Sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại
Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Hoàng Mạnh Hà (SN 1979, cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2024; cổ đông góp vốn Công ty Hacofood); Vũ Mạnh Cường (SN 1979, cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024; cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma); Đặng Trung Kiên (SN 1988, cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) cùng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 193, khoản 3 Điều 221 BLHS.
Tiếp đến, Hồ Sỹ Ý (SN 1988, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất) về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" quy định tại khoản 3 Điều 193 BLHS; Nguyễn Thành Luân (SN 1987, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, Giám đốc người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2024), Nguyễn Văn Tú (SN 1981, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 10/2024), Nguyễn Thu Thủy (SN 1970, kế toán trưởng Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) cùng về tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 221 BLHS.

Kiểm đếm tang vật
Tương tự, khởi tố bị can Nguyễn Thị Mai Hương (nhân viên kế toán quản lý công nợ kiêm thủ quỹ Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) về tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 221 BLHS, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong đó, xác định Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là chủ mưu, trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập ra hệ sinh thái các doanh nghiệp nêu trên và cũng là cổ đông góp vốn chính tại Công ty Hacofood, Công ty Rance Pharma; đồng thời cũng là đối tượng chính, chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột. Sau khi được Viện KSND Tối cao phê chuẩn, ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh tố tụng theo quy định pháp luật.
Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các đối tượng, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra. Cơ quan điều tra bước đầu xác định, từ năm 2021 đến nay, 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.
Theo điều tra, từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu về các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma (khu nhà ở Him Lam,Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) để sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Hà và Cường trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập ra hệ sinh thái các doanh nghiệp nêu trên và cũng là cổ đông góp vốn chính tại Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma; đồng thời chủ mưu, cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột. Hoàng Mạnh Hà ký các văn bản quan trọng với chức danh "người đại diện theo pháp luật" như Bản thuyết minh báo cáo tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh... của Công ty Rance Pharma.

Cận cảnh một số thiết bị tại nhà máy sản xuất sữa bột giả
Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần công bố sản phẩm như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Ngoài 2 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma. Trong khoảng 4 năm, nhóm này đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, với doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Điều đáng nói, toàn bộ hoạt động tài chính, kế toán của Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đều do Cường và Hà điều hành, trong đó có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Hệ sinh thái 9 công ty
Cơ quan điều tra cũng làm rõ thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa giả này. Ngoài lập 2 Công ty Hacofood Group và Rance Pharma, mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, Cường và Hà còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty, tạo nên một hệ sinh thái với mục đích để các công ty này đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood Group và Rance Pharma.
9 công ty trong hệ sinh thái này gồm: Công ty cổ phần Dược quốc tế Group (Giám đốc Vũ Mạnh Cường); Công ty cổ phần dược quốc tế Big Four Pharma (Giám đốc Phạm Chí Đảng); Công ty CP dược quốc tế Long Khang Group (Giám đốc Nguyễn Thị Mai Hương); Công ty CP dinh dưỡng y học BFF (Giám đốc Phạm Thị Hương); Công ty cổ phần dược quốc tế Safaco Group (Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn); Công ty cổ phần dược quốc tế Darifa Group (Giám đốc Nguyễn Văn Thắng); Công ty cổ phần dược quốc tế Win CT (Giám đốc Nguyễn Văn Tú); Công ty cổ phần dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang (Giám đốc Nguyễn Thành Luân); Công ty CP dược Á Châu (Giám đốc Nguyễn Thành Luân).

Nguyễn Thành Luân tại cơ quan công an
Mặc dù là chủ đích thực của Hacofood Group và Rance Pharma cùng các công ty trong hệ sinh thái này, nhưng từ cuối năm 2024, cả Cường và Hà đã lần lượt chuyển giao cho người khác đứng tên làm giám đốc đại diện pháp luật của Hacofood Group và Rance Pharma. Trên thực tế, cả 2 đối tượng mới là ông chủ thực sự chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của 2 công ty và hệ sinh thái này.
Theo đó, tháng 8/2024, Hà chuyển giao cho Nguyễn Thành Luân làm giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty Rance Pharma. Nhưng trên thực tế, công việc của Luân tại Công ty Rance Pharma chỉ là nhân viên phụ trách mảng kinh doanh. Đồng thời, Luân còn là Giám đốc Công ty CP Dược Á Âu và Công ty Phúc An Khang là 2 công ty trong hệ sinh thái trên.
Tháng 10/2024, Nguyễn Văn Tú cũng được Vũ Mạnh Cường chuyển giao làm giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Hacofood Group. Thực tế công việc của Tú tại công ty này chỉ là nhân viên phụ trách mảng kinh doanh; đồng thời Tú còn là Giám đốc Công ty Win CT trong hệ sinh thái nêu trên.
Thực tế cho thấy, hiện Vũ Mạnh Cường giữ cổ phần chính tại Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma; Giám đốc Công ty Cổ phần dược quốc tế Group; nắm giữ cổ phần các công ty trong hệ sinh thái: 53,84% trong Công ty Rance Pharma, 27% tại Công ty Hacofood, 20% tại Công ty Big Four, 20% tại Công ty Long Khang, trực tiếp là người đại diện trước pháp luật của các chi nhánh Công ty Hacofood tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương và Hưng Yên.
Hoàng Mạnh Hà là người nắm giữ cổ phần chính của Công ty Rance Pharma; nắm giữ cổ phần các công ty trong hệ sinh thái: 45,19% tại Công ty Rance Pharma, 27% tại Công ty Hacofood, 20% tại Công ty Big Four, 20% tại Công ty Long Khang và là Giám đốc các chi nhánh Công ty Rance Pharma tại 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên và Thái Nguyên.
Còn Hồ Sỹ Ý (SN 1988, HKTT tại xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà giao trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất tại nhà máy của 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood Group; trong đó có nội dung chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng sản phẩm được sản xuất tại 2 nhà máy này.