Theo chân một “cuộc chơi”

Thứ Năm, 28/03/2019 15:23

|

(CATP) Thời gian qua, cơ quan chức năng của TPHCM đồng loạt tấn công mạnh vào các tụ điểm ăn chơi.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tụ điểm âm thầm hoạt động để giải tỏa “cơn khát” của một bộ phận giới trẻ. Tiền vẫn chảy, rượu vẫn trôi, khói thuốc shisha cùng thuốc lắc vẫn được chuyền tay nhau hàng đêm ở không ít vũ trường.

Rượu, shisha và chất kích thích

Hơn một năm qua, thành phố tập trung ra quân siết lại kỷ cương. Cùng với lực lượng liên ngành, các đơn vị chủ công của Công an TPHCM liên tục tổ chức kiểm tra những tụ điểm ăn chơi.

Từ Q1, Q3 đến Q5, Q.Gò Vấp..., nhiều tụ điểm ăn chơi đang bị kiểm tra, khiến các khách chơi đêm “rụt vòi”. Thế nhưng lại xuất hiện nhiều tụ điểm trá hình khác, như: beer club, tiệc ma túy trong khách sạn, quán bar trá hình 24/24 giờ...

Qua giới thiệu của một nhóm bạn trẻ, chúng tôi đeo bám để ghi nhận thực tế những cuộc chơi xuyên đêm. Ngày cuối tuần tháng 3-2019, tại một quán cà phê trên đường Thành Thái (Q10), H. (thiếu gia của một gia đình giàu có, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở Q10) đề xuất: “Tối nay cuối tuần, điểm cũ. Ngon, bổ, rẻ, nhưng đặc biệt an toàn”. Nhóm gần chục thành viên (gồm cả nam lẫn nữ) đồng loạt hưởng ứng.

Các bạn trẻ đang háo hức nhảy múa theo điệu nhạc sôi động.

Đúng 21 giờ, chúng tôi có mặt tại đầu đường Đồng Nai (P15Q10). Chúng tôi hỏi địa điểm, bạn nữ trong nhóm tên Lan chỉ sang quán cà phê bên kia đường. Chúng tôi thắc mắc: “Vào đây chi trời?”. Lan phá lên cười: “Nhìn kế bên đi!”.

Thì ra “ăn theo” bảng hiệu quán cà phê màu vàng to đùng, dòng chữ “Club” khiêm tốn nằm kế bên. Lan khẽ giải thích: Đây là “bản sao” của một quán bar có tiếng trên đường Hùng Vương (Q5) vừa bị cơ quan chức năng đánh sập vào đầu năm nay. Do bị chú ý, bar này chuyển về đây, tiếp tục núp bóng để hoạt động.

Nhìn từ ngoài dễ nhầm Club là quán cà phê văn phòng. Lúc này, quán cà phê bên cạnh chỉ lác đác vài khách, nhưng bãi giữ xe trước quán đã ken đặc gần trăm xe máy. Lân la làm quen, chúng tôi được một nhân viên giữ xe tiết lộ: “Đây là xe của quán bar kế bên”.

Những người vào bar đủ mọi thành phần, từ sang trọng đến bình dân. “Thời buổi giờ, ai khùng mà đi xe hơi? Lỡ có chuyện gì sau “dzọt” được? Đó là chưa kể phiền phức lẫn tốn tiền phạt” - H. ra vẻ sành sỏi, lý giải.

Bãi giữ xe cho quán bar bên cạnh quán cà phê chật cứng ngày cuối tuần.

Vào đến cửa, một cô gái mặc áo dài đón và hướng dẫn chúng tôi lên cầu thang. Vừa đặt chân trước cánh cửa cách âm, có lẽ vì lạ mặt nên chúng tôi bị nhóm bảo vệ chuyên nghiệp đưa mắt dò xét. H. liền choàng vai, giới thiệu chúng tôi là người nhà của mình. Bố trí đúng khu vực quen thuộc cho nhóm, gã bảo vệ to, cao nhận ngay “cú rút xỉa” 200 ngàn đồng từ T. (thành viên của nhóm), khiến gã rất phấn khích.

“Như cũ hả anh?” - một nữ tiếp viên tiến lại gần, ghé tai H. hỏi. Cái gật đầu đồng ý của H. đồng nghĩa với 3 “combo” được mang ra, mỗi combo là một chai rượu Tây, vài chai nước suối và... bộ dụng cụ hút shisha (!).

Liếc mắt qua menu, tôi giật mình vì mỗi combo như vậy giá gần 4 triệu đồng, còn combo thấp nhất cũng gần 2 triệu đồng. Lan cười, bảo đây là giá rất bình dân dành cho “dân chơi tuổi mới lớn”.

Khoảng 30 phút trôi qua, hòa với tiếng nhạc điên cuồng từ cô nàng DJ nóng bỏng trên sân khấu dã chiến, chẳng mấy chốc 2 chai rượu Tây vơi dần. Các nữ tiếp viên rất sành sỏi về “chiêu” rót rượu, không hề tràn ly, đặc biệt là tốc độ uống của các cô này. Quay qua, quay lại, họ liên tiếp nâng ly mời, khiến chúng tôi hoa cả mắt.

Buổi tối cuối tuần thật đông đúc. Gần trăm người lắc lư theo tiếng nhạc, thả hồn theo làn khói shisha đặc quánh, khiến người mới vào lần đầu như chúng tôi không thể chịu nổi. Lúc này, thêm 2 combo được gọi ra, chủ yếu là tiếp thêm các bình shisha cho thành viên của nhóm.

Bạn trẻ hút shisha trong quán bar.

Chúng tôi nhìn xung quanh, khách chủ yếu là giới trẻ, tuổi từ 35 trở xuống. Nhiều bạn trẻ liên tục quấn quýt các bình shisha, không lưu tâm đến tác hại của chúng đối với sức khỏe của mình. Khi đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, lúc này tiếng nhạc càng dồn dập, ánh đèn LED chớp liên hồi làm khách càng bị kích thích.

Liếc mắt nhìn các bàn xung quanh, chúng tôi chứng kiến 2 thanh niên đang chuyền thuốc lắc cho nhau. Bị phát hiện, một trong hai tên ghé tai chúng tôi, nói nhỏ: “Bay” không em? Anh tài trợ”. Thế nhưng lực lượng bảo vệ lại lờ đi.

Càng về sáng, quán bar gần như không còn chỗ trống. Bất ngờ, chúng tôi nhận được thông báo phải “nghỉ ngơi” lúc 3 giờ 30. Rời quán bar lúc 3 giờ sáng, các thành viên trong nhóm đều tỏ ra hài lòng cho một đêm cuối tuần náo nhiệt, dù không ai đứng vững. Nghĩ đến con số hơn chục triệu đồng cho một đêm vùi đầu vào rượu và khói shisha, chúng tôi không biết các bạn trẻ “đào” đâu ra tiền để ăn chơi, khi chưa thành viên nào có việc làm ổn định.

Chơi đêm và cái kết

Nghe chúng tôi nói về Club trên, Tân (thường xuyên có mặt tại hầu hết các điểm ăn chơi, nhảy nhót trên địa bàn thành phố) cho biết, có nghe bạn bè nhắc đến, nhưng nơi này chỉ là bar nhỏ nên anh ta chưa đến. Tân cho rằng, dù bị lực lượng chức năng đưa vào “tầm ngắm” thì các tụ điểm ăn chơi cũng không thể triệt hết được, vì nhu cầu của một bộ phận giới trẻ rất lớn.

Điều gì đã khiến các cuộc chơi thâu đêm có sức hút đối với không ít bạn trẻ như vậy? Đó chính là chất kích thích và tính muốn thể hiện mình của họ. Trong nhóm H., 10 bạn trẻ từng hút shisha, 7 người từng chơi “bóng cười”, số ít đã vài lần “cắn” thử ma túy đá.

“Đối với ma túy đá, chỉ cần một lần thử trong đời, khó ai có thể khoác tay đoạn tuyệt với nó” - đó là lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của Tân khi nói về hiện tượng “cắn hàng” của các bạn trẻ đi chơi đêm hiện nay.

Bạn trẻ hút "bóng cười"

Gần đây nhất, sáng 19-1-2019, hàng chục cảnh sát ập vào kiểm tra khách sạn - vũ trường Đ.K trên đường Trần Tuấn Khải (Q5). Nhiều khách đang hăng say theo tiếng nhạc một phen nháo nhào khi thấy công an đến.

Dưới sàn, trên sân khấu, bàn ghế, túi xách..., công an tìm thấy nhiều gói nylon chứa bột, viên nén nghi ma túy. Kết quả test nhanh, phát hiện 27 người (trong đó có 3 phụ nữ) dương tính với các chất ma túy. Lực lượng chức năng còn lập biên bản hàng loạt lỗi vi phạm liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, chủ cơ sở thiếu trách nhiệm để khách sử dụng ma túy... để xử lý.

Nhiều bạn trẻ quay cuồng trong các cuộc vui từ nữa đêm đến sáng.

Chính vì tính bồng bột của tuổi trẻ, lại bị chất kích thích gây ảo giác, thời gian qua xã hội đã chứng kiến những cảnh tượng đau lòng. Nhiều bạn trẻ tự đóng tương lai của mình vào bốn bức tường của trại giam hoặc đau lòng hơn, họ hủy hoại cuộc đời bằng những cái chết thương tâm.

Phải làm thế nào để giảm bớt những hậu quả, hình ảnh đáng tiếc đó? Chắc chắn rằng cần có sự chung tay, chung sức của các ban ngành, đoàn thể, nhà trường và đặc biệt là gia đình.

Ông Nguyễn Anh Huy - chuyên viên huấn luyện kỹ năng sống (ngụ Q10):

Tôi rất đau lòng khi nhìn một bộ phận giới trẻ đang ngày càng đánh mất tương lai. Điều khá ngạc nhiên là nhiều bạn trong số đó lại là con của các gia đình có điều kiện về kinh tế.

Nhiều lần huấn luyện kỹ năng sống cho các em, tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ chú trọng nhiều về hình thức, vật chất, không chú trọng đến tư duy cho cuộc sống mai sau của mình, thụ động, chỉ trông chờ vào cha mẹ. Nếu điều này không được “gióng lên hồi chuông” cảnh báo, tôi cho rằng các bậc cha mẹ sẽ phải hối tiếc vì phản ứng quá chậm trễ.

Đại diện Công an P15Q10:

Ngay khi quán bar trên đường Đồng Nai (Q10) đi vào hoạt động, nhiều đơn, thư phản ánh của người dân được gửi đến chính quyền địa phương. Ban Chỉ huy CAP15 đã cho kiểm tra, xác định bar này hoạt động trá hình, không phép.

Tuy vậy, do kiểm tra các hạng mục khác, như: ánh sáng, tiếng ồn thì không phát hiện vi phạm, nên công an phường ra quyết định xử phạt hành chính. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp quận để có hướng xử lý tiếp.

Thạc sĩ Ngô Quang Tiên - giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng:

Những năm gần đây, không riêng TPHCM mà ở nhiều thành phố lớn khác, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế..., tình trạng một bộ phận giới trẻ lao vào ăn chơi vô độ không còn là vấn đề mới mẻ. Nhất là ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, đồng tiền chi phối mạnh trong cuộc sống, cha mẹ mãi lao vào kiếm tiền mà thiếu quan tâm, dạy dỗ con cái.

Chưa kể ngành giáo dục còn thiếu thực tế, chạy theo thành tích... Từ việc thiếu định hướng trong cuộc sống, các bạn trẻ lệch chuẩn dẫn đến sa ngã là điều tất yếu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang