Buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Tư, 05/05/2021 10:37

|

(CATP) Lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã "hô biến" các tàu, hầm chứa cá, nước đá... thành các khoang chứa xăng dầu với số lượng "khủng" nhằm trục lợi, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Theo nhận định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tình trạng vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển có chiều hướng gia tăng dịp cuối năm.

Xăng dầu "chảy" ra nước ngoài

Lúc 4 giờ 30 ngày 4-5, tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 kiểm tra tàu vỏ sắt chở dầu không số hiệu có biểu hiện nghi vấn. Tàu chở dầu gồm 2 thuyền viên do ông Phạm Văn Hanh (48 tuổi, quê xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) làm thuyền trưởng, phát hiện khoảng 25.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hanh không xuất trình được các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên tàu, không xuất trình được hồ sơ phương tiện.

Theo khai báo, số dầu trên được tàu mua trôi nổi ở khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình, khi đang trên đường vận chuyển về khu vực cảng Hải Phòng để tiêu thụ thì bị lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản ban đầu, đưa tàu về neo đậu an toàn tại khu vực bến Gót (huyện Cát Hải) để ra quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa và tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lập biên bản vi phạm hành chính tàu TG-93798-TS

Nói về tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, một cán bộ có thâm niên trong hoạt động chống tội phạm ở lĩnh vực này cho biết, đối tượng lợi dụng vùng biển rộng, thường sang mạn, mua bán xăng dầu tại các vị trí đã hẹn trước là ngoài đường cơ sở, lãnh hải nên khó bị phát hiện, bắt giữ. Những trường hợp bắt được cũng khó xử lý hình sự do quy định bất cập của luật. Ngoài ra, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa thường không mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì họ đối phó bằng cách hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn để hợp thức hóa lô hàng.

Trước đó, ngày 27-4, tại khu vực vùng biển phía Đông Nam đảo Côn Đảo khoảng 75 hải lý, Tổ công tác BTL Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá BS: TG-93798-TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã phát tín hiệu dừng tàu. Tuy nhiên, tàu này không chấp hành theo hiệu lệnh và còn tiếp tục bỏ chạy. Tổ công tác đã tiến hành truy đuổi, đến 20 giờ 30 cùng ngày mới yêu cầu tàu dừng lại được để kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Ngô Minh Trung (SN 1978, quê Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Theo lời khai của thuyền trưởng, trên tàu đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO và không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số dầu trên. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 (thị trấn Năm Căn, Cà Mau) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm giữ tàu chở 25.000 lít dầu DO không nguồn gốc

Tương tự, cũng trên vùng biển Côn Đảo, lúc 13 giờ 20 ngày 13-3, Tổ tuần tra tàu BP 13-19-01, Hải đội biên phòng 2 phối hợp với Đồn biên phòng Côn Đảo và Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tàu cá ST 92627 TS, do Lê Thanh Tú (29 tuổi, quê Kiên Giang) làm thuyền trưởng có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Thế nhưng thuyền trưởng không chấp hành hiệu lệnh và bỏ chạy, buộc lực lượng chức năng phải truy đuổi và liên tục nổ súng chỉ thiên cảnh báo.

Đến 14 giờ cùng ngày, tổ tuần tra tiếp cận được tàu cá này. Qua kiểm tra, tàu cá đang vận chuyển khoảng 3.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng Tú không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số dầu này. Tổ tuần tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng Tú về hành vi vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ngoài ra, ông Tú không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không chấp hành kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền...

Lúc 15 giờ ngày 8-3, tổ tuần tra trên tàu BP 13-19-01 phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tàu cá Bến Tre mang BS: BT 99889 TS đang hành trình trên biển, cách Côn Đảo 61 hải lý có biểu hiện nghi vấn nên phát tín hiệu dừng lại để kiểm tra. Lúc này, trên tàu có 5 người do ông Nguyễn Văn Trí (37 tuổi, quê Kiên Giang) làm thuyền trưởng đang vận chuyển 180.000 lít dầu DO, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của dầu. Ông Trí cũng không xuất trình được văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tổ tuần tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trí về hành vi vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; áp giải tàu cá về Côn Đảo để phục vụ công tác điều tra.

Một tàu nước ngoài chở lượng lớn dầu không nguồn gốc.

Chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"

Trước diễn biến của dịch Covid-19, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, đặc biệt là tình hình vận chuyển, buôn lậu xăng dầu có những diễn biến phức tạp, hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh. Trong đó, các tàu nghi vận chuyển hàng hóa trái phép có nguồn gốc nước ngoài luôn thường trực nguy cơ xâm phạm vùng biển Việt Nam để sang mạn trái phép hàng hóa.

Từ cuối năm 2020, tình hình buôn lậu xăng dầu trên một số vùng biển ở nước ta có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Tình trạng các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến ở tuyến biển này. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng.

Dự báo năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm được xác định sẽ có nhiều khó khăn khi tội phạm sử dụng phương thức, thủ đoạn đa dạng, hoạt động tinh vi trên nền thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động này ngày càng có tính chuyên nghiệp. Các đối tượng thường lắp đặt những thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đồng thời, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá.

Ngày 6-12-2020, tại vùng biển về phía Tây Nam Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 40 hải lý, lực lượng chức năng kiểm tra tàu cá có biểu hiện khả nghi. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 5 thuyền viên cùng khoảng 100m³ dầu DO đang được chứa trong khoang tàu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ tàu thừa nhận tàu ra khơi không phải để đánh bắt cá, mà chở dầu đem bán cho các phương tiện khác lấy lãi. Tương tự lực lượng chức năng cũng phát hiện phương tiện tàu cá mang số hiệu TG 90959TS tại Sóc Trăng không đánh bắt thủy sản nhưng 5 hầm chứa cá đã bị biến thành 5 hầm chứa chất tinh thể lỏng nghi là dầu DO và 2 bộ dụng cụ sang chiết dầu.

Theo đại diện Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa thường không mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu của lô hàng để hợp thức hóa lô hàng.

Các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận dầu, tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận dầu diễn ra trên biển nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" nên khi bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý vấn đề gặp nhiều khó khăn.

Để đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển, đặc biệt đối với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển

Bình luận (0)

Lên đầu trang