(CATP) Thay vì di dời, giải tỏa 113 hộ dân để thực hiện dự án (DA) chỉnh trang bờ sông An Cựu và xây dựng công viên, UBND TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại cho một doanh nghiệp (DN) thuê đất kinh doanh quán cà phê, khiến dư luận bất bình.
(CATP) Thay vì di dời, giải tỏa 113 hộ dân để thực hiện dự án (DA) chỉnh trang bờ sông An Cựu và xây dựng công viên, UBND TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại cho một doanh nghiệp (DN) thuê đất kinh doanh quán cà phê, khiến dư luận bất bình.
DI DỜI DÂN VÌ DỰ ÁN
Năm 2011, UBND TP.Huế ra các quyết định thu hồi đất của hàng trăm hộ dân sống dọc bờ sông An Cựu ở các đường Đặng Văn Ngữ, Hải Triều, phường An Đông để thực hiện DA chỉnh trang bờ sông An Cựu và xây dựng công viên. Trước đó, chính quyền tổ chức họp dân, phổ biến việc này. Cũng vì mục đích cao cả ấy mà 113 hộ đã chấp nhận di dời đến khu tái định cư Đông Nam Thủy An cách đó 2km, trong khi nhiều hộ vốn định cư lâu dài, công việc ổn định phải chịu nhiều thiệt thòi.
Tháng 4-2014, UBND phường An Đông có tờ trình gửi UBND TP.Huế xin xã hội hóa (do thiếu ngân sách) để xây dựng công viên cây xanh dọc bờ An Cựu với lý do: hiện trạng khu vực giải tỏa nhếch nhác, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, một số hộ có dấu hiệu lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán nhỏ. Và đề xuất hình thức kêu gọi đầu tư xây dựng một số nhà lục giác để kinh doanh cà phê, giải khát... phục vụ nhân dân; trồng thảm cỏ, trưng bày cây cảnh, cây xanh tạo không gian xanh đô thị. UBND TP.Huế đồng ý.
Khu nhà rường cùng nhiều hạng mục mà Công ty An Đông xây trên khu đất đã giải tỏa 113 hộ vẫn chưa có giấy phép
Ngày 22-1-2015, UBND phường An Đông và Công ty TNHH MTV sinh vật cảnh An Đông (gọi tắt là Cty An Đông) ký hợp đồng hợp tác khai thác khu đất dọc bờ An Cựu. Theo đó, UBND phường An Đông giao toàn bộ mặt bằng khu đất rộng 9.000m2 (bao gồm cả hạ tầng và cây xanh hiện có) nằm dọc bờ sông An Cựu, phía đường Đặng Văn Ngữ đến cống Phát Lát cho Cty An Đông thực hiện DA và khai thác dịch vụ. Tháng 2-2015, Cty An Đông xây dựng các công trình trên phần đất được thuê, trong đó có khu nhà rường 2 tầng.
Người dân thuộc diện di dời, giải tỏa rất bức xúc khi biết chuyện này: “Chúng tôi chấp hành chủ trương của Nhà nước để xây dựng công trình công cộng phục vụ dân sinh, chứ không phải để DN thuê kinh doanh. Người dân đến công viên mà không mua hàng của họ liệu có thoải mái vui chơi ở công viên không?”.
LỘ THÊM SAI PHẠM
Kinh phí di dời, giải tỏa là 38 tỷ đồng, do UBND tỉnh cấp. Cty An Đông thuê toàn bộ khu đất giá 40 triệu đồng/năm, trong khi đường đi ở khu tái định cư cho các hộ phải di dời vẫn chưa hoàn tất do thiếu kinh phí. Người dân cho rằng, chính quyền địa phương đã quá ưu ái cho DN và như thế gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đình Nghị - Chủ tịch UBND phường An Đông, Cty An Đông được thuê đất trong thời hạn 20 năm. Nếu hết thời hạn hợp tác, Cty có nhu cầu tiếp tục hợp tác để khai thác sử dụng đúng mục đích và trong điều kiện cho phép thì phường sẽ xem xét ưu tiên, chấp thuận gia hạn theo từng kỳ (5 năm một lần) với đơn giá mới do 2 bên thỏa thuận.
Kinh phí ban đầu xây dựng công trình của Cty An Đông là 6,5 tỷ đồng, hiện đã tăng lên do một số phát sinh. Lãnh đạo UBND phường An Đông hứa sau khi công trình của DN hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, người dân vẫn có quyền đến công viên vui chơi, dạo mát, tập thể dục... chứ không ép sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, người dân cho rằng công trình này là của DN bỏ ra xây dựng nhằm kinh doanh nên người dân rất khó vào.
Nghiêm trọng hơn, các công trình kiên cố ở khu đất trên, trong đó có khu nhà rường 2 tầng đồ sộ và nhiều hạng mục khác được thi công rầm rộ nhưng vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Mặt khác, khu nhà rường này rất cao, che khuất tầm nhìn của nhiều hộ sống dọc hai bờ sông An Cựu thuộc diện chưa phải di dời.
Lãnh đạo UBND phường An Đông lý giải: “Vì UBND thành phố đã thống nhất chủ trương rồi, nên phường cho DN thi công để đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa, sau đó sẽ hoàn tất giấy phép xây dựng”.
Trước phản ánh của dư luận, ông Phan Ngọc Thọ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã yêu cầu UBND TP.Huế kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý. Ngày 9-4, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP.Huế - cho biết, bận họp cả ngày và hướng dẫn chúng tôi đến làm việc với ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND TP.Huế. Tuy nhiên phòng ông này đóng cửa. Qua điện thoại, ông Minh nói đang bận họp rồi cúp máy.
HOÀNG QUÂN