Vụ án Vạn Thịnh Phát đang được đưa ra xét xử tại TPHCM, với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là chủ mưu. Đây là một vụ án hình sự, kinh tế lớn, số lượng người có liên quan cực lớn, thời gian xét xử kéo dài khoảng 50 ngày.
Nói về vụ án này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát là việc mới, việc lớn, có quan hệ mật thiết đến nhiều quan hệ khác, kể cả yếu tố nước ngoài. Do vậy, cần phối hợp các mặt công tác, từ truyền thông đến bảo vệ, công tác xét xử để đưa ra phán xét cuối cùng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Song song đó, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị kế hoạch thi hành án để tổ chức thi hành án ngay sau khi bản án có hiệu lực. Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến rất nhiều người dân, ước tính khoảng 30.000 người.
Xét về quy mô, đây là vụ án cực lớn với 86 bị cáo, trong đó Trương Mỹ Lan là bị cáo chủ mưu. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao, từ năm 2012 - 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - 91,5% cổ phần, từ đó thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình. Bị cáo Lan bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn khiến nhiều người dân không thể tưởng tượng nổi. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài Trương Mỹ Lan, 85 bị cáo bao gồm: 45 cựu lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sáng 22/11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu rất cụ thể: "Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học. Tuy nhiên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ đến đây là dừng, mà phải tiếp tục lâu dài, nghiên cứu luật pháp, các cơ chế chính sách để có những biện pháp đúng, trúng, hiệu quả”.
Lời nói đi đôi với hành động, ngay sau Tết Giáp Thìn 2024, những vụ tiêu cực, tham nhũng lớn khác được các cơ quan chức năng tiếp tục phanh phui. Ngày 08/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) về tội "Nhận hối lộ". Bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành bị điều tra liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Các bị can Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Cùng thời điểm này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi); Cao Khoa (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) về tội "Nhận hối lộ" và một số cán bộ khác.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, đây là kết quả của quá trình Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn - một công ty chỉ tầm cấp huyện, có Phó tổng giám đốc mới học lớp 4 mà làm mưa làm gió ở nhiều địa phương thời gian qua.
Từ ngày 06-08/3, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ thứ 37. Tại kỳ họp, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ, trong đó có ông Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và các ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Với trường hợp ông Phạm Đình Cự, dư luận Phú Yên tưởng đã "chìm xuồng", dù vị quan này rất nhiều tai tiếng và giờ thì người dân mới thấy và tin rằng, Đảng đã chống tiêu cực đúng, trúng và hiệu quả.
Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương xem xét những sai phạm của các cán bộ thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) liên quan đến việc thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện, trong đó có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cùng 4 thứ trưởng và nhiều cán bộ thuộc Bộ LĐTB&XH. UBKT Trung ương kết luận: Những vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn nhân lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Bị can Cao Khoa - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và bị can Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 2024, được tổ chức hôm 10/01/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết: Trong năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Bà Trương Thị Mai băn khoăn: Trong các nhiệm kỳ gần đây, dù đã đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng chưa từng có nhưng tại sao vẫn còn nhiều cán bộ vi phạm? "Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy, để vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả Trung ương lẫn cán bộ địa phương?" - bà Mai đặt vấn đề và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục tốt hơn.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Đình Cự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Băn khoăn của bà Trương Thị Mai cũng cho thấy thực trạng của vấn nạn tham nhũng. Ai cũng biết, từ năm 2015, trong vụ án MobiFone mua AVG, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD đã là quá sức tưởng tượng của nhiều người. Rồi đến vụ án những chuyến bay giải cứu, thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu Phó phòng tham mưu Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Vũ Anh Tuấn và cựu Cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, trong đó Kiên nhận 42,6 tỷ đồng (gần 2 triệu USD), Tuấn 27 tỷ (hơn 1 triệu USD), Hương Lan 25 tỷ (hơn 1 triệu USD). Đó là số tiền tham nhũng quá lớn nhưng chưa thể bằng bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, dám đưa tay nhận 5,2 triệu USD hối lộ từ Trương Mỹ Lan.
Cho nên câu hỏi của bà Trương Thị Mai đặt ra rất đáng suy nghẫm: "Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy?".
Theo chúng tôi thì cả hai, cán bộ chưa biết sợ và lòng tham thì không đáy nên thường bị "chết chùm". Ví dụ, hơn hai năm qua, AIC liên tiếp bị điều tra các sai phạm về vi phạm đấu thầu ở các đơn vị, địa phương, từ Quảng Ninh đến Bắc Ninh, Đồng Nai, TPHCM... Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc sai phạm trong nhiều vụ án nhưng đã bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã quốc tế, cũng đã bị xét xử vắng mặt tại một số vụ án. Giờ thì một cú "chết chùm" khác liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn - một doanh nghiệp cấp huyện nhưng lớn nhanh như thổi, sở hữu 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng, trong khi kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Và có lẽ vẫn còn một số địa phương khác liên quan đến tập đoàn "bí ẩn" này.