'Thiên đàng' trên... cột điện

Thứ Sáu, 22/05/2015 15:38  | Như Quỳnh

|

(CATP) So với cách đây vài năm, thị trường bất động sản (BĐS) hiện đã hết “bất động”, nhưng vẫn chưa thể tạo nên cơn sốt như thời hoàng kim. Chính vì vậy, để bán được hàng, nhiều dịch vụ, “cò” nhà, đất ra sức tiếp cận khách hàng bằng hàng loạt lời chào mời không tưởng.

"Dội bom" bằng tin nhắn

Tại các quận 2, 9, Thủ Đức (TPHCM), chúng ta dễ dàng bắt gặp các bảng quảng cáo rao bán đất nền giá rẻ “sổ đỏ chính chủ, bao luôn cả giấy phép xây dựng”... Trong vai cặp vợ chồng mới cưới tìm mua lô đất để xây nhà, chúng tôi phát hiện nhiều tình huống bi hài do chính các “cò” tạo ra.

Lần theo một số điện thoại được dán trên cột điện giữa khu dân cư Bình Trưng (Q2), chúng tôi được “cò” P. niềm nở tiếp đón tại một quán cà phê. Với điệp khúc dạo đầu, P. hứa sẽ tìm cho chúng tôi một lô đất như ý nằm giữa khu dân cư vừa quy hoạch. Theo P., lô đất này có diện tích 4mx25m nằm giữa trung tâm khu dân cư sầm uất. Với giá tiền chưa đến 800 triệu đồng thì rõ ràng đây là điều kiện để khách hàng lựa chọn.

Đất rao bán giá nào cũng có, nhưng thực tế không như vậy - Ảnh: M.T

Đưa chúng tôi đi trên tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, P. khoe rằng đây là dự án của một công ty có “liên kết” tới Công ty HAGL. Nếu chấp nhận, chúng tôi chỉ cần đặt cọc 20% giá trị hợp đồng, phần còn lại sẽ được thanh khoản khi nhận được nền. Giấy tờ chủ quyền hồng khỏi phải lo, tất cả đều được nhà đầu tư dự án “bao” hết.

Như để chứng minh, P. bảo phần lớn đất khu vực này đã có chủ. Chỉ còn lại vài lô đắc địa do giá thành cao hơn một chút nên còn kén chọn người mua. Tuy nhiên khi thẩm định lại thông tin trên tại UBND phường, chúng tôi được biết đất chưa được chuyển mục đích sử dụng cũng như chưa có giấy phép quy hoạch để phân lô bán nền.

Liên hệ với số điện thoại theo tin nhắn quảng cáo bán đất nền khu vực phía Đông thành phố, giọng một thanh niên mời chào nhiệt tình và đề nghị chúng tôi nên trực tiếp đến tham quan lô đất. Phải vượt qua một đoạn đường đá gập ghềnh gần 5km hai bên có nhiều lau sậy, lô đất nền mà H. giới thiệu ban đầu ở vị trí khá xa trung tâm thưa thớt dân cư.

Vẫn là lời thúc giục mua ngay kẻo hết, tư vấn viên H. vẽ ra “viễn cảnh” sau này sẽ trở thành trung tâm của thành phố và có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Đi cùng chúng tôi có 5 khách hàng khác. Tới nơi, cả nhóm ai cũng lắc đầu. Một anh trong nhóm đề nghị muốn xem giấy tờ “sổ đỏ, bao giấy phép xây dựng” như trong tin nhắn quảng cáo thì H. bối rối và từ chối.

Tin nhắn quảng cáo bất động sản cũng là một chiêu trò môi giới của dịch vụ nhà đất. Các nhân viên môi giới bất động sản hay “cò đất” chỉ cần mua sim rác giá rẻ đã có thể gửi tin nhắn đến hàng ngàn thuê bao điện thoại theo thông tin khách hàng được bán công khai trên mạng.

Đánh vào tâm lý của nhiều người dân nhập cư muốn tìm cho mình một chỗ ở ổn định, nhiều “cò”, “nhà đầu tư” đã tung ra hàng loạt dự án đất nền bằng cam kết cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nhiều kẻ môi giới chỉ vì lợi nhuận trước mắt, đưa ra nhiều thông tin sai lệch mặc cho hành vi quảng cáo sai sự thật là vi phạm pháp luật.

Người dân lao động thu nhập thấp khi nhận được các tin nhắn quảng cáo “tận tay” trên điện thoại cũng bị cuốn hút bởi “giá rẻ, giá sốc” mà liên hệ với các “tay cò nhà đất”. Khi nhận thấy đất nền không phù hợp, họ từ chối thì được hứa hẹn những cuộc gặp mặt trực tiếp để trao đổi. Sau đó, điện thoại của họ mỗi ngày nhận thêm hàng loạt tin nhắn hay lời mời từ các tư vấn viên.

Thận trọng giá "siêu rẻ"

Đa phần các quảng cáo bán đất nền đều giăng bẫy người dân bằng công thức “giá rẻ, vị trí đẹp”, nhưng thực hư đằng sau nó là vô vàn dấu chấm hỏi.

Tại Điều 194 Luật Đất đai 2013 và Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định: “Chủ đầu tư chỉ được bán đất nền dự án (hay còn gọi là phân lô, bán nền) khi được sự cho phép của UBND cấp tỉnh sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai”.

Thế nhưng, nhiều chủ đất chưa có giấy tờ chắc chắn vẫn “vô tư” rao bán đất nền. Người dân không hiểu tường tận về pháp luật, nhẹ dạ cả tin dễ dàng sập bẫy đặt cọc giữ đất hay đưa tiền dưới hình thức “góp vốn dự án” rồi đợi mãi không thấy mảnh đất thuộc chủ quyền của mình.

Các lô đất nền hay được “khoa trương” tọa lạc tại TPHCM hoặc được tung hỏa mù ở vị trí đẹp gần trung tâm, nhưng thực chất đều nằm ở các khu vực ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Long An... mới có giá rẻ (khoảng 250 - 300 triệu đồng/lô) cho những lô đất có diện tích khoảng 100m2. Các chủ đất này khi được hỏi đều “xoa dịu” khách hàng, rằng khu đất tuy hơi xa nhưng giao thông vào trung tâm khá thuận tiện và thúc giục người liên hệ phải mua nhanh kẻo hết, buộc họ đóng cọc giữ chân.

Với hình thức bán theo lô của các chủ đầu tư này, sổ đỏ thường “dính chùm”, không được tách lô mà theo người bán thường tuyên bố “bán nhanh lắm, bán xong hết, tách từng lô một thể”. Việc tách thửa tưởng nhanh, nhưng cũng vướng khá nhiều quy định pháp luật nếu diện tích lô đất không đủ để tách thửa hoặc đất nền chưa có giấy phép chứng minh là đất ở sinh hoạt, đất thổ cư mà vẫn còn là đất nông nghiệp. Khi đó, người dân bỏ tiền mua đất nhưng hỏi đến giấy tờ mà chủ đất đã cam kết “bao sổ đỏ, bao giấy phép xây dựng” thì lại bị từ chối “tự giải quyết” hay “từ từ rồi sẽ có”.

Nhiều trường hợp người dân biết mình bị lừa, đưa ra tòa giải quyết thì việc mua bán đất lại bị tòa tuyên là vô hiệu, do nguồn gốc của những thửa đất này không thể xác định được theo quy định pháp luật. Có người bị mất trắng khi chủ đất lấy được tiền rồi cao chạy xa bay, hay phải tranh chấp với nhiều chủ sở hữu khác khi chủ đất bán một mảnh đất cho nhiều người. Vì vậy, người dân khi tiếp cận với các hình thức quảng cáo bán đất nền cần hết sức tỉnh táo để tránh “tiền mất tật mang”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang