Bi hài chuyện 'siêu sở' bị lừa hàng chục tỷ đồng

Thứ Bảy, 02/07/2016 16:40  | Ngọc Hà

|

(CAO) Được giao việc mua sắm thiết bị phục vụ hai trạm quan trắc với số tiền 29 tỷ đồng, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk bị một doanh nghiệp tại Hà Nội “lừa một vố đau”. Thiết bị mua về không đồng bộ, không đúng nhãn mác, xuất xứ, không thể sử dụng suốt mấy năm, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

Một công trình xây dựng khác, “siêu sở” này cũng bị một doanh nghiệp “lừa” lấy mất 2 tỷ đồng đến khó tin. Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Bị lừa như… chuyện hài!

Tháng 10-2011, từ tờ trình ở cấp tham mưu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đắk Lắk được UBND tỉnh này giao làm chủ đầu tư mua sắm trang thiết bị lắp đặt cho 2 trạm quan trắc Khí tự động di động và Nước tự động di động với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường của tỉnh, giao Trung tâm quan trắc và phát triển môi trường của Sở quản lý, vận hành. Đầu năm 2013, Sở TN&MT tổ chức đấu thầu công khai, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế - Hà Nội (số 69, Tuệ Tĩnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) trúng thầu.

Hợp đồng thỏa thuận, Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ hàng hóa, máy móc thiết bị của gói thầu do nhà sản xuất MCZ của Đức sản xuất. Đến ngày 28-11-2013, phía Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế mới chỉ giao 44/59 bộ phận thuộc thiết bị phục vụ cho 2 trạm quan trắc. Rõ ràng là chưa đầy đủ nhưng Sở TN&MT Đắk Lắk chấp thuận cùng ký vào bản hợp đồng nghiệm thu thanh toán, chi trả cho bên cung cấp thiết bị số tiền 16,5 tỷ đồng.

Sở TN&MT – cơ quan “xài sang” mua tài sản cả chục tỷ về “đắp chiếu” một chỗ, nhiều năm trời

Việc cung cấp thiết bị tới đây chẳng hiểu sao ngưng lại. Suốt gần 3 năm qua, số máy móc thiết bị mua về nằm… án binh bất động trong kho, phần để phơi nắng phơi mưa do không thể đưa vào sử dụng. Kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk mới đây cho thấy: qua kiểm tra 44/59 bộ phận thuộc thiết bị bàn giao cho 2 trạm quan trắc, chỉ có 6/44 thiết bị đúng nhãn mác, 22/44 thiết bị không đúng nhãn mác và 12/44 thiết bị không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, 1 thiết bị chưa được lắp đặt và phụ tùng kèm theo cho 1 trạm thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, 2 xe ôtô phục vụ công tác chở trạm quan trắc cũng không đúng theo hợp đồng. Vì việc này, gần 3 năm qua, 2 trạm quan trắc vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu thiết bị và không đồng bộ. Hơn 16 tỷ đồng tiền của nhà nước sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí suốt mấy năm nay.

Phía sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến đơn vị cung cấp trang thiết bị sớm khắc phục những thiếu sót và bên bán 2 lần mời chuyên gia từ Đức qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Bên bán cũng chưa giao catalo hướng dẫn sử dụng các thiết bị, máy móc trên bằng tiếng Việt nên cán bộ sở… chịu thua.

Trả lời báo chí, vì sao trang thiết bị còn thiếu và không đồng bộ nhưng phía Sở vẫn thanh toán tiền cho bên bán?. Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Việc đàm phán, ký hợp đồng mua sắm các thiết bị trên do ông giám đốc tiền nhiệm thực hiện. Do tin tưởng vào hồ sơ trước đó và nghĩ đối tác là công ty lớn, có uy tín nên khi về giữ chức giám đốc Sở (từ tháng 4-2013), tôi chỉ ký nghiệm thu. Khi xảy ra việc máy móc không đồng bộ, tôi gửi công văn yêu cầu đối tác khắc phục, thời hạn đến hết tháng 5-2016. Đến nay, họ vẫn chưa khắc phục hết các vấn đề, máy móc vẫn không vận hành được. Giải pháp của Sở là làm công văn trình UBND tỉnh cho phép trả lại các thiết bị mua”.

Ngoài vụ việc bị lừa đến mức khó chấp nhận như trên, vào năm 2013, Sở TN&MT Đắk Lắk cũng bị một doanh nghiệp khác lừa lấy mất 2 tỷ đồng. Theo đó, tháng 10-2012, UBND tỉnh giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ suối Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông). Dự án được triển khai từ năm 2013 với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng. Công trình được chia làm 4 gói thầu, trong đó Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu (số 12, ngách 29/12 Khương Hạ mới, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trúng gói thầu số 3 (đoạn Km2+00 – Km3+00) với tổng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian tham gia đấu thầu, công ty này bảo đảm dự thầu bằng 2 chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội, số tiền 2 tỷ đồng theo quy định. Nhờ đó, sau khi ký hợp đồng số 09/2014 ngày 30-5-2014, Công ty Sông Hậu tạm ứng trước 2 tỷ đồng kinh phí xây dựng. Nhưng suốt hơn 1 năm, công ty này bỏ gói thầu, không tiến hành thi công. Trước việc này, tháng 7-2015, Sở TN&MT gửi 2 công văn đôn đốc Công ty Sông Hậu triển khai thi công nhưng công ty này vẫn không hợp tác.

Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở TN&MT tiến hành chấm dứt hợp đồng với Công ty Sông Hậu và thay thế nhà thầu khác. Để thu hồi số tiền 2 tỷ đồng do Công ty Sông Hậu tạm ứng, ngày 18-8-2015, Sở này có văn bản gửi BIDV Chi nhánh Hà Nội đề nghị thu hồi tiền tạm ứng gói thầu số 3 theo 2 chứng thư bảo lãnh. Lúc này, Sở TN&MT mới “vỡ lẽ” khi BIDV Chi nhánh Hà Nội cho biết: “Hai chứng thư bảo lãnh hợp đồng của Công ty Sông Hậu giả mạo chữ ký và con dấu của ngân hàng nên không có giá trị thanh toán”.

Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Quá trình thực hiện dự án, Sở thuê Công ty Tư vấn Xây dựng Đắk Lắk làm đơn vị tư vấn, quản lý và đấu thầu. Do đối tác chủ động làm giả giấy tờ nên Sở không kịp phát hiện sớm. “Việc này đúng là ngoài khả năng kiểm soát, tôi không nghĩ lại xảy ra trường hợp thế này. Cuối tháng 12-2015, Sở có Công văn số 1844 gửi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị điều tra, làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ, nhưng đến nay chưa có kết quả”.

Có đòi được tiền?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Chiều ngày 28-6-2016, một cán bộ Phòng CSĐT cho biết: “Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi cơ quan CSĐT, cho rằng: Hợp đồng ký kết thực hiện gói thầu xây dựng công trình giữa nhà đầu tư với Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu, thời gian đến năm 2017. Dù vậy, vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ”. Vị cán bộ còn cho biết, đơn vị cử cán bộ ra Hà Nội làm việc với Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu.

Liên quan đến vụ việc, chúng tôi phỏng vấn Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh (trụ sở tại TP.HCM).

PV: Thưa LS, ông đánh giá thế nào về vụ việc xảy ra tại Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk? Theo ông, việc Sở này đưa ra giải pháp trả lại máy móc, trang thiết bị cho bên cung cấp để lấy lại tiền có khả thi không? Nếu không khả thi, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc gây lãng phí nguồn tiền này?

LS Nguyễn Đức Chánh: Với tư cách đại diện nhà nước, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT khi ký kết hợp đồng mua tài sản công phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo nguồn tài sản nhà nước. Ông Lam không thể nói tin tưởng vào người tiền nhiệm hay tin tưởng bên bán… mà phải có trách nhiệm xem xét hoặc nhờ cơ quan chuyên môn thẩm định tài sản là đúng, là tốt, chất lượng, đảm bảo để sử dụng. Do không làm được việc này, dẫn đến tài sản mua mà không sử dụng được.

Việc trả lại trang thiết bị để nhận lại tiền có kết quả hay không thì cần xem hợp đồng có việc giao kết hai bên, thỏa thuận về chất lượng, chủng loại hàng hóa… thế nào. Nếu một trong hai bên vi phạm, có thỏa thuận chế tài ra sao. Theo quy định, bắt buộc người đại diện nhà nước phải mua được, lấy được hàng hóa đúng tiêu chí đưa ra, đúng chức năng. Trường hợp hàng hóa, thiết bị không phục vụ cho công việc được, cần phải quy trách nhiệm người lấy, mua hàng. Trách nhiệm của anh là gì? Là phải ký hợp đồng có lợi nhất, đảm bảo lợi ích của nhà nước, của người dân một cách tốt nhất. Tôi cho rằng, người đại diện nhà nước mua hàng hóa không thể sử dụng được như trên, có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, tùy vào mức độ nặng, nhẹ để có biện pháp xử lý, giải quyết hậu quả phù hợp.

PV: Thưa LS, với diễn biến nêu trên, Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hậu có vi phạm pháp luật không?

LS Nguyễn Đức Chánh: Trước hết, cơ quan tiến hành tố tụng Đắk Lắk cần trưng cầu giám định hai chứng thư bảo lãnh mà BIDV Hà Nội xác định là giả. Trường hợp có kết luận là giả, hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức theo điều 267 BLHS đã rõ. Cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án với tội danh đã rõ này. Từ đó tiếp tục điều tra, xem việc làm giả tài liệu, con dấu nhằm mục đích gì? Có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu phát hiện có tội lừa đảo thì bổ sung hoặc thay đổi tội danh.

Theo quy định của Luật tố tụng, kể từ thời điểm có tin tố giác, đơn trình báo, không quá 2 tháng, cơ quan tiến hành tố tụng phải có văn bản trả lời kết quả điều tra, có dấu hiệu tội phạm hay không? Nếu quá hai tháng vẫn không có văn bản trả lời thì cơ quan này vi phạm Luật tố tụng. Rất tiếc, lâu nay vẫn thường xảy ra tình trạng này. Cần nói thêm rằng, việc quy định thời hạn này là cần thiết, vụ việc cần được nhanh chóng xác minh, điều tra, để ngăn chặn hành vi tiếp theo, tương tự (nếu có) của cá nhân, tổ chức bị tố giác có dấu hiệu tội phạm; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hạn chế hậu quả; sớm “giải oan” cho đối tượng bị tình nghi.

Trường hợp 2 thư bảo lãnh trên được cơ quan chức năng xác định là giả, Công ty xây dựng đã dùng hành vi gian dối để lừa đảo chiếm đoat tài sản. Mục đích của việc làm giả tài liệu, con dấu để người ta tin rằng mình có đủ năng lực tài chính để đấu thầu, để xây dựng, dẫn đến được tin tưởng, chuyển tiền. Trong khi công ty này thừa biết mình không đủ năng lực.

Xin trân trọng cảm ơn LS!

Bình luận (0)

Lên đầu trang