(CAO) Bộ rễ cây cổ thụ (bàng đá) uớc tuổi đời lên đến hàng trăm năm, khối lượng nặng gần 50 tấn cũng như mang nhiều hình thù lạ mắt như: Phật Bà Quan âm, cọp, rắn, rùa, khỉ, voi, cá sấu… Nhiều công ty, chủ lớn ngã giá 6 tỷ, 12 tỷ, 30 tỷ và đến nay đã trả 32 tỷ...
Hiện bộ rễ đang thuộc sở hữu của ông Mai Kiên (ngụ khóm 2, phường 5, TP. Sóc Trăng, Sóc Trăng).
Để có tác phẩm nặng hàng chục tấn ông Kiên phải tìm kiếm, ráp nối các chi tiết lại với nhau
Ông Mai Kiên là chủ trại hàng (hòm) An Nghĩ có tiếng ở TP. Sóc Trăng và làm nghề gỗ hơn 40 năm nay.
Gốc cây bàng đá được ông mua lại tại ấp Phụng Từ I (thuộc xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) với giá 35 triệu đồng.
Mặc dù, cây đã chết nhưng chỉ riêng bộ rễ không đã nặng đến hàng chục tấn.
Chi phí để lấy và vận chuyển các bộ phận của cây bàng đá trăm tuổi lên đến 400 triệu đồng
Nhiều bộ phận rất nhỏ cũng được tìm về ráp lại như cây mới còn sống
Nói về việc sở hữu được bộ rễ cây “khủng” này, ông Mai Kiên cho biết: “Cách nay 15 năm, tôi có ý định hỏi mua cây bàng đá này để xả ván đóng hòm nhưng Đình không bán.
Tuy nhiên, cách nay hơn 2 năm, trong quá trình bơm cát thi công một công trình cây bị chết và để tránh gây ảnh hưởng cho người đi đường nên được bán lại cho tôi với mục đích phục vụ điêu khắc”.
Nhóm thợ mất gần 2 năm để vệ sinh, xử lý bộ rễ mà chỉ mới được 50% công trình
Mặt dưới của bộ rễ cây lão cổ thụ
Do cây bàng đá được ông Kiên mua được xếp vào hàng lão thụ nên không ai biết chắc tuổi của cây, nhưng nhiều người trong nghề nhìn những thớ thịt, vân cây và đặc biệt là phần nu bông đã ước đoán cây có tuổi khoảng trên 400 năm.
Đây là cây bàng đực, cao khoảng 40m, bộ rễ có đường kính khoảng 25m.
Với công việc nhẹ nhàng, đơn giản mỗi lao động được trả 150.000 đồng/ngày
Gốc cây có nhiều u nần lạ mắt
Nhiều người đến tham quan đều công nhận đây là một bộ rễ thuộc hàng “kỳ mộc”, càng nhìn càng choáng ngộp trước vẻ đẹp hùng kỳ, lạ mắt, nhất là bộ rễ u nần, nhiều hang bọng, âm dương hoài hòa với nhiều hình dáng kỳ quái với hình thù rất lạ như mang dáng con cọp, rắn, rùa, cá sấu, khỉ, voi và các biểu tượng như đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan âm…
Ngọn của cây bàng đá bọng bên trong như một hang động, một người có thể chui lọt
Ông Mai Kiên giới thiệu nhiều hình thù lạ mắt của bộ rễ cây
Như lời ông Kiên, lúc đầu cũng chẳng biết mua gốc cây này về làm gì, nhưng khi vào chùa mới thấy một số nhà sư điêu khắc những cây gỗ nhỏ thành nhiều tác phẩm đẹp nên ông mới có ý định tạo ra một sản phẩm từ gốc cây cổ thụ này.
Để có nơi đặt gốc cây với bộ rễ lớn thì ông đã dành hơn 1 tỷ đồng để xây dựng một căn nhà vững chắc rộng trên 1.000m2 để chế tác.
Ngoài ra, để đưa được bộ gốc cây về thì ông Kiên đã thuê một nhóm thợ đốn hạ, xẻ nhỏ ra, vận chuyển bằng phương tiện cơ giới hạng nặng với thời gian hơn một tháng và chi phí bỏ ra hơn 200 triệu đồng.
Khi đào bới, xẻ cây… nhiều bộ phận rễ còn xót lại dưới lòng đất nên ông Kiên tốn thêm khoảng 200 triệu đồng để thuê người tìm lại đầy đủ các bộ phận trong thời gian kéo dài hàng tháng trời. Vì thế tính riêng phần đốn cây, vận chuyển ông Kiên đã bỏ ra một khoản chi phí là 400 triệu đồng.
Ngọn cây còn dư ông Kiên sẽ thuê thợ chạm khắc con hổ đặt lên trên
Để vệ sinh cây, làm sạch vỏ, làm bóng… ông Kiên thuê hẳn 4 công nhân làm việc xuyên suốt gần 2 năm và đến nay thì công trình được thực hiện khoảng 50%.
Ông Lê Văn On, một trong 4 lao động xử lý bộ rễ cây cho biết: “Bộ rễ cây khi đưa về nhìn rất xấu xí, cho làm củi cũng không lấy, nhưng sau khi vệ sinh, đánh bóng thì xem đã mắt, trở nên giá trị”.
Bộ rễ cao gần chục mét, nhìn từ trên cao xuống
Đứng trong căn nhà kiên cố được thiết kế đặc biệt nhằm phục vụ cho việc tạo ra tác phẩm “độc nhất vô nhị”, ông Kiên nói: “Đến nay, đã gần 2 năm mà chỉ có 50% công trình được thực hiện.
Mặc dù mỗi ngày tôi thuê 4 nhân công để xử lý. Thực hiện chậm do nguồn vốn dùng vào việc kinh doanh, kế đến do phải xử lý rất nhiều công đoạn, ráp nối nhiều chi tiết lại với nhau như “một chiếc máy bay bị vỡ”.
Dự kiến để hoàn thành xong tác phẩm theo ý tưởng có thể thời gian kéo dài thêm 2 năm nữa".
Mặt thân của gốc gỗ có giá trị tiền tỷ
Nói về ý định sẽ tạo nên tác phẩm cây khô mỹ thuật “siêu độc” ông Mai Kiên chia sẻ: “Mong ước của tôi là làm ra một cái gì đó nhằm tạo thêm nét đặc trưng cho vùng đất mình sinh ra. Vì thế sẽ cố gắng đầu tư nhằm đem đến cho mọi người chiêm ngưỡng một tác phẩm bằng gỗ cổ thụ.
Sau khi hoàn thành bộ rễ, sẽ thuê nghệ nhân chạm khắc một đoạn của cây này thành tượng Phật Thích Ca cao 3m, nặng 5 tấn đặt lên đó và đoạn cây còn dư cũng sẽ được chạm con hổ nặng khoảng 5 tấn đặt trên ngọn cây còn lại.
Đến nay, các rễ của gốc cây này đã được tìm kiếm hết và đang được ráp lại như lúc cây còn sống, nặng khoảng 50 tấn. Sau khi hoàn chỉnh bộ rễ và 2 tượng sẽ nằm trọn trên diện tích 1.000m2, nặng khoảng 60 tấn”.
Đến nay, nhiều chi tiết của bộ rễ được ráp nối lại và bắt dính bằng bu lông
Do gốc cây được xử lý gần đường đi nên hàng ngày rất nhiều người đến tham quan, chụp ảnh cũng như nhiều chủ công ty, doanh nghiệp đến để ngã giá mua.
Đã có hơn 10 cái biểu tượng, hình thù lạ mắt được phát hiện trên bộ rễ cây
Ông Mai Kiên, tiết lộ: “Khi mới đưa cây về xử lý đã có người đưa ra giá 3 tỷ để mua lại nhưng tôi không bán. Sau đó, nhiều công ty, chủ lớn ở Sóc Trăng, Nha Trang, Đà Nẵng, Trung Quốc, Campuchia…ngã giá 6 tỷ, 12 tỷ, 30 tỷ và đến nay đã trả 32 tỷ nhưng do chưa có ý định bán bây giờ nên từ chối.
Bởi, đối với tôi không vì lợi nhuận mới mua và tạo ra tác phẩm này. Điều thôi thúc tôi là thấy gốc cây rất có hình dáng độc, lạ nên muốn tạo ra một tác phẩm để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Nếu có điều kiện thì tôi cứ đầu tư hoài, chỉ khi nào hết khả năng mới nghĩ đến chuyện bán đi”.
Bộ rễ cây của ông Mai Kiên được hỏi mua với giá hàng chục tỷ đồng
Để bảo quản bộ rễ cây, ông Kiên đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng để mua thuốc xử lý chống mối mọt. Đến nay, chi phí xây dựng cơ sở, thuê thợ xử lý…đã lên đến gần 3 tỷ đồng thay vì như dự kiến ban đầu của ông chỉ khoảng 1 tỷ đồng.