(CAO) Sở Xây dựng TPHCM vừa có dự thảo tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng trên địa bàn và hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại công trình. Theo đó, tất cả các công nhân làm việc trên công trình bắt buộc phải có "thẻ xanh".
Cụ thể, đối với các khu vực đạt mức “bình thường mới”, công trình được phép xây dựng gồm các công trình xây dựng phục vụ công tác phòng chống dịch; công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của thành phố theo quyết định của cấp có thẩm quyền, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng, công trình phục vụ quốc phòng - an ninh đã triển khai thi công xây dựng.
Các công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật ở ngoài đô thị, các xa điểm dân cư tập trung.
Dự án xây dựng muốn thi công trở lại bắt buộc tất cả lao động phải có thẻ xanh
Các công trình xây dựng sắp hoàn thành khi đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội (khối lượng xây dựng đã trên 80%), công trình đang thi công xây dựng bắt buộc phải tiếp tục triển khai để đảm bảo kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng hoặc ảnh hưởng, gây mất an toàn cho công trình liền kề.
Công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công trình sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, thiết bị trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp.
Đối với khu vực “nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao", “nguy cơ" thì tất cả công trình xây dụng phải tạm dừng các hoạt động thi công xây dựng tại công trình, trừ các công trình xây dựng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và công trình xây dựng khẩn cấp theo yêu cầu của TP.
Ngoài ra, điều kiện an toàn để công trình tiếp tục thi công xây dựng là toàn bộ lao động trực tiếp tại công trình xây dựng được phép hoạt động phải có “thẻ xanh Covid-19” dưới dạng mã QR. Các đơn vị tham gia hoạt động trực tiếp tại công trình phải cam kết sử dụng 100% nhân công đã được cấp thẻ xanh Covid-19.
Cùng với đó, trước khi triển khai các hoạt động tại công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng lập phương án phòng, chống dịch tại công trình gửi UBND cấp phường, xã nơi có công trình xây dựng. Các công trình xây dựng được phép hoạt động phải thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng; chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng và của chính quyền địa phương.
Việc tổ chức thi công xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch gắn với bảo vệ sức khoẻ, môi trường làm việc cho người lao động.
Chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động tại công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp để lây lan dịch bệnh tại công trình. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng không đảm bảo các yêu cầu trên thì phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch.
Những điều kiện nào để có "thẻ xanh Covid-19"?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện TP đang dự thảo thí điểm áp dụng "thẻ xanh COVID-19".
Một trong những điều kiện để có thẻ xanh là có chứng nhận đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận nhiễm COVID-19 (F0) đã khỏi bệnh.
Cụ thể, để có chứng nhận nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh, người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng một trong các loại giấy chứng nhận như giấy xuất viện, giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.
Với các F0 tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, thì cần có giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố/tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà.
Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm các trường đại học y khoa, các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.
Các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 cần phải tiêm vắc xin. Và dù đã tiêm vắc xin vẫn phải tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.