Theo chân “cô hồn sống” mùa tháng Bảy

Thứ Ba, 28/08/2018 11:59

|

(CAO) Nhiều người cho rằng tháng 7 âm lịch là tháng “mở cửa mả”, có rất nhiều quỷ đói lên quấy phá dương gian nên phải cúng đồ ăn cho chúng để khỏi bị quấy nhiễu. Đó là quan niệm của dân gian và tục này hiện nay đang bị biến tướng thành một hiện tượng xấu.

Cứ mỗi mùa tháng Bảy âm lịch, ở TPHCM lại hình thành nhiều nhóm người chuyên đi tranh cướp tiền cúng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại nhiều nơi và đồng thời làm méo mó ý nghĩa thật sự của một mùa lễ thiêng liêng - Vu lan báo hiếu.

“Sứ giả” của kẻ khuất mặt?

Trưa mười sáu tháng Bảy Âm lịch (tức 26-8-2018), dù tiết trời nắng gắt nhưng trước cửa nhà hàng Gia Phát (đường Nguyễn Biểu, Q5), cả trăm con người vẫn chen chúc nhau.

Bên trong, một người đàn ông có tướng tá yểu điệu đang chậm rãi trưng ra một mâm cúng. Đó là “má” T. - chủ của nhà hàng này. Nhà hàng Gia Phát vốn là một tụ điểm “bia” nức tiếng ở Sài thành, với tên gọi trước đó mà dân chơi nào cũng biết là “Dzách lục lục”.

Từ ngày lực lượng Công an ra quân truy quét quyết liệt, “má” T. phải đổi tên quán để tránh bị dòm ngó. "Má" luôn trông đứng trông ngồi, lòng nơm nớp lo âu, ngày đêm tìm tới các “thầy bà” tâm linh để cậy nhờ “giải hạn”.

Năm nay, sẵn dịp Lễ xá tội vong nhân và Vu lan tháng Bảy, "má" làm một mâm cúng cô hồn thật linh đình để rước đi mọi xui rủi, nguyện cầu cho việc “làm ăn” ngày một hưng phát.

Mâm cúng hôm nay, “má” T. bày biện đủ lễ nghĩa. Nhưng chỉ có một thứ mới thu hút được rất nhiều người, đó là hơn chục triệu đồng bỏ trong túi nilon, được người của nhà hàng cầm sẵn.

Hàng chục người đứng tràn ra một phần đường Nguyễn Biểu (Q5) chờ giật tiền cô hồn gây ùn tắc giao thông.

Trong rừng người ấy đương nhiên không thể thiếu sự hiện diện của “cu” Đen. Ở khu Chợ Lớn, “cu” Đen nổi tiếng là một “cô hồn sống” bởi y sống bụi đời và có nhiều “nhóc tì” dưới trướng.

Rằm tháng Bảy năm nào cũng là một dịp “kiếm ăn” béo bở của nhóm này. Tối qua, “cu” Đen “đón gió” được tin sáng nay nhà hàng này sẽ “rải lộc” nên đã triệu tập đàn em đến sớm để kịp “bày binh bố trận”.

Đội quân chuyên tranh cướp lộc cúng cô hồn kiên nhẫn đợi chờ.

11 giờ 30, lượng người đi giật tiền cúng cô hồn càng tăng lên, chẳng mấy chốc đã chật kín cả con đường khiến xe cộ đi qua phải nhích từng chút một. Để đảm bảo an ninh, lực lượng bảo vệ dân phố phải có mặt từ rất sớm để kiểm soát tình hình và điều tiết giao thông.

Không khí mỗi lúc càng ngột ngạt. Hàng trăm ánh mắt đang ngóng chờ bao tiền từ trên tay của gia chủ. Ai nấy đều kiên nhẫn.

Nhân viên bên trong nhà hàng quan sát tình hình trước khi tiến hành rải lộc. 

Giờ Ngọ điểm, ánh Mặt trời đứng bóng, đám đông bắt đầu nhốn nháo, xô đẩy khi gia chủ cầm bịch tiền đi ra hướng ban công của tầng lầu. Những mớ tiền lẻ được rải xuống theo đúng nghĩa “ban phát cho cô hồn”. Đến nắm tiền thứ 2, tất cả mọi người bên dưới đã quỳ rạp hoặc khom xuống đất, thi nhau nhặt. 

Già trẻ, lớn bé thi nhau giành tiền cúng cô hồn từ chủ nhà hàng.

Chỉ chờ đến lúc này, “cu” Đen nháy mắt ra hiệu cho đồng bọn. Hàng chục thanh, thiếu niên một tên cầm theo một chiếc nón tre, phi lên thân của những người bên dưới để “hứng lộc”. Cảnh giẫm đạp, chửi bới làm náo loạn cả một góc phố.

Mọi chuyện chưa dừng lại, những thanh niên bắt đầu tranh giành rồi suýt dùng nắm đấm để "nói chuyện". Ở bên trên, nhóm người của chủ nhà hàng tay quăng tiền, miệng thì cười hả hê, khoái chí. Trật tự chỉ được vãn hồi khi có sự can thiệp mạnh tay của lực lượng chức năng.

Lực lượng  BVDP phải có mặt để ổn định trật tự.

Sau cuộc tranh cướp, nhóm “cu” Đen thu hoạch được một khoản kha khá. “Hơn một chai (một triệu)! Mới buổi sáng mà vô mánh vậy là ngon rồi – “cu” Đen hớn hở khoe “chiến tích” với chúng tôi. “Nhưng đi cướp tiền, giẫm đạp nhau như vậy thì coi bộ không hay cho lắm.

Có nhất thiết phải làm vậy?” – chúng tôi tỏ vẻ không bằng lòng. Tới đây, gã trai bụi đời chốt lại vấn đề bằng “triết lý” rất riêng của mình: “Mấy ông có biết người ta gọi tụi tui là gì không? Là “sứ giả” của kẻ khuất mặt. Sở dĩ gọi như thế là vì ai cũng tin rằng, một khi tiền cúng được đám này nhiệt tình giành giật thì những cô hồn sẽ được nhận lấy nó. “Cô hồn sống” đại diện thay cho người đã chết là lẽ đó”.

Những “cô hồn” không nhang khói

Chuyện đi giật đồ cúng vào tháng cô hồn, theo sự phát triển của xã hội, mỗi năm lại có một kiểu mới. Nhưng dù mới hay cũ thì trong mỗi mâm cúng, thứ bắt buộc phải có là… tiền! Nhà nào bình dân thì vài ba chục, khá hơn cũng vài triệu bạc.

Có nơi làm ăn kinh doanh to lớn, mỗi mâm cúng lên tới cả vài chục triệu đồng. Ở đâu có lợi ích, ở đấy ắt có sự tranh giành. Bởi vậy mới có chuyện phân chia “lãnh địa” để giật tiền cúng cô hồn vào mỗi mùa tháng Bảy âm lịch.

Các “cô hồn sống” nằm trong “đội quân” đi tranh cướp này đa phần là dân lao động, dân trí thấp như: bán vé số, xe ôm, nhặt ve chai, phụ hồ… Lực lượng này chiếm hết 60% số người đi cướp tiền, làm ách tắc giao thông nhưng do “hành sự” rời rạc, đơn lẻ nên trong các cuộc tranh cướp thường bị yếu thế, số tiền nhặt được chả là bao.

Nổi trội nhất phải kể đến là các nhóm thanh thiếu niên bụi đời hoặc các nam thanh, nữ tú ăn chơi lêu lổng. Số này thường đi theo nhóm, thậm chí có sự phân chia vai trò rất bài bản và nếu “đụng chuyện” sẽ sẵng sàng “đáp trả” hội đồng với nhau.

Có người sẵn sàng bất chấp an nguy tính mạng chỉ để tranh giành lộc cúng cô hồn.

Vụ 2 nhóm gồm hàng chục thanh niên lao vào đánh nhau vì tranh tiền cúng trước cổng một căn nhà gây xôn xao mạng xã hội trong ngày 27-8 là ví dụ điển hình. Theo nhiều người dân địa phương, tại hiện trường khi ấy xuất hiện 2 nhóm chuyên đi giật tiền cúng.

Một nhóm là “thổ địa” tại địa phương và nhóm còn lại từ nơi khác “bén mảng” đến. Cuộc xâm lấn “lãnh địa” của nhóm thanh niên lạ đương nhiên không được chấp nhập và mâu thuẫn lập tức xảy ra sau khi những tờ tiển lẻ được gia chủ ném xuống.

Màn hỗn chiến giữa hai nhóm thanh niên vì tranh giành tiền cúng cô hồn gây xôn xao mạng xã hội trong ngày 27-8.

Những màn giành giật đã làm nên chất “xúc tác” để cuộc ẩu đả bằng nắm đấm và nón bảo hiểm diễn ra. Hàng chục nam thanh niên sức dài vai rộng chỉ vì những đồng tiền lẻ đã “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” để thể hiện “sức mạnh”, khiến nhiều người một phen hoảng hốt. Và y như cũ, cuộc hỗn chiến chỉ kết thúc khi có bóng của lực lượng chức năng.

Ở TPHCM, ngoài “cu” Đen “cầm trịch” nhóm bụi đời ở khu Chợ Lớn thì còn có hàng chục “cu” như vậy trên nhiều địa bàn khác nhau. Mỗi khu một nhóm, mỗi nhóm một kiểu… cướp tiền! Vào mùa, những “cô hồn” này chẳng cần nhang khói, vẫn đánh mùi được ở đâu có cúng bái để “dàn quân” kéo đến “kiếm ăn”.

Trào lưu biến tướng

Cúng cô hồn vào tháng Bảy âm lịch hàng năm thực ra không phải là một tín ngưỡng của Phật giáo mà đó là quan niệm của dân gian. Tháng Bảy âm lịch có 2 quan niệm là Vu lan báo hiếu và Xá tội vong nhân.

Cả 2 đều được tổ chức vào đúng ngày rằm trong tháng. Trong đó, Ngày Xá tội vong nhân được dân gian xem là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để cô hồn được tự do trở về dương thế. Chính vì thế mà theo tục lệ, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng mã và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày.

Tục lệ cúng cô hồn xuất phát từ quan niệm trong dân gian xưa.

Vậy thì hà cớ gì phải cúng tiền thật cho ma quỷ? Trên thực tế thì chẳng ai có thể xác định được tục cúng tiền này bắt nguồn từ đâu. Nhưng cách dễ hiểu nhất, theo nhiều chuyên gia thì đó là một sự biến tướng trong quá trình hình thành, phát triển phong tục tập quán.

Một bộ phận người dân, nhất là những người làm ăn kinh doanh đã tự huyễn hoặc rằng, việc cúng tiền thật của dương thế cho những kẻ khuất mặt ở chốn âm ti, cũng như là một cách hối lộ để không bị quấy phá.

Nhiều gia chủ tin rằng, nếu người sống giành giật càng đông là họ đã mua chuộc được cô hồn không đến quấy phá gia đình.

Một người đàn ông ra về với mớ "chiến lợi phẩm" trên tay - Ảnh chụp chiều 26-8.

Trước khi dọn đồ ra cúng, nếu gia chủ chưa kịp thắp hương khấn vái, mà có những người tranh nhau giật đồ cúng từ trên tay, thì ngay lập tức nên buông thả đồ cúng ra khỏi tay. Bởi nếu giật lại, hậu quả nhận được là điều tệ hại.

Nếu khi chưa làm lễ cúng mà đã có người chầu chực giật có nghĩa là tín hiệu tốt. Chính quan niệm lệch lạc đó đã làm như hiện tượng cướp tiền cúng vào tháng cô hồn diễn ra ngày một phản cảm, báo động, khiến dư luận bức xúc.

Chúng tôi đã đem câu chuyện này gõ cửa các thầy sư và chuyên gia văn hoá để tìm ra lời giải xác đáng nhất. Và câu trả lời mà phóng viên nhận được là hiện tượng xấu nêu trên “không một ai cổ suý”! Văn hoá người Việt luôn đề cao tính nhân ái, sự sẻ chia, kể cả là với người không còn trên dương thế.

Tục cúng cô hồn đang ngày một biến tướng và trở thành hình ảnh gây phản cảm trong xã hội.

Người sống luôn nghĩ đến người đã khuất, đó là một nét văn hoá tâm linh tốt đẹp cần được giữ gìn. Nhưng nếu không xây dựng nét đẹp ấy trên một khuôn khổ và giới hạn cho phép, sẽ trở nên phản cảm, xấu xí và tạo ra những mặt trái đầy nhức nhối…

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh văn phòng UBND Q5 (TPHCM)

Năm nay, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân, hạn chế tối đa việc rải tiền khi cúng. Tình trạng này đã giảm nhiều, tất nhiên là không thể giảm 100%, vì tín ngưỡng của người dân, không thể cấm đoán, chỉ tuyên truyền để họ giảm quy mô lại, tránh xuất hiện hình ảnh phản cảm, mất trật tự như các năm trước. 

Cúng tiền, cướp tiền cô hồn là trái lời Phật dạy

Trao đổi với phóng viên Báo CATP vào chiều 27-8, Đại đức Thích Quảng Thắng, Trụ trì chùa Xuân An (tỉnh Bình Thuận) cho biết, tục đốt vàng mã, cúng cô hồn ngày rằm tháng Bảy thực chất chỉ là quan niệm dân gian, mong muốn lễ phần cho những vong hồn không nơi nương tựa được ăn uống no nê. Trong tháng Bảy Âm lịch, các chùa thường tổ chức các lễ cúng dường, cúng cầu siêu cho các vong hồn, những người khuất mặt, khuất mày nên người đời mới dần tự suy luận, cho rằng đây là tháng để bố thí, cúng âm linh cầu mong bình an vô sự, chứ kinh sách Phật giáo không nói đến việc này.

“Để tục lệ này không bị tiếp tục biến tướng trong những năm về sau, người dân cần phải tự ý thức sâu rộng về nguyên căn, khởi tổ của ngày lễ này, tránh có những suy nghĩ mê tín, dị đoan trái với lời dạy của nhà Phật” – Đại đức Thích Quảng Thắng gửi gắm.

Đại đức Thích Quảng Thắng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang