên phải nhập vai xin vào làm công nhân để dò thông tin, lựa thời điểm quay clip, ghi hình.

Hình ảnh cây thông cao vút, 20 năm tuổi bị máy đào, máy múc hạ gục, bẻ cành, chôn lấp gọn lẹ do phóng viên quay clip được
Những cây thông bị đốt gốc cháy xém trong khu dự án

Giữa tháng 9-2019, một ngày trời mưa, nhóm công nhân được chỉ đạo hạ thông khi thi công xây dựng một căn biệt thự. Đúng như nguồn tin phản ánh, chiếc máy đào như con quái vật múc, quật ngã cây thông cao vút rồi bẻ gẫy, đào đất chôn bên hiên căn biệt thự, hết sức gọn lẹ.

Một số cây thông thân to khoảng 30 - 40cm gần các biệt thự đang xây dựng thì bị cháy sém, có dấu hiệu bị đốt. Khi chúng tôi chuyển những hình ảnh này cho lãnh đạo Ban quản lý Khu du lịch (BQL KDL) Quốc gia hồ Tuyền Lâm, lãnh đạo đơn vị này cho rằng, việc cho phép hay không cho phép chặt hạ cây rừng do Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt quản lý.

Sau nhiều ngày chúng tôi liên hệ công tác, nắm thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Thanh tra tỉnh, các sở, ngành liên quan, được biết: Từ năm 2006, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án, cho phép Công ty BVĐK Hồng Đức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 162 (thuộc P4, TP.Đà Lạt; KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm) với diện tích 31,35 héc-ta, quy mô thực hiện dự án 48.412,79m2 để xây dựng các hạng mục công trình dự án Khu điều dưỡng, nghỉ - an dưỡng Hồng Đức, thuê đất của Nhà nước trong thời hạn 50 năm, kể từ năm 2007. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận.

Rừng thông thẳng tắp thơ mộng bên hồ "nhường chỗ" cho những căn biệt thự "mọc" lên...
Những cây thông sát các căn biệt thự bị đốt cháy xém, đã và đang có nguy cơ bị loại bỏ 

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM, VẪN… “ĐÁ” NHAU

Hầu hết các sở, ngành của tỉnh đều hướng dẫn chúng tôi đến BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm nắm thông tin, vì BQL này được giao làm “chủ nhà”, có trách nhiệm đầu tiên, hơn hết trước mọi hoạt động diễn ra tại KDL quốc gia này và có đầy đủ hồ sơ các doanh nghiệp hoạt động tại đây.

Tuy nhiên, lãnh đạo BQL KDL không xác thực việc này và cho biết: Công ty BVĐK Hồng Đức thực hiện dự án theo hồ sơ được UBND tỉnh phê duyệt, hàng năm có điều chỉnh về mật độ xây dựng cho phép xây dựng khác. Công ty BVĐK Hồng Đức sẽ xây tại đây khoảng... 100 căn, gồm biệt thự và các công trình khác.

Trong khi đó, Sở KH&ĐT là cơ quan tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp thực hiện dự án, nhưng giám đốc Sở thường đi họp, vắng; phó giám đốc Sở và Văn phòng nhất định “bán cái” phóng viên đến BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Một số người cho chúng tôi biết, số biệt thự này xây trên những khoảng đất trống, ít hoặc không có cây rừng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, quanh khu vực này nếu tìm những khoảng đất trống như vậy là rất khó, vì hầu hết sẽ phạm vào rừng.

Cụ thể, theo quy định, BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm có BQL rừng; trách nhiệm tuần tra, kiểm soát các hoạt động chặt hạ, khai thác cây rừng (chủ yếu là thông 3 lá) tại KDL này.

BQL KDL sẽ đánh dấu số cây rừng được phép khai thác theo hồ sơ dự án phê duyệt, rồi tự khai thác (có sự tham gia giám sát của các ban, ngành chức năng liên quan: Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, UBND phường... và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp.

Các hoạt động sai phạm xảy ra tại hồ Tuyền Lâm, BQL KDL này có trách nhiệm thông báo đến các sở, ngành liên quan và phối hợp xử lý, báo cáo UBND tỉnh.

Các sở, ban, ngành, UBND TP.Đà Lạt có chức năng cấp phép, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động đúng đắn, đúng quy trình, đúng pháp luật diễn ra tại đây; đồng thời phải “tuýt còi”, chấm dứt hợp đồng, rút giấy phép đối với các hoạt động sai trái, vi phạm. Không dễ gì những sai phạm tại đây có thể “qua mắt” được các ngành chức năng.

Vậy tại sao vẫn xảy ra hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân xây dựng trái phép, phá rừng ở hồ Tuyền Lâm? Là bởi vì BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm và các ngành đã thiếu kiểm tra, giám sát!

Theo hồ sơ, Công ty BVĐK Hồng Đức sẽ xây tại đây một tổ hợp khoảng 100 công trình, gồm: nhiều biệt thự nghỉ dưỡng cùng các công trình khác (nhà hàng, nhà nghỉ nhân viên, đường giao thông, câu lạc bộ du thuyền, bãi đậu xe...). Dự án nhiều lần được điều chỉnh, yêu cầu tuân thủ mật độ xây dựng theo quy định hiện hành.

Theo số liệu từ các ngành chức năng, sẽ có cả ngàn cây rừng (phần lớn là thông, dẻ và cây tạp khác), gồm rừng trồng và rừng tự nhiên bị phá bỏ, dành đất thực hiện dự án này. Tổng trữ lượng lâm sản “đánh đổi” là 103,406m3, sản lượng thương phẩm là 75,129m3. Số gỗ này được thỏa thuận giá bán lại cho doanh nghiệp thực hiện dự án hoặc bán đấu giá.

Đường vào dự án
Dưới mũi tên một cây thông từng bị chôn
Được, mất gì khi đánh đổi cánh rừng sinh thái vì những dự án kinh tế?
Dự án của Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Đức nằm trên một ốc đảo ở hồ Tuyền Lâm

CÓ CƠ SỞ XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP LẤN CHIẾM ĐẤT RỪNG

Ngày 18-12-2019, phóng viên đã cung cấp clip hình ảnh về cảnh hạ phá một cây thông tại dự án của Công ty BVĐK Hồng Đức cho Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt. Ông Võ Thanh Sơn (lãnh đạo Hạt Kiểm lâm này) ngay sau đó đã chỉ đạo cán bộ đơn vị phối hợp các ngành chức năng đến hiện trường kiểm tra, xác định Công ty BVĐK Hồng Đức đã tự ý hạ phá cây thông trên (đường kính 20cm).

Ngoài hành vi trên, Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt còn phát hiện Công ty BVĐK Hồng Đức tự ý chặt phá 1 cây thông khác đường kính lớn hơn, đã vùi chết khô từ nhiều tháng trước và dùng máy ủi, máy múc phá rừng phòng hộ, rừng cảnh quan để lấn chiếm, tác động trên diện tích hơn 4.200m2 rừng trong quá trình triển khai dự án này.

Cụ thể, chủ đầu tư dự án này được cấp phép thi công một khu 5 căn biệt thự trên phần diện tích 1.300m2 (được chuyển mục đích sử dụng rừng và được cấp phép xây dựng), nhưng đã tự ý phá rừng, lấn chiếm thêm gần 3.000m2 đất.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, toàn bộ cây tạp dưới tán rừng thông có đường kính từ 6 - 18cm, cao 10 - 12cm đều bị doanh nghiệp này sử dụng máy múc, máy ủi phá trụi và vùi lấp, làm biến dạng địa hình, hiện trạng đất rừng phòng hộ, mật độ cây rừng bị xâm hại khoảng 17.000 cây/héc-ta.

BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm tỏ ra bất ngờ trước sự việc trên và cho rằng trước đó đã kiểm tra, nhưng không phát hiện sai phạm. Hạt Kiểm lâm TP.Đà Lạt đã củng cố hồ sơ vụ việc để tham mưu, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Có ý kiến cho rằng, hành vi này đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang