Sụp lún, hạn, mặn tàn phá ĐBSCL:

Bài 1: Vùng ngọt hóa đang bị "chìm"

Thứ Ba, 25/02/2020 15:55  | Thiện Thảo

|

(CATP) Ngày 24-2-2020, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến giao thông, thủy sản.

Sau buổi họp ngắn, tỉnh bố trí cho các chuyên gia và nhóm phóng viên đi thực tế qua những vùng hạn, mặn của tỉnh. Tận mắt chứng kiến những đoạn đã sụp lún ở đê biển Tây và tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc.

Một thành viên trong đoàn khảo sát thốt lên: "Cà Mau đang phải đối mặt với sự tàn phá khủng khiếp của tình hình hạn, mặn. Nếu không có biện pháp khắc phục thì tai họa có thể ập đến khôn lường".

NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG TIẾP TỤC SẠT LỞ

Dẫn chúng tôi đi khảo sát tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc, ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) lo lắng: "Theo dự báo, mùa khô năm nay kéo dài đến tháng 6. Mức độ tàn phá của hạn, mặn sẽ còn khủng khiếp. Biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra các hiện tượng cực đoan, từ năm 2016 đến nay đã có 2 đợt hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều đó cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hoàn toàn có thể lặp lại thường xuyên trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh giải pháp trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu tìm ra biện pháp đối phó lâu dài, để vùng ngọt hóa thích ứng hơn với biến đổi khí hậu".

Tuyến đê biển Tây bị sạt lở ngày 23-2-2020 làm thiệt hại hàng tỷ đồng

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Sử chỉ những vết nứt kéo dài trên mặt tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc. Theo người dân địa phương, sau một đêm thức dậy, họ lại thấy vết nứt trên mặt đường lớn hơn hôm trước, lề đường cũng có dấu hiệu lún.

Báo cáo ủa UBND tỉnh Cà Mau, mùa khô hạn năm 2016, toàn tỉnh có 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụp lún, làm hư hỏng 113km đường giao thông, 9.843 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.

Năm nay, mới vào đầu mùa khô mà các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc. Đối với lộ giao thông nông thôn, đã có 907 vị trí sụp lún, tổng chiều dài hơn 21.600m.

Cụ thể, tại huyện Trần Văn Thời có 578 vị trí sụp lún lộ bê-tông, với tổng chiều dài gần 12.200m, 326 vị trí sụp lún lộ đất đen, với tổng chiều dài hơn 9.100m. TP.Cà Mau có 3 tuyến lộ đất đen bị sụp lún, với tổng chiều dài gần 300m.

Tuyến đê biển Tây bị sạt lở ngày 23-2-2020 làm thiệt hại hàng tỷ đồng

Trao đổi với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Hoàng Ba (58 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) nhớ lại: Rạng sáng 30-1-2020, trên tuyến đường này, tại Km21+130 bị sụt lún kéo dài khoảng 18m. Vụ sụp lún làm hơn 2m mặt đường bị hư hỏng nặng.

Đến khoảng 7 giờ ngày 6-2, đoạn qua khu vực Nông trường 402 thuộc giai đoạn 1 của Dự án đường Tắc Thủ - Đá Bạc tiếp tục xảy ra sụp lún dài khoảng 30m, sâu hơn 2,5m, "ăn" sâu vào mặt đường khoảng 5m. Hiện tại, phần mặt đường chỉ còn rộng 2m.

Sự cố sụp lún trên làm ngôi nhà của anh Trần Thanh Nhàn (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây) sập xuống. "Ngày 14-2, tôi phát hiện vết nứt trên đường trước nhà tôi ngày càng lớn. Lề đường có dấu hiệu lún. Tôi gọi điện báo cho lãnh đạo xã. Các cơ quan chức năng đồng ý cho tôi chặt hết cây keo lai trồng hơn 5 năm để phòng sụp lún. Nào ngờ cách làm này hiệu quả, nhưng càng ngày thấy đất lề đường càng lún thêm. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp thì tuyến đường này hư hỏng ngày càng nặng thêm".

Tại xã thuần nông Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), thời gian qua người dân như ngồi trên đống lửa. Nước trên các tuyến kênh ngày càng khô cạn, còn đường nứt nẻ. Ông Lê Thanh Hải (60 tuổi, ngụ địa phương) cho biết, gần cả đời sống ở đây, chưa có năm nào ông thấy hạn nặng như năm nay: "Thiên nhiên càng ngày khốc liệt. Nước ngọt trở nên khan hiếm. Sạt lở ngày càng đe dọa tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân".

Anh Phạm Thành Được (Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải) nói: "Từ đầu mùa khô đến nay, xã đã xảy ra sụp lún 20 tuyến kênh, với chiều dài gần 4.500m, gồm 164 điểm, liên quan đến 181 hộ, nguy cơ hư hỏng hơn 2.000m đất sát mặt lộ. Những hộ dân sống trong vùng sụp lún hết sức khó khăn". Theo chân anh Được, chúng tôi khảo sát những tuyến đường trong vùng sụp lún. Nhiều hộ dân lo âu, cho biết đường hư hỏng gây chia cắt giao thông, chi phí vận chuyển tăng cao, đời sống ngày càng khó khăn.

MỰC NƯỚC QUÁ THẤP ĐE DỌA ĐÊ BIỂN TÂY

Tuyến đê biển Tây cũng gặp sự cố tương tự các tuyến đường ở huyện Trần Văn Thời. Khoảng 7 giờ ngày 23-2-2020, UBND xã Khánh Bình Tây nhận tin báo của người dân về việc tuyến đường đê biển Tây qua ấp Kinh Hòn của xã bị sụp lún, làm đoạn 90m lộ bê-tông gần Khu du lịch Đá Bạc bị hư hỏng nặng. Tại hiện trường, độ sụt lún từ 1,2 - 1,8m, chiều dài khoảng 60m, phần diện tích còn lại có độ sụp lún từ 0,5 - 0,7m.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng một số chuyên gia khảo sát điểm sụp lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc

UBND xã Khánh Bình Tây đã lập hàng rào cảnh báo, không cho phương tiện lưu thông qua đoạn đường hư hỏng, nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời báo cáo nhanh đến chủ đầu tư để khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và khắc phục.

Trước đó, rạng sáng 18-2, tuyến đê Đá Bạc về Kênh Mới cũng xảy ra sụp lún mặt đường khoảng 100m (từ Km58+135 đến Km58+235). Sáng 23-2, tình trạng sụp lún tiếp diễn thêm khoảng 90m, mặt đê bị lún sâu từ 1,8 - 2m (tại khoang đào cách chân đê khoảng 18m có bùn trồi lên).

Ông Tô Quốc Nam (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) giải thích: "Năm 2019, chúng tôi hoàn thành tuyến đê biển này. Trước khi sụp lún, Sở đã cử đoàn kiểm tra thì tuyến đê biển vẫn an toàn. Nhưng đến đầu mùa khô lại xảy ra sụp lún.

Qua khảo sát tại tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc và đê biển Tây, các con kênh thủy lợi đã cạn nước. Một số con kênh trơ cả đáy. Năm nay, Cà Mau xuất hiện hạn hán sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân".

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cùng một số chuyên gia khảo sát điểm sụp lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc

Mực nước hệ thống kênh mương trong các tiểu vùng II, III bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và tiếp tục giảm. Nước trong hệ thống kênh mương đã xuống rất thấp, trữ lượng sụt giảm từ 50 - 70% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước.

Bước đầu, các cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân chủ yếu do mất phản áp của nước vào thành bờ sông, gây ra sụp lún. Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác, như: đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu...

Ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) cho biết, trước tình trạng sụp lún liên tục xảy ra, bước đầu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khắc phục các sự cố công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức cắm 25 biển cảnh báo tại các vị trí sạt lở, sụp lún nguy hiểm; tổ chức 7 đợt hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sụp lún, sạt lở đất, với hơn 350 người tham dự.

Đồng thời tiến hành xử lý tạm đối với một số điểm sạt lở để đảm bảo giao thông cho người dân. "Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Ngoài tình trạng sụp lún, người dân đang đối mặt với hàng loạt khó khăn khác" - Ông Sử nhận định. (Còn tiếp)

Ông Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Vị trí sạt lở trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc khá nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể là do mực nước dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hàng năm. Việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài, gây ra sạt lở; còn về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định.

Một số người đề xuất phương án chặt hàng cây dọc bờ kênh để hạn chế sạt lở, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Thay vì chặt bỏ cây, chúng ta có thể tỉa bớt cành hoặc trồng dọc bờ kênh một loại cỏ, đến thời điểm nắng hạn thì có thể bảo vệ và hạn chế tình trạng sạt lở".

(Còn tiếp... )

Bình luận (0)

Lên đầu trang