Nam sinh mồ côi học giỏi bị đánh chết dã man:

Kỳ 2: Để lại nhật ký kể về thế giới cõi âm huyền bí

Thứ Tư, 04/01/2017 11:48

|

(CAO) Ngồi ở một góc nhà, bà Phạm Thị Hường (SN 1937, bà nội Nguyễn Trung Dũng) như bất động. Nhìn những kỉ vật của cháu, nước mắt bà lại lăn xuống, bà vẫn còn bàng hoàng, đứa cháu mà bà từng ôm ấp giờ đây đã ra đi.

Kỳ 1: Tội ác trước cổng trường
 

Về ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) hỏi thăm gia cảnh của bà Phạm Thị Hường (thường gọi bà Tư, 78 tuổi, bà nội của em Dũng) ai cũng ngậm ngùi mà xót thương.

Căn nhà cấp bốn được cất lên từ tiền hỗ trợ của chính quyền địa phương và hàng xóm để bà và đứa cháu sống tạm qua ngày. Những ngày qua, bà Tư đã khóc khô nước mắt vì đứa cháu mà một tay bà ẵm bồng, nuôi nấng từ lúc lọt lòng đã rời cõi trần gian.

Nhìn những kỉ vật của cháu, nước mắt bà Tư lại lăn xuống...

“Chưa kịp ăn tô bún đã ra đi”

Ngồi ở góc nhà, bà Tư như thể xác không hồn. Nhìn những kỉ vật của em Dũng, nước mắt bà lại lăn dài trên gò má đầy xương với da và chằng chịt những nếp nhăn.

Những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận

Kể lại sự việc trong nước mắt, bà Tư bàng hoàng, uất nghẹn: “Chiều 18-5, như có linh tính chẳng lành, tôi hắt hơi liên tục 2 cái, lật đật đi về nhà liền. Về đến nhà thấy cửa đóng, tôi càu nhàu ‘cái thằng Dũng sao không mở cửa cho bà vô’ thì nghe tiếng cháu nó thì thào trong nhà ‘bà ơi, bà đưa cháu đi bệnh viện gấp, cháu bị đánh, chắc không qua khỏi’. Nói dứt lời, cháu lết ra mở cửa rồi nằm bất động”.

Bà Tư đau đớn tột độ khi nhắc lại sự việc cháu bà bị đánh

“Mấy ngày trước khi xảy ra sự việc, cháu nó có xin tui mua cho 2 cái quần sì. Tui có hứa khi nào có tiền sẽ mua cho nó. Nó còn nói thèm ăn bún nữa nhưng tui chưa kịp mua vì không có tiền. Tui còn chưa kịp mua cho nó tô bún để ăn và 2 cái quần để mặc. Vậy mà nó đã bỏ tui đi. Trời ơi…”, bà Tư khóc ngất.

Nhật kí về cõi âm huyền bí

Góc học tập của Dũng rất đơn sơ, không một chiếc bàn, chồng sách vở đặt ngay ngắn dưới đất, cạnh bên là chiếc chiếu tơi để em ngủ. Chúng tôi tìm trong đó có một sấp giấy khen, cuốn học bạ các năm học, phần lớn là điểm 10 và có cả cuốn nhật ký ghi dòng chữ “Học để thay đổi cuộc đời, để có được tương lai”.

Và ít ai biết rằng, cuốn nhật kí của một cậu học sinh lớp 9 lại viết về câu chuyện ma mị ở thế giới cõi âm.

Nhật kí của em Dũng

Em viết: “Biết bao nhiêu câu chuyện về thế giới huyền bí hay còn gọi là cõi âm và ma làm cho con người ta suy nghĩ rất nhiều. Biết bao câu chuyện được dệt lên về thế giới đó, nó mang một vẻ rùng rợn, gieo rắc những nỗi ám ảnh, sợ hãi cho chúng ta.

Theo cá nhân tôi, thì cõi âm là một thế giới song song với cuộc sống chúng ta, là nơi của những hồn ma, những linh hồn vất vưởng trên nhân gian. Đôi khi ta chợt có cảm giác ớn lạnh, những tiếng sấm trong đêm mưa, hoặc là những tiếng chó tru thật dài và những tiếng mèo kêu,… Đó là dấu hiệu của cõi âm hiện về….” (Mỹ Tho 1-12-2014).

Rồi em cũng kể thêm một câu chuyện cái chết của một đôi bạn nam nữ và sự báo mộng…

Câu chuyện cái chết của một đôi bạn nam nữ và sự báo mộng được em Dũng viết trong nhật ký

Nhìn những di vật của Dũng, bà Tư lại rớt nước mắt kể: “Dũng nó thường học bài ban ngày, ban đêm nó không dám học nhiều, nếu học nó đốt đèn dầu, vì sợ tốn điện, tui không có tiền đóng. Tôi chữ nghĩa ít, lại già yếu nên cũng không kèm cập được gì cho nó. Nhật kí nó viết cái gì tôi cũng không rõ. Tự bản thân nó nỗ lực, cố gắng. Tui chỉ luôn động viên nó cố gắng học giỏi để thoát cái khổ. Tui rất vui vì nó học giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến”.

Nước mắt bà Tư lăn dài trên gò má đầy xương với da và chằng chịt những nếp nhăn

“Thằng Dũng nó ngoan lắm, hiếu thảo nữa. Bữa trước, nó được nghỉ học mấy ngày, nó xin tui cho đi theo người ta làm phụ xe chuyến đi Châu Đốc. Được người ta trả cho 100 ngàn đồng. Nó mua tặng tui cái khăn trùm đầu cho ấm và cái quạt giấy. Ai thuê nó làm cái gì được năm trăm, một ngàn đồng nó cũng đưa cho tui.

Thấy tui vất vả lượm ve chai nuôi nó, nó xin tui đi giữ nhà kho cho người ta ban đêm. Nó bảo người ta sẽ trả lương 2 triệu đồng/tháng. Con sẽ mang bài vở đến đó học rồi sáng sẽ đến trường luôn. Nó mới đi giữ nhà cho người ta được có 2 ngày thì bị đánh đến chết oan uổng rồi”, bà Tư nhớ lại.

(còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang