(CAO) Lãi suất được coi là điểm yếu của hoạt động cho vay tiêu dùng. Do vậy, các công ty tài chính cần đẩy mạnh các lợi thế cạnh tranh về thời gian xét duyệt khoản vay ngắn, hồ sơ tín dụng đơn giản… để thu hút người tiêu dùng.
Công cụ kích cầu mua sắm
Bên cạnh ý nghĩa đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, đem lại cơ hội tiếp cận các tiện ích trong đời sống, đem lại công bằng xã hội…, cho vay tiêu dùng còn được đề cập đến với ý nghĩa là một công cụ quan trọng kích cầu mua sắm và hỗ trợ tốt cho các kênh kinh doanh hàng hóa.
Bằng cách thúc đẩy tiêu dùng, cho vay tiêu dùng đã gián tiếp làm tăng sản lượng sản xuất và tạo thêm các cơ hội việc làm. Và do vậy, hoạt động này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô bền vững hơn. Khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức, góp phần ổn định đời sống xã hội.
Cho vay tiêu dùng cần được khuyến khích - Ảnh: P.V
Ngoài ra, sự hỗ trợ của các công ty tài chính đối với khách hàng trong quá trình cung cấp tín dụng cũng làm gia tăng hiểu biết về tài chính trong một tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ này trong giai đoạn trước đây. Và do vậy, cũng giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính của bản thân cũng như gia tăng khả năng sẵn sàng tiếp cận các gói dịch vụ tài chính của các tổ chức khác.
Như vậy, cho vay tiêu dùng thậm chí có còn ý nghĩa giúp thúc đẩy thị trường tài chính của một quốc gia.
Đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh
Mặc dù cho vay tiêu dùng được thừa nhận với rất nhiều mặt tích cực nhưng thực tế, để cho hoạt động này thực sự đi vào đời sống và mang lại ý nghĩa xã hội thì cần phải có cách hiểu đúng cũng như kiến tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho nó phát triển.
Đầu tiên, cần phải hiểu doanh thu của các công ty tài chính tiêu dùng thường bao gồm lãi trên các khoản vay và phí dịch vụ. Các công ty tài chính tiêu dùng thường có chi phí hoạt động cao hơn so với các ngân hàng do khách hàng của công ty tài chính thường có thu nhập thấp, dư nợ trên một khoản vay nhỏ và thời hạn cho vay ngắn hơn…
Ngoài ra, hình thức chi trả định kỳ cũng làm tăng chi phí cho vay và quản lý các khoản vay. Vì chi phí cho vay phần lớn là cố định nên mức phí đối với các khoản vay từ các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cao hơn so với các đơn vị cho vay khác.
Và cũng do vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng có thể được xem là một “điểm yếu” của phương thức cho vay này.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận là để bù lại phần lãi suất cao thì hoạt động cho vay tiêu dùng có nhiều ưu điểm, hay còn có thể gọi là những lợi ích gia tăng khác như: thời gian xét duyệt khoản vay ngắn, hồ sơ tín dụng đơn giản…
“Do vậy, mở rộng và tận dụng lợi thế về quy mô là điều cần thiết để tạo thuận lợi bền vững của các công ty tài chính tiêu dùng. Đồng thời, nền tảng kinh doanh mềm dẻo, thận trọng, dựa trên nguồn cấp vốn đa dạng, cơ cấu cho vay linh hoạt dài hạn và ngắn hạn, chú trọng vào lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, và thực hiện các chính sách kế toán phù hợp cũng là những nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của các công ty tài chính tiêu dùng” – một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đánh giá.
Muốn thực hiện được những yêu cầu trên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, cần thiết lập một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế; minh bạch các điều khoản cho vay, đặc biệt là vấn đề lãi suất nhằm hạn chế thấp nhất sai sót cũng như bất công trong quan hệ giao dịch này.