Cần thay đổi toàn diện việc tổ chức đấu giá để tránh lộ, lọt thông tin

Thứ Sáu, 11/02/2022 15:14

|

(CATP) Việc thao túng kết quả đấu giá (ĐG) đất và tài sản (TS) hiện nay không chỉ là một hiện tượng mà đã trở thành phương thức kiếm tiền bất chính của nhiều đối tượng. Qua một số vụ việc xảy ra cho thấy có cả các đối tượng tham gia đấu giá đóng vai trò "chân gỗ" chính là công ty thành viên. Tại nhiều địa phương đã có trường hợp đối tượng tham gia ĐG đến tận nhà người dân đăng ký ĐG đưa ra đề nghị họ rút đơn xin ĐG đất, đổi lại họ sẽ nhận được một số tiền. Kết quả là nhiều phiên ĐG chỉ có 1 - 2 người trúng với cái giá chỉ bằng mức khởi điểm hoặc chênh lệch không đáng kể. Do đó, nhiều người cho rằng cần phải thay đổi toàn diện việc tổ chức, hình thức ĐG để hạn chế tình trạng trên.

Trên thực tế, đến nay dư luận mới chỉ biết đến vụ việc Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ của Nguyễn Xuân Đường, thường gọi Đường "Nhuệ"), Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương, tham gia thao túng giá đất trong vụ ĐG tại khu dân cư (KDC) P.Bồ Xuyên, TP.Thái Bình và một vài vụ việc khác. Theo cáo trạng của cơ quan chức năng, khi Trung tâm dịch vụ ĐG tài sản tỉnh Thái Bình (gọi tắt là trung tâm) thông báo bán ĐG lô đất 09 tại KDC trên thì Dương cho đàn em giả tên bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1966) và Phạm Đình Dũng (SN 1982) tham gia ĐG nhưng không trúng. Để thay đổi kết quả, Dương đã đến trung tâm trên thuộc Sở Tư pháp Thái Bình đặt vấn đề với những người có chức vụ, quyền hạn tại đây nhằm thay đổi kết quả cho người tên Hạnh trúng và được đồng ý.

Sau khi được Vũ Gia Thành (SN 1977, đấu giá viên của trung tâm) "gợi ý” điều kiện người đã được công bố trúng ĐG phải đồng ý nhượng lại thì mới có thể thay đổi kết quả, Dương đã gọi điện cho chồng là Đường "Nhuệ" đến ép người trúng ĐG là anh Vũ Thành Đạt (SN 1995) phải từ bỏ kết quả trúng ĐG lô đất 09 để đổi lấy 20 triệu đồng, nhưng anh Đạt không đồng ý nên đã bị Dương cùng một số đàn em hành hung khiến anh phải chấp nhận nhượng lại lô đất trên. Liên quan đến vụ việc trên, ngoài Nguyễn Thị Dương và đồng bọn, cơ quan chức năng đã truy tố nhiều cán bộ là các bị can trong vụ án này.

Ảnh minh họa

Mới đây trong vụ đấu giá hơn 49.000m2 đất ở xã Cổ Dương (huyện Đông Anh), Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án và bị can, ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex và các thuộc cấp để điều tra những vi phạm về hoạt động bán ĐG tài sản do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để ĐG đất tại Dự án xây dựng (XD) hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá (ĐG) phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh). Trong vụ việc nói trên, các công ty do bà Loan lập ra đã cùng tham gia đấu thầu và tạo "quân xanh, quân đỏ”.

Bản thân bà Loan thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp, lập khống và sử dụng 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá, hạ giá trị khu đất từ 500 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ. Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn hơn 18 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2 để tổ chức ĐG khu đất trên và một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng ĐG khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Kết quả điều tra của Công an TP.Hà Nội cho thấy chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đến cả trăm triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Trong vụ việc nói trên, cơ quan chức năng cũng đang làm rõ hành vi của một số cá nhân làm việc tại Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội), Ban quản lý dự án đầu tư XD Đông Anh, Công ty CP thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cũng bị cáo buộc có hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để ĐG khu đất nói trên.

Hình thức để các tổ chức đấu giá "dìm" thông tin về tài sản ĐG hiện nay phổ biến nhất là chỉ đăng thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng có sức lan tỏa hạn chế như các tạp chí chuyên ngành rất ít người biết đến, trong khi lẽ ra nếu để công khai thì cần phải đăng thông tin lên các chuyên mục trên các trang điện tử có lượng truy cập lớn. Nhiều người cho rằng đã đến lúc việc công khai thông tin tài sản ĐG cần phải được thực hiện trên website chung về thông tin ĐG của Bộ Tư pháp hoặc Bộ Tài nguyên - Môi trường để tránh những hạn chế trên.

Được biết, vừa qua, tình trạng "quân xanh, quân đỏ” dùng vũ lực "xã hội đen" để tham gia ĐG cũng đã được Bộ XD đề cập tới trong báo cáo gửi Thủ tướng. Theo đó, trong quá trình tổ chức ĐG đất ở một số nơi có hiện tượng: "cò ĐG", "quân xanh - quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia trước phiên ĐG và tình trạng đe dọa cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia ĐG, ép phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia ĐG để dìm giá... Qua đó, Bộ XD đã kiến nghị Thủ tướng giao các bộ: TN-MT, Tư pháp, Tài chính, tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ĐG đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ĐG, trục lợi trong ĐG đất; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền ĐG đất để bảo đảm an toàn tín dụng.

Bên cạnh đó nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện ĐG quyền sử dụng đất; xác định mức khởi điểm để ĐG quyền sử dụng đất; bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia ĐG và số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng khi trúng ĐG, quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng ĐG phải nộp đủ số tiền trúng ĐG để hạn chế tình trạng lợi dụng ĐG đất để đầu cơ, "thổi" giá...

Bình luận (0)

Lên đầu trang