Cần các biện pháp kỹ thuật để chống lại việc tránh thuế trong quan hệ thương mại

Thứ Hai, 08/11/2021 07:38

|

(CAO) Trong cơ cấu công nghiệp nước ta, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến không ngừng tăng và chiếm tỷ trọng rất lớn, vì có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú. Thế mạnh trong sản xuất công nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, như: diệt may, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản…

Phát triển sản xuất, chế biến trong nước không chỉ giúp chúng ta chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn làm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, thay vì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thô, với giá trị thấp; điều này cũng nhằm thực hiện công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt qua các kỳ đại hội.

TPHCM đang đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cát Lái. Ảnh: T.H

Giờ đây, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế thế giới thông qua nhiều cơ chế, giao kết khác nhau, như: WTO, EVFTA, CPTPP… và sắp tới là RCEP (có hiệu lực từ tháng 1-2022).

Bên cạnh những lợi ích trong xuất khẩu sản phẩm, các doanh nghiệp và nền sản xuất công nghiệp trong nước vẫn còn không ít khó khăn. Đặc biệt là việc phải cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất nước ngoài, trong khi nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn còn non trẻ, cần được bảo vệ và tạo cơ chế thuận lợi để phát triển.

Ngoài ra, trong quan hệ thương mại quốc tế cũng có không ít “chiêu trò”, cạnh tranh thiếu lành mạnh, với toan tính “bóp nghẹt” các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nếu chúng ta không có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời. Trong những năm vừa qua, một số vụ việc xảy ra liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau, như: mía đường, thép, phân bón, sợi…, hay gần đây là sản phẩm sorbitol.

Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương ngoài việc việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại hợp lý, như: áp thuế chống bán phá giá… như hiện nay để thiết thực bảo vệ và phát triển nền sản xuất trong nước, nhất là công nghiệp chế biến sâu về nông sản, cần phải xây dựng những “biện pháp kỹ thuật” khác để xử lý các chiêu trò lách luật, tránh thuế đa dạng của nhà xuất khẩu nước ngoài cũng như doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu trong nước. Ngăn chặn họ làm tổn hại đến các nhà sản xuất trong nước hoặc tìm cách từng bước thâu tóm thị trường rồi sau đó tăng giá vô lý.

Đơn cử, việc áp thuế bán phá giá hiện nay thường áp đối với những mặt hàng cụ thể như một số quốc gia, nhưng các doanh nghiệp thương mại ngay lập tức chuyển sang lấy mặt hàng tương tự từ một quốc gia khác để tránh thuế.

Đại dịch Covid-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp không chỉ ở nước ta mà cả ở các nước khác, nền kinh tế thế giới không thể phục hồi trong thời gian ngắn.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đối mặt với nhiều khó khăn khi phải vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch, dễ rơi vào tình trạng quá tải, “hụt hơi” nếu không được nhà nước hỗ trợ kịp thời, trước mắt là từng bước phục hồi sản xuất trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần phát triển kinh tế nội địa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang