Làng biên giới treo đầu trâu trước nhà và những tập tục "lạ"

Thứ Ba, 30/03/2021 15:25

|

(CAO) Người Giẻ Triêng ở vùng biên giới huyện Đắk Glei (Kon Tum) có tục lệ treo đầu trâu trước nhà. Theo người dân nơi đây, treo đầu trâu trước nhà để xua trừ tà khí, mang lại sự bình an…

Treo đầu trâu để xua tà ma?

Xế chiều, sau nhiều giờ chạy xe rã rời từ trung tâm huyện Đắk Glei vượt núi lên đến trung tâm xã Đăk Nhoong, chúng tôi được một người dân thổ địa ở đây cho ngủ nhờ. Khi nghe chúng tôi nói muốn lên làng Rót Mẹt- một ngôi làng nằm ở biên giới với nước bạn Camphuchia, anh Cò - người chủ nhà tốt bụng liền ngăn lại: “Không lên được đó đâu, muốn đi phải sáng mai. Giờ lên đó lạnh cóng với sương mù không nhìn thấy đường”.

Sau một đêm tá túc tại trung tâm xã Đăk Nhoong, sáng sớm, chúng tôi theo chân những giáo viên cắm bản lên làng Rót Mẹt. Trong số các làng đi qua, thì Rót Mét không phải là nơi heo hút nhất, nhưng làng ở đây tập trung đông người Giẻ Triêng và đường sá phải xuyên qua các con dốc dựng đứng.

Khi đặt chân đến Rót Mét vào buổi trưa, từ đầu làng đã thấy những căn nhà nằm dưới chân núi vắng lặng. Càng đi sâu vào làng những chiếc đầu trâu treo lủng lẳng trước nhà hoặc trên cành cây cứ đập vào mắt. Nhìn kỹ mới thấy những cái đầu trâu đã khô, không còn da thịt, hốc mắt sâu và cặp sừng dữ tợn khiến mọi người có cảm giác ớn lạnh.

Già Y Len kể câu chuyện về lịch sử những chiếc đầu trâu trong làng

Từ xa xa, một cụ già trên núi chống gậy đi xuống làng. Nhìn thấy khách lạ ngỡ ngàng, già Y Len năm nay đã 67 mùa rẫy đặt bó củi xuống và trấn an khách: “Già vừa đi rẫy về, nhận tiện gùi củi về nhà đốt sưởi ấm. Mùa này, người trong làng đi rẫy hết, chiều tối mới về nhà. Trời lạnh, trẻ con cũng đóng cửa ở trong nhà, ít ra đường nên cảm giác làng Rót Mét vắng vẻ”.

Không cần hỏi, già Y Len cũng biết khách đang quan tâm đến những đầu trâu được treo khắp làng. Già Len kể rằng, ở đây từ đầu làng đến cuối làng nhà nào cũng treo đầu trâu. Bà cũng không nhớ rõ, tục treo đầu trâu có từ bao giờ. Già chỉ nhớ rằng, khi mình lớn lên đã thấy cha mẹ làm lễ và treo đầu trâu trước nhà. Sau này, mọi người vẫn duy trì tục treo đầu trâu để thể hiện sự giàu có và xua đuổi tà ma.

“Trước đây, sau mỗi mùa màng bội thu, bà con đều mổ trâu, lấy đầu trâu để cúng Yàng (thần linh). Lúc được mùa thì cúng cảm ơn, lúc mất mùa cũng cúng để cầu mùa màng bội thu, cầu cho gia đình, buôn làng không gặp vận xui, cầu hạnh phúc, tránh ma quỷ. Mổ trâu cũng là dịp toàn bộ dân làng tụ họp, vui chơi sau một năm làm lụng vất vả”, già Y Len giải thích.

Theo chỉ dẫn của già Y Len chúng tôi đến nhà anh Ngót (SN 1970)- ngôi nhà sở hữu nhiều đầu trâu nhất làng. Anh Ngót tự hào, nhà mình giờ đang treo 4 đầu trâu trước nhà còn 2 đầu trâu khác đã bị hư. Các đầu trâu đều được anh treo những vị trí dễ nhìn thấy nhất. “Mỗi cái đầu trâu được treo trên nhà là những lần mình mổ trâu làm lễ cúng Yàng và đãi dân làng. Gia đình cúng trâu tạ ơn Yàng để mọi người trong làng quanh năm mạnh khỏe, ngày càng giàu có, không xảy ra thiên tai, bệnh tật”, anh Ngót vui vẻ cho biết.

Anh Ngót tự hào nhà mình có 4 cái đầu trâu được treo

Anh Ngót vẫn nhớ như in lần đầu gia đình mổ trâu cúng Yàng: "Hồi đó, hai vợ chồng mới cưới, cái bụng chưa đủ no nên mình xin Yàng cho no ấm khi nào có điều kiện sẽ tạ ơn đầy đủ. Đến khi thóc trong bồ đã đầy, con vật nuôi trong chuồng đã lớn mình mới mời cả làng đến và bàn kế hoạch tổ chức lễ cúng trâu để giữ trọn lời hứa với Yàng”.

“Đến nay gia đình tôi đã làm 6 con trâu rồi cúng Yàng. Sau khi mổ trâu cúng để cầu Yàng phù hộ gia đình được mùa, người mạnh khỏe… thì đầu trâu được đem ra treo trước nhà để xua đuổi xui xẻo”, anh Ngót giải thích.

Chỉ tay vào những chiếc đầu trâu treo lủng lẳng trước hiên, anh Ngót bảo: Cứ cúng trâu xong là già làng cho phép gia đình mang về treo trước nhà. Việc treo đầu trâu để xua đuổi xui xẻo, đem lại may mắn cho gia đình. Sau khi treo đầu trâu lên nhà, gia đình phải kiêng kị, trong 10 ngày bất cứ ai không được đến nhà để mượn tiền, mượn gạo. Trong khoảng thời gian này, gia đình này cũng không lấy tiền ra mua bất cứ thứ gì. Các thành viên trong gia đình cũng không được đi rừng trong vòng 10 ngày.

Treo đầu trâu trong nhà là để xua đuổi tà ma, mong cuộc sống ấm no

Cải tiến tục lệ để tiết kiệm hơn

Mổ trâu, treo đầu trâu là tục lệ lâu đời của người Giẻ Triêng ở Đăk Nhong, tuy nhiên hiện nay đang là một gánh nặng của một số các gia đình nghèo. Đối với nhiều gia đình con trâu là đầu cơ nghiệp, giết trâu đồng nghĩa mất đầu cơ nghiệp. Nhiều gia đình không có trâu phải chạy vạy vay mượn vài ba chục triệu để đi mua trâu về cúng cho bằng mọi người.

Đầu trâu được treo lủng lẳng khắp làng

Nói về phong tục này của người dân trên địa bàn ông A Hét – Phó Chủ tịch xã Đăk Nhoong cho biết, trên địa xã người Giẻ Triêng chiếm đa số. Ở các làng trong xã đều có tục cúng trâu và treo đầu trâu trước nhà ở và nhà rông. Ngày xưa, các dòng họ, các làng treo nhiều đầu trâu chừng nào thì càng chứng tỏ càng giàu có, càng quyền uy. Ngay cả các gia đình, tộc họ cũng ngầm so đo nhau về đầu trâu nhiều hay ít, sừng trâu to hay nhỏ. Gia đình, tộc họ nhiều đầu trâu hơn, xem như giàu có hơn gia tộc bên kia.

“Hiện nay, theo phong tục làm thịt 1 con trâu rất tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình. Xã cũng thường xuyên tổ chức vận động bà con làm tiết kiệm, tránh tốn kém trong việc tổ chức các tục lệ. Nay tình trạng mổ trâu cúng này đã giảm hẳn, lâu lâu làng mới tổ chức một lần. Các dòng họ cũng đã có những thay đổi trong tục lệ theo kiểu tiết kiệm hơn, như không còn mổ trâu nữa mà chỉ đi mua đầu trâu về làm lễ và treo. Những cách làm như vậy cũng được xã khuyến khích để vừa không tốn kém vừa giữ được phong tục”, ông A Hét cho biết thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang