San lấp hơn 5.000m3 khoáng sản trái phép
Ngày 4-11, ông Nguyễn Văn Diên (Chủ tịch UBND huyện Mang Thít) đã ký báo cáo số 194/BC-UBND về việc ông Nguyễn Văn Lịch bơm hút vật liệu san lấp tại khu vực sông Cổ Chiên (thuộc ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít).
Theo nội dung công văn do Chủ tịch huyện Mang Thít ký, căn cứ công văn số 3507/STNMT ngày 13-10-2021 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Long về việc sớm xử lý trường hợp của ông Nguyễn Văn Lịch. Theo UBND huyện Mang Thít, sau khi Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận đơn tố giác về việc hút cát sông của tập thể các hộ dân tại xã Mỹ An đối với dự án nêu trên thì đã giao cho Thanh tra Sở xem xét, giải quyết.
Ngày 19-5-2021, Thanh tra Sở TN&MT Vĩnh Long đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Mang Thít, Long Hồ và UBND xã Mỹ An tiến hành khảo sát khu vực phần đất ông Nguyễn Văn Lịch thuê. Kết quả kiểm tra có 1 xáng đang hoạt động bơm hút cát từ lòng sông Cổ Chiên lên phần đất của ông Lịch thuê.
Qua làm việc, ông Lịch cho biết việc thực hiện dùng xáng hút bơm bùn, đất, cát từ lòng sông Cổ Chiên lên phần đất thuê để đắp bờ ao chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (với tổng khối lượng khoảng 1.000m3). Tại biên bản làm việc ngày 28-5, ông Lịch cam kết nếu còn vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phương tiện bơm cát trái phép trên sông Cổ Chiên vào dự án.
Dù bị lập biên bản nhưng sau đó việc bơm hút bùn, cát vẫn tiếp tục diễn ra và bị người dân phản ánh. Ngày 2-6, Thanh tra Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với Phòng TN&MT Mang Thít, UBND xã Mỹ An và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Vĩnh Long tiến hành khảo sát, đo đạc lại phần đất thi công bơm hút bùn, đất, cát của ông Lịch thuê. Kết quả đo đạc, phần bùn, đất, cát ông Lịch bơm san lấp đê bao hơn 5.200m3.
Ngày 23-6, Sở TN&MT Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít, UBND xã Mỹ An tổ chức cuộc họp để trao đổi, thống nhất hướng xử lý đối với ông Lịch. Sau khi có ý kiến phản hồi của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, UBND huyện Mang Thít chưa xem xét, xử lý việc bơm hút bùn, đất, cát từ lòng sông Cổ Chiên lên đê bao của ông Lịch do tỉnh Vĩnh Long thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Coid-19.
Hơn 5.000m3 khoáng sản được san lấp trái phép.
Đến ngày 15-10, UBND huyện Mang Thít có tổ chức cuộc họp với đại diện Sở TN&MT, UBND xã Mỹ An để bàn bạc, xem xét vi phạm của ông Lịch. Tuy nhiên, cuộc họp nêu trên phải đình lại, với lý do có một số thành phần tham dự cuộc họp tiếp xúc với F1.
Do đó, UBND huyện Mang Thít tiếp tục chỉ đạo Công an huyện, Phòng TN&MT phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thực hiện việc thu mẫu vật liệu san lấp nghi là khoáng sản để gửi đi giám định. Sau khi có kết quả, UBND huyện Mang Thít sẽ xem xét, lý theo 2 phương án.
Một là nếu trường hợp kết quả trưng cầu giám định mẫu không phải là cát sỏi lòng sông thì áp dụng mức phạt tiền từ 40-50 triệu đồng; áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền, tịch thu phương tiện vi phạm và thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Hai là nếu trường hợp kết quả giám định mẫu là cát thì xử phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng, tịch thu phương tiện…
Nhiều hệ luỵ cho khu vực xung quanh
Liên quan đến dự án này, ngày 30-9-2021, UBND xã Mỹ An tiến hành hoà giải về việc ông Ngô Thành Khoảnh phản ánh việc ông Lịch thi công dự án khiến cá nuôi trong ao bị chết 4 đợt (từ ngày 9-8 đến 30-9) với số lượng là 52.910 con, thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Theo biên bản ông Khoảnh đề nghị ông Lịch bồi thường số tiền trên bởi do bơm cát làm nước đục cá chết. Tại buổi làm việc này, ông Lịch cho rằng bơm cát có chừa ống bọng để ông Khoảnh lấy nước vô ao cá, chỉ thi công phần đất thuê, không có liên quan (?!). Việc thương lượng không thành nên UBND xã Mỹ An đã chuyển hồ sơ đến cơ quan có liên quan giải quyết.
Cá chết trắng ao
Như Báo Công an TPHCM thông tin, tháng 6-2007, UBND huyện Mang Thít ban hành quyết định số 778/QĐ-UBND về việc cho ông Nguyễn Văn Lịch thuê 65.781m2đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản tại ấp An Hương 1, xã Mỹ An. Địa điểm tiếp giáp sông Cổ Chiên, cập mé sông hướng ra ngoài khơi 145m. Thời hạn thuê đất là 20 năm (từ 2007 – 2027), với giá 75 đồng/m2/năm, với hình thức nộp tiền hàng năm. Sau khi được thuê đất, ông Lịch không triển khai dự án ngay.
Tháng 2-2015 (sau 8 năm được thuê đất), Sở TN&MT ban hành kết luận số 277/KL-STNMT kết luận kiểm tra phần đất do ông Lịch quản lý với kiến nghị UBND huyện Mang Thít thông báo cho Lịch biết và phải có văn bản xin gia hạn thời gian thực hiện dự án theo qui định tại điểm I, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Nếu quá 30 ngày kể từ ngày thông báo mà ông Lịch không thực hiện thì lập thủ tục thu hồi giao cho UBND xã Mỹ An quản lý. Sau đó ông Lịch không có đơn xin gia hạn triển khai dự án.
Thay vì thu hồi dự án theo quy định thì bất ngờ vào năm 2019 dự án lại được triển khai, khiến cho nhiều người dân địa phương, hộ nuôi cá và nhà máy sản xuất khu vực xung quanh mất ăn mất ngủ.
Ông Đặng Văn On (Giám đốc Công ty TNHH MTV On Oanh) trình bày: Ông có diện tích trên 21.000m2, chiều dài cặp mé sông 300m ở ấp An Hương 1, xã Mỹ An.
Đầu năm 2014, công ty có triển khai dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất phân bón vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hat”. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 91 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (Quỹ Đổi mới khoa học - công nghệ Quốc gia) là hơn 20,2 tỷ đồng. Dự án được UBND, HĐND tỉnh Vĩnh Long thống nhất và thông qua.
Ngày 30-12-2014 UBND tỉnh Vĩnh Long ra 2 quyết định đồng ý cho Công ty On Oanh thuê gần 8.000m2 đất tại tuyến công nghiệp Cổ Chiên (thuộc xã Mỹ An) để thực hiện dự án. Ngày 30-6-2015, Công ty On Oanh nhận được giấy chứng nhận đầu tư số: 54121000090 do UBND tỉnh Vĩnh Long cấp và tiến hành triển khai thực hiện dự án.
Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11-2015 đến tháng 12-2018): Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón, với vốn thực hiện là 72,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 16,2 tỷ đồng. Diện tích mặt bằng là 15.356m2. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 đến tháng 12-2019): Xây dựng kho chứa nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất phân bón.
Đầu năm 2019, khi Công ty On Oanh chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của dự án là xây dựng kho chứa nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất phân bón trên 2 thửa đất diện tích 4.020m2 và 2.294m2. Lúc này, ông Nguyễn Văn Lịch mang sà lan, cần cẩu đến đóng cọc bê tông, san lấp phần mặt nước thuộc khu vực bến thủy nội địa của Công ty On Oanhh đã được cấp phép.
Theo ông On, điều này khiến nguồn nguyên liệu nhập về không đủ cho nhà máy hoạt động liên tục do chưa có kho chứa nguyên liệu. Từ đó giá thành sản xuất tăng lên rất nhiều. Nếu Công ty tiến hành xây dựng kho chứa nguyên liệu trên 2 thửa đất trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi không có bến sông để xuất nhập hàng hóa. Như vậy, dự án cấp tỉnh và được hỗ trợ ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng bởi dự án cấp huyện.
Về dự án này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) nhận định: Dự án này rõ ràng có tính chất là một dự án lấn sông, cản trở dòng chảy, có dấu hiệu vi phạm nhiều luật.
Luật tài nguyên nước. Sông Cổ Chiên là một nhánh chính của sông Cửu Long, được định nghĩa là nguồn nước liên quốc gia và là lưu vực sông liên tỉnh theo Khoản 7, Điều 2 và Khoản 9, Điều 2, Luật Tài nguyên nước.
Hành vi lấn sông, tạo chướng ngại, cản trở thoát lũ, lưu thông nước là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 4, Điều 9, Luật tài nguyên nước. Việc khai thác cát trái phép ở đây cũng là hành vi bị cấm tại Khoản 5, Điều 9 của Luật tài nguyên nước.
Hành vi lấn sông cũng là hành vi cải tạo bãi sông có thể gây ra nguy cơ sạt lở ở vùng lân cận, ảnh hưởng xấu đền sự ổn định bờ, bãi sông vùng lân cận thì phải chịu sự điều chỉnh của Điều 63, Luật Tài nguyên nước. Theo khoản 2, Điều 48, Luật này cũng không cho phép việc khai thác tài nguyên nước phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng không được phép cản trở dòng chảy.
Về Luật Bảo vệ môi trường. Theo Khoản 1, Điều 29, dự án này thuộc nhóm phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường liệt kê tại Mục 3, Khoản 3, Điều 28. Với diện tích dự án lấn sông đến 65.781m2, tức là lớn hơn 1ha thì thuộc diện dự án phải đánh giá tác động môi trường như quy định tại Cột 1, Mục 13, Phục lục II, Nghị định 40/2019/NĐ-CP.
Về Luật phòng chống thiên tai. Hành vi lấn chiếm bãi sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát sỏi, gây sạt lở bờ sông bị nghiêm cấm tại Khoản 4, Điều 12, Luật phòng chống thiên tai.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh: Về mặt tác động, dự án có tính chất lấn sông này làm hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Cổ Chiên. Việc lấn sông cũng làm thay đổi hướng dòng chảy, làm gia tăng sự va đập dòng chảy vào bờ bên kia và đổi hướng dòng chảy ở phía hạ lưu. Trong trường hợp này, Cồn Phú Đa có thể bị đe dọa sạt lở ở phía đầu cồn.
Ngoài ra, hành vi khai thác cát lòng sông trái phép của dự án này làm cho đáy sông sâu hơn và gây gia tăng sạt lở bờ sông. “Tóm lại, vì sông Cổ Chiên là một nhánh chính của sông Cửu Long, một dự án như thế cần phải được xem xét cẩn thận về khía cạnh pháp lý và tác động để không tạo ra một tiền lệ xấu cho hệ thống sông Cửu Long, mạch máu của ĐBSCL”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lưu ý.