Rừng vẫn chảy "máu"

Thứ Ba, 15/12/2015 11:36  | Hoàng Quân

|

(CATP) Nhiều diện tích rừng ở miền Trung bị tàn phá do lâm tặc hoành hành cả ngày lẫn đêm. Lực lượng bảo vệ rừng đã nỗ lực để phòng ngừa, ngăn chặn nhưng có những lúc đành bất lực.

Lâm tặc manh động, liều lĩnh tấn công lực lượng chức năng, thách thức cơ quan pháp luật. Sự bình yên của người dân bị đe dọa trong khi máu của kiểm lâm (KL) đã đổ.

ĐÊM TRONG RỪNG CHỜ... LÂM TẶC

Hàng năm, nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng thuộc Vườn quốc gia (VQG) trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) bị khai tử để lấy lâm sản, trồng rừng kinh tế, thực hiện các dự án, công trình xây dựng. Một lượng lớn gỗ rừng được chuyển về các nhà dân để thực hiện chủ trương “xóa nhà tạm” ở các thôn, xã; đưa vào xưởng mộc để chế biến thành đồ gia dụng...

Một trong những điểm nóng khai thác, vận chuyển lâm sản là rừng thuộc VQG Bạch Mã thuộc địa phận huyện Nam Đông, giáp với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Con đường 14C từ thị trấn Khe Tre về xã Hương Lộc bị cày nát bởi lượng lớn người và phương tiện qua lại để phục vụ dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan nên nham nhở, xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là con đường độc đạo của việc vận chuyển lâm sản, động vật rừng ra khỏi địa bàn.

Dọc đường đi, chúng tôi thỉnh thoảng bắt gặp những người dân vác trên vai những tấm gỗ đi men theo các con suối, bìa rừng để đưa về nhà. Cán bộ KL Trạm KL số 7 (Trạm KL Hương Lộc) cho biết: “Đây chỉ là một số tấm gỗ bìa mà lâm tặc đã cưa xẻ ra, lấy gỗ tốt đi rồi, chỉ còn lại những tấm gỗ xấu nên người dân đi nhặt, đem về nhà dùng”.

Gỗ lậu được công an huyện Nam Đông phát hiện, thu giữ. - Ảnh: Hoàng Quân

Từ Trạm KL Hương Lộc, đi thêm 7km nữa là đến chốt KL Khe Ao. Do lượng lớn người và phương tiện thi công dự án đường cao tốc và trời mưa nên đường gập ghềnh, khúc khuỷu, nhão nhoét bùn lầy. Chiếc xe máy nhiều lúc cài số 1 ngập ngụa trong bùn, đất sét có người đẩy mới giúp chúng tôi có thể qua được những đoạn dốc cao, vực sâu. Dọc đường, hàng chục chiếc xe máy được để bên lề rừng, giấu vào bụi rậm. Cán bộ KL cho biết đó là xe của người dân đi rừng. Rất nhiều xe tháo biển số, được gia cố thêm yên sau, được “chế” lại khung, máy... để chở gỗ.

Gần một giờ vật vã, chúng tôi mới đến được chốt KL Khe Ao nằm trên một sườn đồi bên cạnh ngã ba khe Ao và khe Ba Ran nước chảy cuồn cuộn. Lý do đặt chốt trạm ở đây vì để chặn các bè gỗ của lâm tặc vận chuyển theo các khe nước đưa về xuôi. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, công tác rất kham khổ do ở trong rừng, xa dân cư, địa hình phức tạp nhưng lúc nào cũng có cán bộ KL túc trực để chặn bắt lâm tặc. Cùng ăn bữa cơm khổ chỉ với cá khô, rau rừng, ít cá suối, chúng tôi mới thấm thía nỗi thiếu thốn mà các anh gặp phải.

Ăn xong nghỉ ngơi được nửa giờ thì trời tối hẳn. Khung cảnh heo hút, chìm trong đêm khiến khách lạ phải rợn người. Lực lượng KL bắt đầu đi tuần tra dọc các khe suối. Đến khuya, các anh chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện thiết bị hỗ trợ để mai phục, đón lõng lâm tặc. Thông thường khoảng từ khuya đến rạng sáng, lâm tặc sẽ chuyển gỗ ra khỏi rừng theo đường sông suối. Các cán bộ cho biết, lâm tặc thường có nhiều người làm nhiệm vụ cảnh giới, khi có “động”, biết có người vây bắt là chúng án binh bất động. Còn khi phát hiện vụ việc thì chuyện KL bị đe dọa, hành hung xảy ra như... cơm bữa.

LÂM TẶC MANH ĐỘNG, LIỀU LĨNH TẤN CÔNG KIỂM LÂM

Ông Nguyễn Văn Trung - Trạm trưởng Trạm KL Hương Lộc đem ra một chồng giấy A4 là những thống kê, báo cáo về việc bị lâm tặc đe dọa, hành hung. Nếu như trước đây, lâm tặc lén lút ở trong bụi cây, lợi dụng đêm tối dùng đá ném KL, bỏ các vật nhọn, bàn chông bẫy kiểm lâm... thì gần đây, chúng tấn công một cách công khai, có tổ chức.

Ngày 30-10-2015, một tổ công tác của Trạm KL Hương Lộc phát hiện 4 bè gỗ ở khe Ao nên tịch thu tang vật, đưa người về trạm xử lý. Tuy nhiên trên đường đi, chúng huy động đông người chặn xe và giải thoát các đối tượng. Ngày 1-11, lâm tặc huy động nhiều người đến Trạm KL Hương Lộc để gây sự, lăng mạ cán bộ KL khiến công an huyện phải điều động người đến hỗ trợ, giải quyết.

