(CATP) Mới đây, TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất dừng thực hiện các dự án: Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Dự án ICD Long Bình, xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Công viên lịch sử văn hóa... theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, UBND TPHCM cũng nhấn mạnh về khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án này.
Đựơc nhắc đến đầu tiên là Dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3). Đây là dự án được thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng BT nhằm phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho thể dục thể thao quần chúng cũng như thành tích cao của Thành phố, đáp ứng tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đã đối mặt với nhiều vướng mắc như không còn đảm bảo tính cấp bách, công tác lựa chọn nhà đầu tư, tổng mức đầu tư dự án cũng có sự thay đổi. Tại thời điểm năm 2010, dự án xây dựng mới Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức Hợp đồng BT với tổng mức đầu tư sơ bộ là 988 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm thẩm duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư là 1.953,78 tỷ đồng; giá trị tổng mức đầu tư tạm tính tại thời điểm hiện nay do nhà đầu tư đề xuất là 2.215,757 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với số liệu đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định vào năm 2011. Thêm vào đó, quy định pháp luật về đấu thầu khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2017 đã có nhiều thay đổi so với khi xin chủ trương chỉ định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư năm 2018 căn cứ vào nội dung cho phép chỉ định của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 là không còn phù hợp.

Phối cảnh Dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được đề xuất xây dựng tại khu đô thị Nam TPHCM, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
Trên cơ sở đó, theo UBND TPHCM, việc tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Cùng với tính cấp thiết thực hiện ngay dự án để đóng góp cho ngành thể thao và kinh tế - xã hội Thành phố, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo việc dừng đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, chuyển thành phương thức đầu tư công nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời không làm thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Tiếp theo là dự án Đầu tư xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình, Quận 9 theo hình thức PPP (Hợp đồng BT). Dự án này để phục vụ di dời Khu cảng Trường Thọ, Thủ Đức, dự kiến được xây dựng trong diện tích khoảng 50ha tại phường Long Bình, do liên danh 3 công ty lập và trình, gồm: Công ty CP Đức Khải - Công ty CP Địa ốc Tân Hoàng - Công ty CP Địa ốc Tam Bình.
Tuy nhiên, trong thời gian sau đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, TP có chủ trương tạm dừng triển khai các dự án BT mới trong thời gian Trung ương rà soát, ban hành các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Đến nay, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đầu tư xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình theo hình thức PPP chưa được hoàn thiện để trình thẩm định, phê duyệt. Do đó, dự án đã bị dừng thực hiện để làm cơ sở thực hiện lại các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.
Kế đến là dự án Đầu tư xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại khu đô thị Nam thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với tổng mức đầu tư dự án dự kiến: 1.997 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Theo dự kiến, dự án xây dựng bệnh viện mới để di dời bệnh viện cũ tại số 929 Trần Hưng Đạo với quy mô 500 giường. Nguồn vốn đầu tư được xác định là vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư. Theo UBND TP, dự án xác định phương án thanh toán Hợp đồng dự án B.

Do vướng mắc về quy định, thủ tục, Dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng vẫn chưa được thực hiện, bị bỏ hoang
Dự kiến sau khi công trình hoàn thành, Thành phố sẽ giao quỹ đất tại cơ sở y tế hiện hữu (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình) tại số 929 Trần Hưng Đạo cho nhà đầu tư khai thác hoàn vốn và một số quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương sử dụng 4 lô đất trong Khu đô thị Thủ Thiêm để thanh toán cho hợp đồng dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc một số quy định nên dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định hiện hành. Hơn nữa, dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa phát hành hồ sơ mời thầu, nên buộc phải dừng thực hiện theo quy định và không đủ điều kiện chuyển tiếp theo Luật PPP.
Riêng đối với dự án này, hiện Thành phố đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mà nhà đầu tư đã tạm ứng, khoảng hơn 83 tỷ đồng. Do đó, TP kiến nghị cho phép thực hiện hoàn trả nguồn kinh phí đã tạm ứng cho phần bồi thường giải phóng mặt bằng dự án này cho Tổng Công ty Cổ phần đền bù giải tỏa bằng nguồn vốn đầu tư công. Hình thức hoàn trả theo dự án đầu tư công tại khu 6A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Một dự án khác là dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (Khu Cổ đại) trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, theo hình thức Hợp đồng BT, được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai để lựa chọn nhà đầu tư. Đến nay, giá trị đã thực hiện khoảng 228,27 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đã thực hiện khoảng 196,48 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,56%.
Về công tác giải phóng mặt bằng, còn 176 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, Đình Thái Bình và 3 Khu nghĩa trang chưa có kế hoạch thực hiện thu hồi đất, 2 đơn vị chưa trả lại mặt bằng thuê và 1 trường hợp kinh doanh bãi cát. Tuy nhiên, theo UBND TP, khó khăn gặp phải của dự án là hiện thời hạn thực hiện dự án đã hết, đơn vị chuẩn bị dự án chưa trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, hiện vẫn chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng để nhà đầu tư tiếp tục thi công dự án. Đáng nói, sau khi rà soát, khu đất Cù Lao Bào Sang dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư theo Hợp đồng BT không còn phù hợp và chưa xác định khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư, cũng như việc điều chỉnh thẩm quyền phê duyệt dự án để phù hợp theo quy định hiện hành.
Trước thực tế trên, UBND TP đã kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án trong trường hợp Quyết định đã phê duyệt trước đây thực hiện chưa đúng thẩm quyền. Trường hợp dự án đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, UBND TP chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý để điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và điều chỉnh Hợp đồng BT làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo theo quy định; đồng thời rà soát quỹ đất của TP để xác định khu đất thanh toán đối ứng phù hợp cho nhà đầu tư hoặc thanh toán bằng tiền. Trường hợp dự án chưa đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện, UBND TP sẽ tổ chức đàm phán chấm dứt Hợp đồng BT với nhà đầu tư; đồng thời, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án sang đầu tư công theo quy định.