Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lãnh 21 năm tù, buộc bồi thường hơn 1.866 tỷ đồng

Thứ Hai, 05/08/2024 17:29

|

(CAO) Ngoài ra, nhóm bị cáo tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 6 năm 6 tháng tù giam.

Chiều 5-8, sau thời gian nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra mức án cụ thể đối với cựu Chủ tịch FLC cùng 49 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và các đơn vị liên quan...

Theo đánh giá của Hội đồng xét xử (HĐXX), đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm đã thao túng 4 mã cổ phiếu thuộc FLC, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng. Do giao dịch số lượng lớn, kéo dài nhiều năm nên tòa án dành quyền khởi kiện cho những nhà đầu tư có thiệt hại.  Tuy vậy, cần buộc các bị cáo nộp 684 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước.

Ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Quyết nâng khống vốn góp của Công ty Faros, rồi lợi dùng sàn HOSE để đăng ký, bán cổ phiếu ROS cho hơn 25.000 nhà đầu tư, thu lời bất chính 3.600 tỷ đồng. Những người này được coi là bị hại, bởi tội phạm đã hoàn thành khi Trịnh Văn Quyết mua bán xong. Quan điểm của các luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC thể hiện chỉ 133 nhà đầu tư đã đến trình báo mới là bị hại không được tòa sơ thẩm chấp nhận.

Cũng theo HĐXX, ROS bị hủy giao dịch trên sàn năm 2022 và hiện có hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu này thông qua mua bán thứ cấp. Tòa án cho rằng dù họ không mua trực tiếp, nhưng cần coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX thấy Công ty Faros vẫn hoạt động, cổ phiếu ROS dù bị cấm giao dịch trên sàn nhưng vẫn có giá trị. Thiệt hại của các nhà đầu tư là ở phần Trịnh Văn Quyết nâng khống, hơn 54%. Nếu mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, Trịnh Văn Quyết cần bồi thường hơn 5.400 đồng/1 cổ phiếu. Chủ tọa phiên toà cho biết, đã trình chiếu danh sách bị hại và số tiền được bồi thường. Đến nay, bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã nộp hơn 260 tỷ đồng khắc phục hậu quả và số tiền này tiếp tục bị tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Bị cáo Quyết và các em gái cần tiếp tục nộp thêm đủ số khắc phục hậu quả; những bị cáo không hưởng lợi không phải bồi thường.

Về hình sự, tòa sơ thẩm ghi nhận các bị cáo trong vụ án đều thành khẩn khai báo hoặc hợp tác trong quá trình điều tra… Đặc biệt, trong vụ án, ngoài 3 anh em ruột Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, còn nhiều bị cáo có quan hệ anh em ruột, bố con, vợ chồng. Có đến 11 người có họ hàng với nhau trong vụ án này, nên HĐXX ghi nhận khi lượng hình.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan tại toà

Kết thúc phiên toà, HĐXX quyết định tuyên phạt Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX cũng buộc cựu Chủ tịch FLC phải bồi thường tổng số tiền hơn 1.866 tỷ đồng. Trong đó, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX buộc bị cáo Quyết phải bồi thường hơn 2 tỷ đồng cho người bị hại; còn đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán, HĐXX buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC phải khắc phục tổng số hơn 1.864 tỷ đồng.

HĐXX ghi nhận việc bị cáo Trịnh Văn Quyết chấp nhận dùng tất cả tài sản của mình để bồi thường khắc phục hậu quả vụ án.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu, chỉ đạo việc nâng khống vốn góp Công ty Faros, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu hành cổ phiếu ROS, đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Bị cáo Quyết cũng là người quyết định việc sử dụng số tiền chiếm đoạt được.

Trịnh Văn Quyết cũng là người chỉ đạo lập, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, mua bán liên tục để thao túng giá 5 mã cổ phiếu.

Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự, chứng khoán, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, lợi dụng sàn chứng khoán HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội; do đó cần phải xử lý nghiêm.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái của Quyết) bị tòa xác định là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ anh trai để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn…

Bị cáo Huế nhận mức án 11 năm 6 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 14 năm tù. HĐXX buộc bị cáo Huế phải khắc phục số tiền 251 tỷ đồng.

Một người em gái khác của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga nhận mức án 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù. HĐXX buộc bị cáo Nga phải nộp 83 tỷ đồng.

Ở nhóm bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Hải Trà (nguyên Phó TGĐ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ (nguyên Phó TGĐ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) 5 năm 6 tháng tù; Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM) 3 năm tù treo.

Với nhóm bị cáo phạm tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", bị cáo Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) lãnh 36 tháng tù; Dương Văn Thanh (TGĐ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 24 tháng tù treo và Phạm Trung Minh (nguyên Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) bị phạt 18 tháng tù treo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang