Nam sinh mồ côi học giỏi bị đánh chết dã man:

Kỳ 3: Rơi nước mắt bài văn điểm 10 kể về tuổi thơ nghèo khó và ý chí vươn lên

Chủ Nhật, 29/01/2017 12:02

|

(CAO) “Tuổi thơ của tôi đã không may mắn có được tình thương của cha mẹ, vì thế người thay thế cha chăm sóc tôi, thay mẹ dạy dỗ tôi cho đến ngày hôm nay chính là bà nội… Trời mưa, đường đê lầy lội, bà đã cõng tôi từ nhà đến trường chỉ vì bà không muốn tôi phải lội sình lầy bẩn quần áo đi học. Bất chợt nước mắt tôi lăn dài trên má”.

Kỳ 2: Để lại nhật ký kể về thế giới cõi âm huyền bí
 

Viết về “Kỉ niệm đáng nhớ về người bà thân yêu của mình” trong đề văn, Nguyễn Trung Dũng đã kể lại câu chuyện về tuổi thơ và hình ảnh người bà còng lưng nuôi cháu khiến người xem không cầm được nước mắt. Báo Công an TP.HCM xin giới thiệu nguyên văn bài văn của em Dũng (nam sinh bị đánh chết ở cổng trường).

Bài văn được giáo viên cho điểm 10 tối đa với lời phê: “Văn viết giàu cảm xúc, chân thành, đáp ứng tốt yêu cầu của đề”.

Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cả cha lẫn mẹ

“Tuổi thơ của tôi đã không may mắn có được tình thương của cha mẹ, vì thế người thay thế cha chăm sóc tôi, thay mẹ dạy dỗ tôi cho đến ngày hôm nay chính là bà nội. Và kỉ niệm về bà đã khắc sâu vào tâm trí tôi là khoảng thời gian tôi sống cùng bà ở vùng Tân Lập xa xôi.

Năm tôi lên sáu tuổi, gia đình tôi chuyển về vùng kinh tế mới Tân Lập thuộc huyện Tân Phước. Nơi đây đất đai cằn cỗi, nhiều phèn và thậm chí chưa có điện để dùng. Gia đình tôi ở ngay sát con đê, phía sau là mảnh đất mới khai phá để trồng khóm (trái thơm – PV). Bao nhiêu tiền bạc có được, nhà tôi đều dồn vào mùa vụ năm đó, vì thế cuộc sống cũng vất vả lắm.

Bài văn gây xúc động

Cứ mỗi ngày, tôi ngồi trước hiên nhà nhìn ra đều thấy bà cặm cụi cuốc từng thửa đất. Cái nắng hè ở xứ Tân Lập làm cho con người ta chỉ muốn nhảy ngay xuống kênh để tránh, thế mà bà nội đội cả nắng, quên cả cử cơm để cuốc nốt thửa đất còn lại. Uống ngụm nước mưa đun sôi để nguội cho đỡ khát, bà tôi lau mồ hôi rồi nhìn vào hiên nhà nơi tôi đang nhìn ra, bà liền cười như muốn trêu tôi rằng nắng nóng cũng không thể hạ gục được bà.

Tôi nghĩ rằng trên thế giới này ít ai được như bà. Một người phụ nữ Hà Thành (bà Tư - bà nội của Dũng, quê gốc ở Nam Hà, vào miền Nam sinh sống từ năm 1975 – PV) theo ông tôi vào Nam sống. Bà đã từng kể cho tôi nghe rằng khi bà còn đôi mươi thì đã làm công nhân ở một nhà máy xi măng. Bà quả thật mạnh mẽ. Ý nghĩ đó cứ trụ lại trong lòng tôi như muốn nhắc rằng, cái cuộc sống có khó khăn tới chừng nào thì lại rèn ra bao nhiêu con người kiên cường, mạnh mẽ đến chừng ấy.

"Có đói, có nghèo cách mấy cũng phải đi học”

Năm tôi vừa tròn tuổi vào lớp một, trường học thì phải đi hết con đê dài bằng đất trước nhà tôi mới tới được. Bà sắm cho tôi hai bộ đồ, cái niềm vui tuổi nhỏ của tôi khi ấy khó mà tả được. Tôi cứ chìm trong niềm vui với bộ quần áo mới mà đâu biết rằng bà phải đi vay tiền của một người hàng xóm để mua cho tôi. Bà chỉ mong sao cho cháu mình có được bộ quần áo tươm tất cho ngày đến lớp đầu tiên trong cuộc đời.

null
null
Hình ảnh người bà trong bài văn của Dũng đã thật sự lấy nước mắt người xem

Vì trường khá xa và tôi phải học hai buổi nên bà phải ngày ngày mang cơm đến cho tôi. Bữa cơm trưa của tôi trong hủ nhựa chỉ vẻn vẹn con khô chiên mặn và một ít canh rau mồng tơi mà bà hái sau vườn. Đạm bạc, thế nhưng đôi với những đứa trẻ như tôi ở vùng đó đã là quá đầy đủ.

Vùng này nghèo, có bạn chỉ có bịch cơm trắng với tí nước mắm mà ăn, bà tôi xót nên bảo tôi chia bớt nửa con khô cho bạn. Bà dạy tôi rằng phải biết chia sẻ với người khác vì người ta cũng như mình, cũng là con nhà nông dân nghèo đi tìm cái chữ để có cơ may đổi đời, thoát khỏi cái cảnh nghèo túng.

Tấm ảnh Dũng và bà chụp chung duy nhất này được cô giáo của Dũng rửa tặng. Bà Tư đã treo tấm ảnh này lên vách nhà (ảnh PV chụp lại)

Trời mưa, đường đê lầy lội, bà đã cõng tôi từ nhà đến trường chỉ vì bà không muốn tôi phải lội sình lầy bẩn quần áo đi học. Bất chợt nước mắt tôi lăn dài trên má. Lúc đó tôi rất thương bà, thương hơn bao giờ hết, tay tôi ôm chặt cổ bà và bà cõng tôi đến lớp. Bà nói với tôi rằng “có đói, có nghèo cách mấy cũng phải đi học”. Bà muốn tôi đi học cũng chỉ vì muốn tôi thoát cảnh nghèo khó. Tôi học được một năm thì gia đình tôi lại phải dọn về nơi khác do trồng trọt mất mùa. Bà lại đưa tôi đi, lo cho tôi trong khi cả cha và mẹ tôi đều đã đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Bà đã hi sinh cả cuộc đời vì con vì cháu mà không lấy một lời than vãn.

Qua bao nhiêu năm, kỉ niệm về một thời bà cháu tôi nương tựa nhau vượt khó vẫn ùa về nơi tâm trí tôi. Nó nhắc nhở tôi rằng, con người có khó khăn cách mấy, nghèo khó đến mức nào thì chỉ có một con đường duy nhất là học, học để thay đổi số phận, học để không phụ lòng bà đã vì tôi mà chịu đựng những khó khăn gian khổ”.

Clip bài văn của em Nguyễn Trung Dũng:

 

Như báo Công an TP.HCM đã thông tin (kỳ 1), em Nguyễn Trung Dũng là học sinh lớp 9, trường THCS Tân Mỹ Chánh, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), bị bạn đánh chết chỉ vì mâu thuẫn nhỏ.

Tuổi thơ của Dũng thiệt thòi hơn bao đứa trẻ khác vì ba mẹ chia tay khi em mới tròn 12 tháng tuổi, mỗi người lập một gia đình riêng, em cút côi với bà nội. Một tay bà ẵm bồng, nuôi nấng. Không ngại nắng mưa, mỗi ngày bà đi lượm ve chai lo cho cháu ăn học. Bà mừng vì cháu mình học giỏi, được thầy cô khen, xóm làng yêu quý.

Bà Phạm Thị Hường (thường gọi bà Tư, SN 1937, bà nội Dũng) cho biết, bà quê gốc Hà Nam, theo chồng vào Nam từ năm 1975. Trước đó, bà là công nhân ở một nhà máy xi măng. Khi vào Nam, bà không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê làm mướn đủ thứ nghề như cấy lúa mướn, nhổ cỏ, bắt ốc,… để nuôi con. Bà có tổng cộng 8 người con, nhưng người nào cũng nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa, trôi dạt tứ xứ. Khi ba mẹ cháu Dũng chia tay, bỏ lại Dũng cho bà nuôi, lúc đó chồng bà (ông nội Dũng) lại mất. Bà tuổi già sức yếu, một thân một mình đi lượm ve chai để nuôi cháu.

* Các tiêu đề do báo Công an TP.HCM đặt

(còn tiếp)

Bình luận (1)

tội nghiệp cho 2 bà cháu, cháu ra đi để lại bà đau đớn.

bích hà - Thứ Tư, 08/02/2017, 10:19 Trả lời | Thích
Lên đầu trang