Đấu trí với tội phạm tài chính (kỳ 1):

"Thợ săn" giấu mặt

Thứ Hai, 01/04/2019 09:20

|

(CAO) Một hệ thống quản lý dù có chặt chẽ đến mức nào, chắc chắn cũng sẽ có những kẽ hở nhất định của nó.

Ngành tài chính - ngân hàng cũng vậy, dù được vận hành với một hệ thống quản trị hiện đại nhưng điều đó không có nghĩa sẽ tránh được tuyệt đối mọi sự xâm nhập của các loại tội phạm.

Đó cũng là lý do hình thành nên những đơn vị có chức năng đặc biệt, chuyên phòng chống rủi ro trong tài chính - ngân hàng. Có một lần được nghe những cuộc đấu trí đầy trần ai với bọn tội phạm tài chính, mới thấy nhiệm vụ thầm lặng này không đơn giản chút nào.

Kẻ cắp trong bóng tối

Chỉ cần một lỗ hổng cực nhỏ, đã là quá đủ để các đối tượng tội phạm tài chính xâm nhập, thực hiện thủ đoạn lừa đảo, đánh cắp. Nhưng chúng đâu thể ngờ, “bức tường phòng vệ” của hệ thống an ninh ngân hàng không chỉ có một lớp chắn.

Luôn có những “thợ săn” bí mật lần theo từng dấu vết phạm tội mà chúng bỏ sót lại, để sau đó phối hợp cùng cơ quan công an, bất ngờ “khoá tay” trọn đường dây…

Căn hộ chật hẹp bên trong chung cư 1050 Chu Văn An, đường Phan Chu Trinh, Q.Bình Thạnh, TPHCM là nơi mà Lê Tiến D. cùng đồng bọn trú ngụ mấy tháng nay. Gã vốn xuất thân trong một già đình khá giả nên ngay từ nhỏ, đã sớm được tiếp xúc với nền tảng khoa học công nghệ hiện đại.

Tốt nghiệp xong, nhờ có năng lực và luôn thể hiện tinh thần say mê học hỏi, chẳng mấy chốc, D. đã được tuyển dụng vào một công ty đối tác với Công ty Tài chính FE Credit và được cấp trên tín nhiệm.

Nhóm đối tượng do Lê Tiến D. cầm đầu 

Được lãnh đạo tin tưởng đưa vào vị trí quản lý cao cấp dữ liệu người dùng, thay vì cố gắng phấn đấu, D. lại coi đây là cơ hội ngàn vàng để kiếm tiền làm giàu nhanh chóng. Có điều, tham vọng này không đến từ những nỗ lực chân chính mà lại là một âm mưu bí hiểm.

Suốt một thời gian dài, D. vừa làm việc cho công ty, vừa tìm tòi thêm các thủ thuật có liên quan về công nghệ ngân hàng điện tử. Sau gần 1 năm “ẩn mình”, D. bất ngờ nghỉ việc.

Vị trí nhân viên văn phòng lúc này đã không còn đủ sức níu chân gã trai “lắm tài nhiều tật”, bởi anh ta đã tìm ra những lỗ hổng trên hệ thống vận hành của công ty. Khi đã hiểu rõ quy trình quản lý dữ liệu người dùng của công ty có những kẽ hở gì, cộng thêm việc được cấp quyền truy cập hệ thống, D. đã nảy lòng tham lôi kéo thêm nhiều đồng nghiệp khác, tạo nên một “đường dây ma”, chuyên thực hiện âm mưu đánh cắp dữ liệu khách hàng của công ty tài chính này.

Với thủ đoạn tinh vi, nhóm này đã sử dụng phương thức đánh cắp mã OTP (OTP là mật khẩu sử dụng một lần và được xem là lớp bảo vệ thứ hai cho các tài khoản ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến hay e-mail, mạng xã hội) nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

“Con mồi” ưa thích mà D. và đồng bọn nhắm đến luôn là nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ vay tiền mặt được giải ngân qua tài khoản của công ty đối tác.

Trung tâm an ninh của công ty tài chính Fe Credit phân tích thủ đoạn phạm tội của một nhóm đối tượng 

Đường dây phạm tội do D. cầm đầu sau một thời gian đã thực hiện hàng chục phi vụ lừa đảo với cùng một cách thức duy nhất: Thực hiện tạo tài khoản Internet Banking cho nạn nhân, giả dạng nhân viên ngân hàng để đánh cắp mã OTP rồi tiến hành thực hiện các giao dịch chuyển tiền trái phép vào các tài khoản ngân hàng do chúng lập ra, sau đó nhanh chóng luân chuyển dòng tiền sang hàng chục tài khoản khác nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Thấy kiếm tiền bằng thủ đoạn này quá dễ, D. càng lúc càng say máu làm liều. Chẳng mấy chốc, gã đã “đánh cắp” tổng số tiền gần 3 tỷ đồng, đẩy nhiều người chỉ sau một đêm trở thành những con nợ vô hình của ngân hàng.

Những vụ đánh cắp trong bóng tối được nhiều khách hàng phản hồi, khiến bộ phận giám sát an ninh của công ty phải vào cuộc. Mặc dù đây không phải là thủ đoạn phạm tội mới, nhưng với những cách thức “ẩn thân” quá tinh vi như thế thì việc làm sao để lần tìm ra manh mối của kẻ chủ mưu, không phải là vấn đề đơn giản.

Trắng đêm lần ra chỉ dấu

Nhiều ngày trôi qua, thông tin trình báo của các nạn nhân về những phi vụ lừa đảo trên không gian mạng cứ liên tục tìm đến, khiến anh Lý Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm An ninh của FE Credit như ngồi trên đống lửa.

Nhìn những chồng hồ sơ về các nạn nhân mỗi lúc một dày, anh bắt buộc phải lựa chọn những bước đi khó khăn tiếp theo, với quyết tâm lần ra kẻ cắp đang ẩn nấp để phối hợp cùng cơ quan công an truy bắt sớm chừng nào tốt chừng đó.

“Các phi vụ lừa đảo một cách nhuần nhuyễn, chắc hẳn đối tượng phải là người từng làm việc cùng hệ thống. Có vậy mới hiểu rõ từng đường đi nước bước” – manh mối thủ phạm từng bước được anh đưa vào tầm ngắm.

Một cuộc rà soát nội bộ có quy mô ngay lập tức được thực hiện. Mục tiêu mà nhóm điều tra độc lập do anh Lý Tuấn Anh hướng đến chính là những nhân viên từng nắm giữ chức vụ cao trong hệ thống; hoặc từng đảm nhiệm các vai trò quan trọng, nay đã nghỉ hay vẫn còn làm việc.

Đối tượng Lê Tiến D. tại cơ quan điều tra 

Sàng lọc qua nhiều hiềm nghi và sau những biện pháp nghiệp vụ tiên tiến, bí mật nhất thì cái tên Lê Tiến D. trở nên đáng ngờ hơn hết. Cộng thêm việc khi đối chiếu những vụ bị lừa đảo của các nạn nhân, bộ phận giám sát an ninh tìm thêm được nhiều chỉ dấu cho thấy, chỉ có D. mới là người có đủ khả năng gây án.

Nhưng một chi tiết quan trọng hơn hết, đó là hàng loạt vụ việc lừa đảo chỉ thực sự nổi lên rầm rộ kể từ khi Lê Tiến D. xin thôi việc tại Công ty đối tác của FE Credit.

Kể từ đây, mọi thông tin có liên quan đến D. nhanh chóng được các nhân viên an ninh của công ty bám sát chặt chẽ. Hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ nằm trong phạm vi cho phép như từ việc trinh sát hành tung đối tượng lẫn trinh sát hoạt động không gian mạng… được bí mật triển khai.

Chỉ đến khi chân dung về “hacker” bí ẩn lộ diện và được xác định đúng với đối tượng nằm trong vòng nghi vấn thì các anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Không thể chối cãi

Tất cả các thông tin, chứng cứ phạm tội bước đầu được anh cùng các cộng sự chuyển đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm chức vụ và kinh tế (PC03) Công an TPHCM.

Với tinh thần đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân, Ban chỉ huy Phòng PC03 lập tức nắm bắt toàn bộ thông tin và đề nghị sự phối hợp tiếp theo của đơn vị cung cấp.

Sau 20 ngày điều tra, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, các trinh sát của Phòng PC03 Công an TPHCM đã phối hợp cùng Công an Q.Bình Thạnh cùng Trung tâm An ninh của FE Credit, tiến hành vây bắt “đường dây ma” do Lê Tiến D. cầm đầu. Trong căn hộ đang cư ngụ, D. tỏ ra bất ngờ khi bị trinh sát tra chiếc còng số 8 lạnh ngắt vào tay.

Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện và tạm giữ tang vật bao gồm 230 triệu đồng tiền mặt cùng 194 thẻ ATM đứng tên nhiều chủ thẻ khác nhau cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan.

Đồng bọn trong đường dây của Lê Tiến D. lúc bị cảnh sát vây bắt tại hiện trường

Quá trình đấu tranh tại cơ quan điều tra, dù cố tình tìm đủ mọi lý do chối tội, tuy nhiên với những bằng chứng không thể chối cãi được phía FE Credit phối hợp cùng Phòng PC03 Công an TPHCM đưa ra, D. đã phải cúi đầu nhận tội và khai trọn đường dây phạm pháp của mình. 2 “chân rết” của D. bị cảnh sát “sờ gáy” khi đang trên đường lẩn trốn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Lê Tiến D., Lê Thanh H., Lê Trọng N. về tội danh “Sử dụng mạng máy vi tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ một vụ án, đã thấy với mảng tài chính, việc lần theo dấu vết của các đối tượng giấu mặt để từ đó làm rõ nhân diện, chứng minh hành vi phạm tội của chúng một cách thuyết phục, là cả một quá trình vô cùng khó khăn. Các đối tượng nói trên đều có kiến thức rất chuyên sâu đối với môi trường phạm tội của mình.

Trong mỗi phi vụ đột nhập để lừa đảo rồi đánh cắp tiền của khách hàng vay tài chính, các đối tượng luôn có sẵn những dự mưu chi tiết và đương nhiên, chúng không thể bỏ qua các bước “rào chắn” hòng che giấu hành vi phạm tội đó.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Lê Tiến D. về tội danh “Sử dụng mạng máy vi tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Thực tế cho thấy, điều tra tội phạm bộc phát đã khó, bắt được tội phạm có tổ chức, có thủ đoạn tinh vi (đặc biệt là hoạt động chủ yếu trên không gian mạng), lại càng chông gai gấp bội.

Riêng với ngành tài chính, theo sự phát triển của thời đại, đang từng ngày hình thành, phát sinh những thủ đoạn phạm pháp mới mà nếu không phải là người thật sự am tường cặn kẽ, thì sẽ khó lòng nắm bắt để có phương án vạch trần hiệu quả.

Vụ triệt phá đường dây lừa đảo qua công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản người vay tài chính do Lê Tiến D. cầm đầu, được khám phá thành công và đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội, phần lớn là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan công an với những người hiểu sâu về các hình thức phạm tội ấy.

Cũng nhờ đó mà hàng loạt vụ án khác ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục được đưa ra ánh sáng…

Còn tiếp…

Bình luận (0)

Lên đầu trang