Vụ phá rừng ở Lâm Đồng: Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị có dấu hiệu tiêu cực

Thứ Sáu, 15/07/2016 05:20  | Ngọc Hà

|

(CAO) Vụ băng nhóm lâm tặc do Lê Hồng Hà (Hà “đen”) cầm đầu ngang nhiên phá rừng tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5 (thôn 2, xã Lộc Bắc, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) bị Bộ Công an triệt phá, hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Có hay không việc “bảo kê”, bao che lâm tặc phá rừng, kéo dài suốt 2 năm qua?

Vụ án hiện đang được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B), Bộ Công an, Công an Lâm Đồng, Công an huyện Bảo Lâm phối hợp điều tra.

Bước đầu, ngành chức năng khởi tố 3 bị can, gồm: Lê Hồng Hà (48 tuổi, quê Nghệ An, cầm đầu nhóm lâm tặc, hiện bỏ trốn); Nguyễn Văn Tuấn (quê Bình Dương, chủ ô tô tải chuyên vận chuyển gỗ trái phép cho Hà “đen”) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, quê Bình Dương, lái xe tải, ngụ H.Đăk R’Lấp, Đắk Nông). Đồng thời, tạm giữ thêm 7 đối tượng khác để tiếp tục thẩm vấn.

Gỗ lậu lâm tặc giấu trong rừng - Ảnh: Bảo Sơn

Chiều tối ngày 12-7, đối tượng Trần Thọ (SN 1981, quê H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng), trong băng nhóm Hà “đen” tham gia khai thác gỗ lậu, bỏ trốn đêm 8-7 ra Công an H.Bảo Lâm đầu thú. Một trinh sát cho biết, để thuận lợi cho công tác điều tra, làm rõ vụ án, cơ quan công an đang ráo riết truy lùng Hà “đen”. Có tin, người nhà đối tượng cho biết, Hà “đen” bắn tiếng sẽ sớm ra đầu thú.

Đối tượng có vợ, con ở TP.HCM, từng có 2 tiền án về tội Cưỡng đoạt tài sản (tại tỉnh Bình Thuận), lãnh án 8 năm tù; tội Cố ý gây thương tích (tại Nghệ An), mức án 5 năm tù. Ra tù, y tự cho mình thuộc loại có “số má”, hành nghề bảo kê cho các hầm vàng ở Nghệ An, sau đó sống lang thang. Từ năm 2014, y đến TP.Bảo Lộc, đăng ký tạm trú, khai làm nghề tự do, sau đó đến H.Bảo Lâm khai thác gỗ lậu.

Ngày 13-7, Bộ Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra hành chính hàng loạt các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn TP.Bảo Lộc, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) và các tỉnh lân cận: Bình Phước, Đắk Nông. Tại một số cơ sở, đoàn công tác phát hiện một số chủng loại gỗ quý hiếm… và hiện đang xác định các sai phạm (nếu có) của các doanh nghiệp về chứng từ, sổ sách liên quan.

Một tổ công tác khác của các ngành chức năng trở lại hiện trường vụ bắt quả tang băng nhóm Hà “đen” phá rừng, khai thác gỗ lậu, để kiểm đếm, xác định nhóm gỗ, số lượng cây bị băng nhóm lâm tặc này triệt hạ. Theo một cán bộ Tổ công tác, hiện trường phá rừng bán kính rất rộng, còn trơ lại nhiều gốc cây có đường kính lớn, ước chừng cả trăm năm tuổi, thuộc loại gỗ nhóm 2 đến nhóm 8.

Lâm tặc khai thác gỗ lậu một cách chuyên nghiệp, chúng hạ tỉa những cây gỗ “ngon”, chứ không phá tràn lan, sau đó cắt thành những khúc gỗ tròn, hoặc cưa xẻ thành hộp, giấu trong rừng, trong lán trại, chờ đêm tối vận chuyển xuống lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5. Tại đây, các đối tượng dùng thuyền, bè vận chuyển gỗ lên bờ, sau đó dùng xe ô tô tải chở ra khỏi rừng đi tiêu thụ.

Đường vào khu vực này khá cheo leo, hiểm trở. Đêm mùng 8-7, trời mưa, mây mù dày đặc, lực lượng đánh án khá vất vả thâm nhập hiện trường bắt quả tang lâm tặc, song thu được kết quả rất đáng kể. Công ty TNHH Thu Hà (tỉnh Bình Phước), chuyên chế biến, thu mua gỗ bị tình nghi là cơ sở tiêu thụ gỗ lậu của Hà “đen”.

Tổ công tác luồn rừng điều tra vụ phá rừng quy mô lớn - Ảnh: Bảo Sơn

Nhiều câu hỏi đặt ra, việc Hà “đen” lộng hành phá rừng do đâu? Trong khi quanh khu vực này có rất nhiều chốt, trạm kiểm lâm, như: Trạm kiểm soát của Thủy điện Đồng Nai 5, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (tỉnh Đắk Nông, ngay bên đường vào hồ thủy điện), trụ sở của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc (đơn vị chủ rừng), đối diện đó là trụ sở UBND xã Lộc Bảo, Công an xã.

Những tưởng hành trình di chuyển gỗ lậu của lâm tặc sẽ khó, vậy mà suốt 2 năm qua, hoạt động phá rừng, lấy gỗ lậu của bọn chúng trót lọt. Rõ ràng có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là có dấu hiệu tiêu cực của cán bộ, dẫn đến những vụ phá rừng trái phép trên.

Ngoài ra, Tổ công tác gồm C49B, Bộ Công an, Công an tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện doanh nghiệp chế biến gỗ Thành Chí (trụ sở TP.Bảo Lộc) có dấu hiệu lợi dụng giấy phép khai thác rừng nghèo kiệt, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ nhiều năm trước, để khai thác gỗ lậu, gỗ quý hiếm từ cánh rừng nguyên sinh gần đó (tại Tiểu khu 398, xã Lộc Bắc). Ngành chức năng đang kiểm tra, làm rõ.

Trước nghi vấn về việc có sự “bảo kê”, bao che của lực lượng chức năng cho hành vi ngang nhiên phá rừng của nhóm lâm tặc Hà “đen”, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Vụ án do C49B, Bộ Công an chủ công triệt phá, đến nay giao Công an Lâm Đồng, Công an H.Bảo Lâm phối hợp điều tra, làm rõ. Quan điểm của cơ quan Công an, cương quyết với tội phạm, làm nhanh, làm sớm, khách quan với vụ án. Nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực sẽ xử lý nghiêm.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nêu ý kiến: Việc Bộ Công an liên tiếp triệt phá, phát hiện vụ phá rừng của nhóm lâm tặc Hà “đen” và vụ việc xảy ra tại Công ty Thành Chí ở huyện Bảo Lâm là thành tích rất đáng được biểu dương. Qua đó, cũng bộc lộ điểm yếu, bài học với các cơ quan chức năng địa phương trong công tác bảo vệ, quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

“Bảo vệ, quản lý rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, các ngành chức năng tại địa phương và các ban ngành cấp cơ sở phải có trách nhiệm trước hết. Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân tôi chỉ đạo và mong muốn, cơ quan điều tra cần nhanh chóng làm rõ vụ án, làm một cách khách quan, triệt để, quy trách nhiệm cụ thể với cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra sai phạm”.

Trước đó, chiều ngày 9-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an báo cáo toàn bộ diễn biến vụ phá rừng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang