Cần làm rõ chất lượng bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Thứ Tư, 22/12/2021 10:36

|

(CATP) Dư luận những ngày qua "dậy sóng" trước thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á - Phan Quốc Việt bị bắt và khởi tố với cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm (XN) Covid-19. Đây là vụ án hình sự lớn liên quan đến công tác phòng chống (PC) dịch. Điều mà dư luận quan tâm là chất lượng bộ kit của Việt Á thế nào mà Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) và Bộ Y tế (YT) phải chịu trách nhiệm chính.

Bộ kit của Công ty Việt Á được sinh ra như thế nào?

Ngoài bắt Phan Quốc Việt, liên quan đến vụ án này, ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) - cũng bị tạm giam do vi phạm hoạt động đấu thầu. Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận gần 30 tỉ đồng "lót tay" từ Phan Quốc Việt.

Ngày 17-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) - Bộ Công an (CA) đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt Cty Việt Á), CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Theo trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ CA, Cơ quan CSĐT của bộ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc bộ thành lập chuyên án điều tra về đường dây vi phạm pháp luật trong sản xuất (SX) - kinh doanh (KD) bộ trang thiết bị YT chẩn đoán In Vitro XN virus SARS-CoV-2 (kit XN Covid-19) xảy ra tại Cty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Bộ CA đã bắt tạm giam 7 bị can liên quan đến cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu - nâng khống giá kit/test xét nghiệm SARS-CoV-2 của Cty Việt Á, trong đó ngoài Phan Quốc Việt, Phạm Duy Tuyến còn có Vũ Đình Hiệp - Phó tổng giám đốc Cty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo - thủ quỹ Cty Việt Á, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo - trợ lý tài chính Cty Việt Á; Trần Thị Hồng - nhân viên kinh doanh Cty Việt Á; Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á - Phan Quốc Việt (ảnh cơ quan CSĐT cung cấp)

Cơ quan CSĐT - Bộ CA đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt cùng các đối tượng thuộc Cty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản ở nhiều địa phương, trong đó có 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến.

Cơ quan CSĐT- Bộ CA cũng đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 tỉnh thành đồng thời triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng liên quan. Đây có thể chỉ là "phát súng đầu tiên" trong vụ án gây rúng động dư luận, liên quan đến công tác PC dịch Covid-19 đang diễn ra ở nước ta.

Điều đáng nói là cho đến nay, Cty Việt Á đã bán bộ kit XN Covid-19 này cho CDC và các cơ sở YT của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu lên đến 4.000 tỷ đồng, tất cả đã đưa vào sử dụng trong công tác PC dịch Covid-19.

Bộ kit của Cty Việt Á bắt đầu từ một "công trình khoa học" được Bộ KHCN phê duyệt ngày 17-2-2020, giao cho Học viện Quân y cùng Cty này thực hiện. Rất nhanh chóng, ngày 3-3-2020 Bộ KHCN - đứng đầu lúc đó là Bộ trưởng Chu Ngọc Anh - đã nghiệm thu đề tài đồng thời đề nghị Bộ YT cấp phép lưu hành và chỉ 1 ngày sau, Bộ YT đã cấp phép.

Phan Quốc Việt từng trả lời báo chí rằng Bộ YT và chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kit XN Covid-19 của Việt Á. Thông tin này không chính xác. Còn thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn bộ kit này cũng là tin giả, bởi vào tháng 10-2020 WHO đã có thông báo nêu rõ kit XN của Việt Á không được chấp thuận ("Not Accepted"), hồ sơ sản phẩm này bị loại vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm YT.

Vậy mà ngày 26-4-2020, website của Bộ KHCN lại thông báo "WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty CP công nghệ Việt Á SX theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00" (!) đồng thời khẳng định "Bộ kit XN Covid-19 của Việt Nam SX vừa được WHO chấp thuận". Chưa hết, Bộ KHCN từng gửi thông cáo báo chí và thông tin chính thức tại các cuộc họp đều khẳng định "WHO đánh giá bộ kit do Cty Việt Á SX theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00". Bộ KHCN cố tình không hiểu EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi công ty đăng ký thẩm định với WHO, chứ không có nghĩa là được công nhận, cấp giấy phép.

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á

Lần cập nhật ngày 9-6-2021, WHO tiếp tục công bố danh sách sản phẩm không được chấp nhận, trong đó có bộ kit XN của Cty Việt Á. Các thông tin nêu trên đã được Bộ KHCNgỡ xuống ngày 20-12 vừa qua.

Ông Trịnh Thanh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ KHCN các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KHCN - thừa nhận với báo chí: "Bộ chưa xem xét kỹ thông tin phản hồi của WHO về bộ kit/test của Cty Việt Á. Thực chất WHO mới chỉ chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng, chứ không phải chấp thuận sử dụng". Ông Hùng cho rằng: "Đây là sơ suất của Bộ KHCN".

Bộ kit của Công ty Việt Á sản xuất hay nhập khẩu rồi "thay tên đổi họ”?

Trong Chương trình "Chuyển động 24h" của VTV1 phát lúc 18 giờ 30 ngày 19-12, người xem bàng hoàng khi thấy "xưởng SX" bé tẹo của Cty Việt Á, với lèo tèo vài lao động phổ thông làm nhiệm vụ "pha chế" để SX các bộ kit XN! Ngay sau thông tin này, dư luận đặt câu hỏi: Vậy bộ kit của Việt Á do họ SX hay nhập khẩu, rồi về "thay tên đổi họ”? Đây cũng là câu hỏi chưa có cơ quan trách nhiệm nào trả lời!

Trong khi đó tháng 4-2020, Cty Việt Á công bố thông tin được Bộ YT cấp phép đăng ký lưu hành kit XN Covid-19 đầu tiên do Việt Nam SX; công ty có năng lực SX khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khả năng gấp 3 - 4 lần khi cần, giá của mỗi bộ kit từ 400.000 - 600.000 đồng.

Ngày 21-12, Bộ YT đã gửi đến các cơ quan báo chí một thông báo khá dài chung quanh vụ kit của Cty Việt Á, trong đó chỉ khẳng định đã thực hiện đúng quy định cấp phép lưu hành sinh phẩm của Việt Á. Bộ YT cho rằng tất cả sản phẩm cấp phép đều được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam, đảm bảo đúng quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định. Cũng theo Bộ YT, các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Còn nhiều câu hỏi, bộ vẫn chưa trả lời, trong đó có việc bộ này giới thiệu giá cho các địa phương nhưng không chịu trách nhiệm.

Dư luận đề nghị Bộ KHCN và Bộ YT công khai tất cả thông tin liên quan đến chất lượng kit XN của Việt Á, do liên quan đến hiệu quả công tác PC dịch Covid-19 hiện nay.

Công ty Việt Á và các cổ đông "bí ẩn"

Công ty Việt Á được thành lập năm 2007, do ông Phan Quốc Việt làm người đại diện pháp luật. Theo hồ sơ đăng ký, công ty có trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, P9Q.Phú Nhuận, TPHCM, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là bán buôn máy móc, thiết bị ngành công nghiệp và môi trường - YT; bán buôn máy móc, thiết bị YT.

Việt Á đã nhiều lần thay đổi đăng ký KD, lần gần đây nhất là lần thứ 6, ngày 11-10-2017. Theo đó, Cty này tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ lên 1.000 tỉ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên 3 cổ đông sáng lập là ông Phan Quốc Việt (10,2% cổ phần), ông Đồng Sỹ Huy (5%) và bà Hồ Thị Thanh Thủy (4,8%). Còn lại 80% (khoảng 800 tỷ đồng vốn điều lệ) là các cổ đông khác góp vốn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ.

Ông Phan Quốc Việt còn là người đại diện pháp luật của Công ty CP y tế Việt Á, thành lập năm 2013, với ngành nghề chính là hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa, phòng XN... Ông này còn là người đại diện một số công ty khác cùng nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành.

Một thông tin rất đáng lưu ý, ông Phan Quốc Việt còn nắm giữ 30% cổ phần và là Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học VinBioCare với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, do Công ty CP Tập đoàn Vingroup thành lập. Tuy nhiên, mới đây ông Phan Quốc Việt đã xin rút, không còn là thành viên góp vốn tại VinBioCare và không còn liên quan đến công ty này. Ngày 31-7-2021, HĐQT VinBioCare đã bổ nhiệm bà Lê Ngọc Chi làm tổng giám đốc mới, thay ông Phan Quốc Việt.

Ngày 21-12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Võ Văn Minh đề nghị kiểm tra, làm rõ việc mua sắm thiết bị y tế giữa CDC Bình Dương và Cty Việt Á. Ngay sau đó, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã làm việc với đơn vị này.

Trụ sở Công ty Việt Á tại Bình Dương

Theo TS-BS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cán bộ nào sai nhẹ thì kỷ luật, chuyển công tác; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ chuyển cơ quan công an vào cuộc điều tra. Thời điểm dịch bùng phát mạnh ở địa phương, Bình Dương liên tục tiến hành XN để kịp thời bóc tách F0, truy vết F1, khoanh vùng dập dịch. Số tiền chi cho hoạt động này rất lớn. CDC Bình Dương là đơn vị được giao tham mưu tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 phục vụ giám sát và kiểm soát dịch bệnh.

Được biết, từ tháng 7 đến tháng 9 (thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Bình Dương), Cty Việt Á đã trúng một số gói thầu cung cấp kit XN cho tỉnh này, với tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng.

Cường Phong 

Bình luận (0)

Lên đầu trang