Lúc 8 giờ ngày 18-11, ông Trung đang trên đường tới cơ quan thì bị tên Đoàn Văn Thành (“Tám”), cùng 3 đối tượng khác (đều trú thôn 1, xã Hương Lộc) tấn công khiến nạn nhân gục ngã xuống đường. Khi người dân đến can ngăn, các đối tượng mới bỏ đi. Ông Trung được đưa vào bệnh viện điều trị mất 10 ngày.

Cùng ngày, tại xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông), tổ công tác của Trạm KL Thượng Lộ cũng bị khoảng 30 lâm tặc ném đá. Ông Nguyễn Tất Vinh - Phó trạm trưởng Trạm KL Hương Lộc kể lại vụ việc kinh hoàng: “tôi từ chốt Khe Ao về lại trạm bằng xe máy, khi đi ngang qua tổ 4, thôn 1 thì bị Trương Văn Trung (SN 1987, trú tổ 4, thôn 2) và Nguyễn Thanh Chính (SN 1992, trú thôn 1, xã Hương Lộc) chặn xe hành hung rồi tẩu thoát”.

Xe máy của lâm tặc tập kết ven rừng. - Ảnh: Hoàng Quân

Khoảng 10 ngày sau đó, cán bộ Phan Phú Hồng Minh dẫn đầu tổ công tác tuần tra ở tiểu khu 412 và 416 dọc khe Trường, phát hiện 3 đối tượng đang kéo gỗ nên tổ chức vây bắt. Chỉ 5 phút sau, khoảng hàng chục lâm tặc chạy đến, tay lăm lăm dao rựa, gậy gộc vây tổ công tác. Lực lượng KL ít người nhưng vẫn không hề nao núng, quyết đấu tranh với lâm tặc. Khoảng 15 phút sau thì các đối tượng bỏ đi khi biết lực lượng tăng cường đang được điều động vào hỗ trợ KL.

Lúc 1 giờ ngày 3-12, tại chốt khe Ao, lực lượng KL phát hiện các đối tượng vận chuyển gỗ trên sông Ba Ran và tiến hành vây bắt ở khu vực tiểu khu 413. Trời khuya, giá lạnh nhưng lực lượng KL vẫn nhảy sông nước, dàn hàng ngang chặn bắt đối tượng. Khoảng 15 lâm tặc dùng gậy gỗ, mái chèo, đá liên tiếp ném KL. Ông Nguyễn Tất Vinh bắn 3 phát súng chỉ thiên, nhưng các đối tượng vẫn hung hăng tiến đến. Tình thế quá căng thẳng, trong khi lâm tặc đông người hơn và quá manh động, lực lượng KL phải rút lui để đảm bảo an toàn tính mạng. Khi được tăng cường thêm lực lượng, đến 4 giờ sáng thì các đối tượng bỏ lại gỗ xuống sông rồi về nhà. Kiểm lâm đã tìm kiếm nhiều giờ dưới sông, nhưng không phát hiện được gỗ.

Theo nhận định, các đối tượng hành hung KL là người xã Hương Lộc và một số người ở nơi khác đến làm thuê, thường xuyên vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Trong đó Đoàn Văn Thành là tên cộm cán, có máu mặt, là người nhà của một cán bộ huyện nên “coi trời bằng vung”. Theo lực lượng KL, hầu hết các vụ tấn công KL thì Thành là tên cầm đầu, đóng vai trò chủ mưu. Lâm tặc hành hung KL có tổ chức, thường đi thành nhóm 4 - 5 tên, đứng ở những đoạn đường vắng, nơi KL hay đi qua để ra tay hành hung.

RẤT KHÓ CHẶN TỪ GỐC

Qua các vụ việc trên có thể thấy lâm tặc mỗi lần bị phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển gỗ lậu, đều kéo đông người đến vây ráp, tấn công KL. Có một số vụ người dân cũng kéo đến gây sức ép cho lực lượng chức năng. Các vụ hành hung KL đã được Ban quản lý VQG Bạch Mã kịp thời báo đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các vụ việc vẫn chưa được xử lý kịp thời hoặc chỉ xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng “lờn mặt”, coi thường pháp luật.

Lực lượng KL VQG Bạch Mã cho biết, nguyên nhân khiến KL liên tục bị tấn công trong thời gian qua là do KL kiên quyết ngăn chặn, vây bắt việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Lâm tặc không chỉ liều lĩnh, manh động mà còn được sự trợ giúp của một số người dân địa phương, nên ngày càng tác oai tác quái. Người dân dù đã cam kết bảo vệ rừng, có các thành viên hợp đồng với KL để bảo vệ rừng, nhưng một bộ phận lớn vì mưu sinh, vì nguồn lợi từ rừng nên cố tình vi phạm, tiếp tay cho lâm tặc.

Lực lượng KL dù luôn sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, công tác hỗ trợ còn hạn chế, việc chế tài xử lý còn yếu nên không đủ sức ngăn chặn lâm tặc. Việc tuần tra trong rừng vẫn thường được triển khai, nhưng rất khó để bắt quả tang việc khai thác gỗ trái phép do lâm tặc thường bỏ của chạy lấy người, hoặc liều lĩnh tấn công lực lượng chức năng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang