(CAO) Sáng 9-2, thông tin từ UBND huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã có buổi tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo Bình Chánh về kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam, cùng lãnh đạo huyện tham dự buổi làm việc. Phía Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC có ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC.
Theo đề xuất của FLC, dự án phức hợp quy mô gần 1.200ha được xây dựng ở cửa ngõ TPHCM đi các tỉnh miền Tây, với mục tiêu xây dựng một khu phức hợp xanh trong lòng thành phố, một đô thị hiện đại được phát triển theo tiêu chí xanh và bền vững, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, điều hành và tiết kiệm năng lượng.
Khu vực nghiên cứu dự án ở phía Tây của TPHCM, cách trung tâm thành phố khoảng 10km và cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 15km, là ngã ba cửa ngõ thành phố đi toàn bộ các tỉnh miền Tây, và cũng là vị trí thuận lợi để xây dựng một khu đô thị phức hợp mang tính điểm nhấn cho Bình Chánh nói riêng và TPHCM nói chung...
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh cho biết, UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Quy hoạch - kiến trúc và huyện Bình Chánh khảo sát cùng nhà đầu tư để thực hiện các bước đầu tư theo quy trình.
Theo đó, việc thực hiện dự án này còn cả lộ trình dài hơi. Dự án gồm 5 phân khu: Khu đô thị sinh thái, Khu đô thị sáng tạo và khoa học kỹ thuật, Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, Khu đô thị dịch vụ, tái định cư và nhà ở xã hội, Khu dân cư hiện hữu và tái định cư.
]Điểm nhấn của toàn dự án là tòa tháp cao 99 tầng, kỳ vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng mới tại phía Tây TPHCM. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng các khu ở cao tầng, thấp tầng, cao cấp và khu tái định cư với nhà ở xã hội và nhà ở trung cấp đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 165.000 - 180.000 người.
Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam đề nghị dự án phải phù hợp, tạo liên kết vùng giữa huyện Bình Chánh và khu vực xung quanh, khai thác được các lợi thế về hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, metro, đường cao tốc...), cụm y tế kỹ thuật cao, khu - cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, đặc biệt là 3 huyện của tỉnh Long An, cũng như các khu công nghiệp của tỉnh Long An và khu công nghiệp của TPHCM.
Đồng thời, dự án đầu tư này trên địa bàn huyện cần tạo điểm nhấn tại vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của TPHCM và 13 tỉnh, thành miền Tây, thể hiện sự phát triển vượt bậc trong tương lai không xa. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng đề nghị dự án phải là đô thị phức hợp, đô thị hiện đại, đô thị thông minh và xanh; yêu cầu tập đoàn phải đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thiện thủ tục, đền bù và triển khai dự án.