Vì sao Điện lực Đà Nẵng liên tiếp “đòi nợ” công ty quản lý hầm đường bộ Hải Vân ?

Thứ Tư, 11/11/2015 11:46  | Xuân Hoài

|

(CAO) Thời gian qua, công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Cty ĐL) cho biết, việc Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) liên tiếp chậm trả tiền điện gây ra nhiều khó khăn cho công ty. Mặc dù Cty ĐL Đà Nẵng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, Cục Quản lý Đường bộ 3 nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện bao nhiêu.

“Điệp khúc” trả tiền điện chậm

Theo ĐL Đà Nẵng, mỗi tháng, HAMADECO tiêu tốn khoảng 1,5 triệu kWh (tương đương 2,3 tỉ đồng) để vận hành các thiết bị điện trong hầm. Theo quy định của ngành điện, khi ghi chỉ số, có hóa đơn tiền điện và thông báo đến khách hàng, sau 15 ngày (kể từ ngày ra thông báo đầu tiên), nếu khách hàng không thanh toán thì cắt điện.

Hầm đường bộ Hải Vân là công trình trọng điểm quốc gia nên ĐL Đà Nẵng không thể ngưng cấp điện được. Việc thanh toán tiền điện của HAMADECO luôn chậm trễ, số tiền nợ của đơn vị này chiếm khoảng 14% tổng số tiền điện còn nợ ĐL Đà Nẵng. Đó chính là lí do mà ĐL Đà Nẵng luôn “đau đầu” khi đòi tiền điện của đơn vị này.  

Là hầm đường bộ nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, hầm Hải Vân phải được cung cấp điện xuyên suốt nhưng lại...chậm trả tiền điện - Ảnh: Xuân Hoài

Có lúc cao điểm nhất, HAMDECO đã nợ gần 14 tỉ đồng tiền điện. Mới đây, ngày 5-8-2015, ĐL Đà Nẵng gửi công văn đề nghị Bộ GTVT và cơ quan chức năng về việc tính đến ngày 31-7-2015, HAMDECO còn nợ tiền điện (của tháng 4-2015 đến tháng 7-2015) là 10 tỷ đồng (làm tròn số). Sau công văn này, sau đó, phía HAMDECO đã trả tiền đầy đủ khoản 10 tỷ đồng trên, nhưng khi vừa trả xong thì lại có khoản nợ mới trên 2,3 tỷ đồng.

“Phía HAMDECO cho rằng việc quyết toán các khoản chi phí tiền điện được thực hiện hằng quý (ba tháng/lần). Việc liên tiếp chậm trả tiền điện của HAMDECO ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh cấp trên giao cũng như việc thu nộp tiền điện vào ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề vốn.

ĐL Đà Nẵng phải đi vay vốn, trả lãi suất ngân hàng để sửa chữa, xây dựng các công trình điện…”, một vị cán bộ của ĐL Đà Nẵng nói.

Phía đơn vị của Bộ GTVT nói gì?

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Tổng giám đốc HAMDECO, sở dĩ để xảy ra tình trạng liên tiếp chậm trả tiền điện trên, phía HAMDECO cho rằng, kinh phí quản lý Hầm đường bộ Hải Vân hàng năm được duyệt kế hoạch và thanh quyết toán khoảng 73-77 tỷ đồng. Trong đó, chi phí duy tu bảo dưỡng khoảng 40-42 tỷ đồng, tiền điện khoảng 21-26 tỷ đồng; sửa chữa thay thế cộng với chi phí khác khoảng 9-12 tỷ đồng; như vậy tiền điện chiếm 52-61% tiền duy tu bảo dưỡng.

Hàng năm tiền điện được duyệt đầu năm thường thấp hơn thực tế phải trả do đó cuối năm HAMDECO phải đi điều chỉnh kế hoạch. 

Hệ thống thắp sáng bên trong hầm Hải Vân - Ảnh: Xuân Hoài

HAMDECO đề nghị Cục QLĐB III ký hợp đồng mua bán điện và thanh toán trực tiếp với ĐL Liên Chiểu để giảm khâu trung gian qua HAMDECO. Như trước đây, Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) III ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị bảo hiểm hầm đường bộ Hải Vân, như vậy, doanh thu của Cty mới phản ánh đúng thực chất, đồng thời các chỉ tiêu khác để đánh giá công ty đúng hơn như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Theo đó, kinh phí duy tu bảo trì hàng năm HAMDECO trình Cục QLĐB III duyệt sẽ không có chi phí tiền điện hầm Hải Vân.

Còn phía Tổng cục Đường bộ cho rằng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân được kịp thời để có nguồn chi trả tiền điện cho công ty.

Công trình HAMADECO hầm đường bộ Hải Vân là công trình trọng điểm quốc gia và là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến QL1A. Vì vậy, việc duy trì khai thác hầm đảm bảo giao thông thông suốt rất quan trọng.

Tổng cục Đường bộ đề nghị Điện lực Đà Nẵng tiếp tục đảm bảo việc cung cấp điện cho hầm đường bộ Hải Vân ổn định, liên tục nhưng việc trả tiền điện thì “chậm vẫn hoàn chậm”, điều này Bộ GTVT tính sao?.

Bình luận (0)

Lên đầu trang