Vụ 'khuất tất về tài chính tại bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ': Vì sao tiêu cực bị 'chìm xuồng' ?

Thứ Tư, 11/10/2017 11:18  | Đăng Khoa

|

(CAO) Từ tháng 11-2007 đến tháng 5-2017, ông Đặng Quang Tâm giữ chưa Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) thì không bao lâu sau đã có nhiều đơn tố giác của y bác sỹ gởi đến Bộ Y tế.

Đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng tiêu cực không được xử lý dứt điểm. Trái lại, ông Tâm tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức giám đốc. Lần giở hồ sơ tiêu cực tại đây, chúng tôi phát hiện thêm nhiều sai phạm trong thời gian ông Tâm tại vị.

LẬP QUỸ TRÁI PHÉP ĐỂ ĐI... CÔNG TÁC

“Khi Thanh tra Chính phủ triển khai quyết định thanh tra toàn diện tại BV, chúng tôi mừng lắm. Gần chục năm qua, nhiều cuộc thanh, kiểm tra nội bộ phát hiện có sai phạm nhưng dừng lại mức độ kiểm điểm rút kinh nghiệm. Do đó, sai phạm năm sau có dấu hiệu cao hơn năm trước. Đơn tố giác gởi đến Bộ Y tế nhiều hơn nhưng nhận được sự im lặng đáng ngờ”, một cán bộ đang công tác tại BVĐKTW Cần Thơ thố lộ.

Qua tìm hiểu hồ sơ tại BV này, chúng tôi phát hiện hàng loạt tiêu cực. Đặc biệt, BV có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng việc quản lý tài chính, có dấu hiệu lập quỹ trái phép.

Ngày 11-4-2012, Phòng Tài chính-Kế toán của BV tổ chức bàn giao quỹ. Theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24-7-2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí) ghi rõ: “Đối với phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, tổ chức khác (ngoài cơ quan thuế) thu thì cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí.

Bản kê chi tiết của thủ quỹ Diễm khi bàn giao

Căn cứ vào tình hình thu phí, lệ phí (số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc nhà nước,...) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, các cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp (đối với đơn vị sự nghiệp có thu) hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp)...”.

Thế nhưng tại buổi bàn giao, ngoài bàn giao tiền mặt, thủ quỹ BV Trần Thị Kiều Diễm bàn giao chứng từ có giá gồm 11 sổ tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng từ tiền thu viện phí được ông Tâm chỉ đạo gởi tiết kiệm để lấy lãi. Giải thích việc sử dụng tiền lãi, thủ quỹ Diễm đưa ra bản chi tiết lấy lãi tiếp khách, ngoại giao. Trong đó, ông Tâm ứng đi công tác đến 100 triệu đồng, tiếp khách kiểm toán và Bộ Y tế lên đến hàng chục triệu đồng...

TIẾP TỤC ĐƯỢC TÁI BỔ NHIỆM

Sai phạm lập quỹ trái phép bị “chìm xuồng”, tháng 2-2013, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kiểm toán Dự án BVĐKTW Cần Thơ. Tổng giá trị chủ đầu tư là BVĐKTW Cần Thơ đề nghị quyết toán hơn 191 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán hơn 163 tỷ đồng nhưng phát hiện chênh lệch gần 7,5 tỷ đồng do quyết toán trùng khối lượng, khối lượng quyết toán lớn hơn so với bản vẽ hoàn công.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 6,2 tỷ đồng và giảm thanh toán một số hạng mục hơn 1,4 tỷ đồng. Về trách nhiệm của Chủ đầu tư mà cụ thể là giám đốc BV vẫn không được Bộ Y tế xem xét.

Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ

Trong thời gian này, Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cử đoàn thanh tra do ông Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn thanh tra những sai phạm liên quan đến ông Tâm. Sau hơn một năm thanh tra, tháng 5-2013, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hiệp cho biết: “Việc ông Tâm làm chủ tịch Hội đồng thầu đã cho thuốc có giá thấp hay cao đều chúng thầu, đoàn thanh tra đã có kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra còn việc xử lý như thế nào là do lãnh đạo bộ quyết định”.

Cùng thời gian trên, Bộ Y tế ký kết luận thanh tra. Nhiều nội dung cho tố cáo đúng với sai phạm lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng dừng lại mức, giám đốc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Ông Tâm được tiếp tục bổ nhiệm giám đốc cho đến tuổi hưu.

Đầu năm 2017, hàng loạt bác sỹ gởi đơn và hồ sơ có liên quan kêu cứu đến Bộ Y tế. Theo đó năm 2016, BV chi hơn 593 tỷ đồng thì có khoản chi khó hiểu như: chi thuê mướn 10,2 tỷ đồng, chi phí nghiệp vụ chuyên môn ngành 305 tỷ đồng, chi phụ cấp lương là 43 tỷ đồng, chi lương tăng thêm 41 tỷ đồng…

Trái lại, nhiều khoản thu bị bỏ quên mất quỹ của người lao động hơn 7 tỷ đồng. Điều ngạc nhiên hơn, 10 tháng qua, Báo CATP phản ánh, Bộ Y tế im lặng đáng ngờ trước sự hoài nghi của dư luận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang