Cần làm rõ vụ thu hồi 16 chứng thư giám định hàng hóa

Thứ Sáu, 07/01/2022 15:33

|

(CATP) Thời gian qua, tình trạng cấp chứng thư giám định hàng hóa nhập khẩu diễn ra phức tạp, đồng thời việc xử lý không được nghiêm dẫn đến rắc rối và ảnh hưởng đến công tác quản lý của nhiều Bộ ngành, trong đó có Tổng Cục Hải quan.

ỒN ÀO QUANH MỘT QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT

Ngày 3-3-2020, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ (Bộ KHCN) đã ban hành quyết định số 299/QĐ-TĐC xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Qua đó, căn cứ Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa và biên bản của Đoàn thanh tra, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh đã ký quyết định xử phạt công ty Cổ phần dịch vụ và giám định Bảo Minh (Công ty giám định Bảo Minh, có trụ sở tại Q1, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký giám định số 3752/TĐC-HCHQ thời hạn 3 tháng do đã có hành vi “vi phạm không đảm bảo duy trì bộ máy, tổ chức và năng lực bộ máy theo yêu cầu về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa”.

Do liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, chứng thư được cấp là chứng từ thương mại cần thiết để nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Mục đích của chứng thư trưng cầu giám định cho thấy hàng hóa trong lô hàng đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận rằng phù hợp với các điều khoản ghi trên hợp đồng mua bán… nên theo quy định, khi thực hiện quyết định xử phạt trên, Công ty Bảo Minh cần phải thu hồi các chứng thư đã cấp cho khách hàng đồng thời phải gửi thông báo cho các đơn vị có liên quan như: Vụ đánh giá thẩm định công nghệ (Bộ KHCN), Tổng cục Hải quan, các chi Cục hải quan nơi doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký tờ khai và thông quan hàng hóa. Đặc biệt, khi chứng thư bị thu hồi, doanh nghiệp nhập khẩu không được đưa ra thị trường mà phải lưu kho và báo cáo cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo tìm hiểu của phóng viên, sau gần 2 năm bị ban hành quyết định xử phạt trên, một số đơn vị (trong đó có Hải quan TP) vẫn chưa nhận được thông báo cũng như thông tin về việc Công ty Bảo Minh bị buộc thu hồi 16 chứng thư đã cấp cho các nhà nhập khẩu trước đó.

Để nhập khẩu hàng máy móc đã qua sử dụng cần phải có sự tham gia của đơn vị giám định

Theo Chi cục hải quan KV1 (đơn vị có 4 trong số 16 chứng thư của Bảo Minh bị yêu cầu thu hồi): "Cho đến nay, Hải quan KV1 vẫn chưa nhận được thông tin về việc thu hồi chứng thư của công ty giám định Bảo Minh. Việc xử lý hậu quả của hủy những chứng thư này vô cùng khó khăn vì hàng đã thông quan DN đã tiêu thụ. Nếu có nhận thông báo hủy chứng thư của Cty Bảo Minh thì đơn vị cũng làm văn bản báo cáo cấp trên có hướng dẫn chỉ đạo xử lý".

Cũng cần nói rõ thêm rằng, theo điều 15 của QĐ số 18/2019/QĐ-T-Tg, ngoài việc phải báo cáo cho Vụ đánh giá, thẩm định công nghệ (Bộ KHCN), định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu, lập báo cáo tình hình giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng và gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều này có liên quan đến giá trị và xem xét đủ điều kiện để được tiếp tục chỉ định giám định nữa hay không?

CÓ HAY KHÔNG SỰ DUNG TÚNG CHO SAI PHẠM?

Công ty giám định Bảo Minh được Sở KHĐT TP Hồ Chí Minh cấp ngày 24-10-2019, có trụ sở tại số 85 Hoàng Sa (P. Đa Kao, Q1), do ông Hoàng Đức Tri làm đại diện pháp luật. Được Tổng cục đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định ngày 22-11-2019. Ngay từ thời gian đầu thành lập, đơn vị này đã bị công ty I. báo cáo về việc “giả mạo hồ sơ năng lực giám định viên trong hồ sơ xin chỉ định giám định máy móc, thiết bị”.

Theo đó, để đủ điều kiện đăng ký chứng nhận hoạt động giám định tại Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và xin đăng ký chỉ định giám định tại Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Vụ ĐTG), công ty Bảo Minh đã sử dụng hồ sơ hai giám định viên Phạm Trọng Nhật và Hà Phạm Long (vốn đang là nhân viên giám định của Công ty I.) đăng ký là nhân viên giám định công ty mình. Ngày 16-12-2019, công ty I. đã khiếu nại sự việc trên với Vụ ĐGT.

Ông Phạm Trọng Nhật (một trong hai giám định viên được Công ty Bảo Minh sử dụng hồ sơ đăng ký với Vụ ĐTG) tường trình: “Khi được ông Hoàng Đức Tri (thời điểm trên là giám đốc điều hành của công ty I) đề nghị ký tên vào hợp đồng lao động với công ty Bảo Minh, do nghĩ đây là chiến lược của công ty I nên tôi ký. Buổi chiều cùng ngày, ông Tri tiếp tục gọi đến nhà để ký đơn xin nghĩ việc tại công ty I. Biết sự việc không đúng nên tôi không đến như yêu cầu của ông Tri”.

Ông Nhật khẳng định: “Bất kỳ giấy tờ, hồ sơ của công ty Bảo Minh có chữ ký của tôi trước ngày 19-12-2019 là hoàn toàn giả mạo”. Ngoài ra, Công ty I. còn trưng ra bằng chứng là bảng lương của hai của ông Nhân và Long. Dù nhận được khiếu nại về vụ việc trên nhưng ông Đặng Đình Tùng (Phó vụ trưởng vụ đánh giá thẩm định công nghệ) đã ký văn bản phản hồi rằng “sẽ lưu ý…” và sau đó, phúc đáp tiếp khiếu nại của công ty I., vụ KHCN đẩy sự việc trên thành “tranh chấp về lao động giữa 2 công ty và đề nghị giải quyết tranh chấp qua Tòa án.

Phải chăng với việc chuẩn y hồ sơ chỉ định giám định một cách dễ dãi theo kiểu trên và sau đó là giải quyết hậu quả một cách thiếu kiên quyết của Vụ ĐTG đã góp phần gây khó khăn cho công tác xử lý, giải quyết những trường hợp bị thu hồi chứng thư mà vụ việc công ty giám định Bảo Minh là trường hợp điển hình.

Thiết nghĩ đã đế lúc các Bộ ngành cần xem lại tình trạng cấp chứng thư vì cho đến thời điểm này hoạt động trên vẫn chưa được đưa lên cổng thông tin 1 cửa của quốc gia. Vì thế, việc quản lý là không thể kiểm soát, có thể tạo kẽ hở để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang