Gần 2 tỷ đồng tiền giả được sản xuất như thế nào?

Thứ Sáu, 26/07/2019 19:35

|

(CAO) Công an tỉnh Đắk Nông vừa triệt phá thành công băng nhóm 6 đối tượng trong đường dây sản xuất, tàng trữ và lưu hành tiền giả, với số tiền đến nay được xác định là 1,750 tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng khi mua bán tiền giả kín đáo giống như buôn ma túy, chúng giao tiền ở những vị trí khuất nẻo, trong hẻm... rồi đứng từ xa trông chừng, chờ đồng bọn đến lấy.

Liên quan đến vụ án, Bộ Công an giao Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì, nhập các vụ án tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả của công an các địa phương đang điều tra, đã khởi tố thêm 12 bị can để điều tra mở rộng, làm rõ vụ án.

Cơ quan An ninh điều tra, Viện kiểm sát, đại diện các ngành chức năng tổ chức thực nghiệm hiện trường, cho đối tượng Huy thao tác lại hành vi làm tiền giả. (Ảnh Minh Quỳnh)

Ngày 23-7-2019, lãnh đạo Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã gửi thư khen và quyết định thưởng cho các đơn vị lập công phá án và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, góp công lớn vào vụ án.

Ngày 15-7, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn số 3326 về việc tăng cường công tác phòng chống tội phạm tàng trữ, lưu hành tiền giả. Giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã chủ động công tác tuyên truyền, phát hiện, phòng chống tội phạm tiền giả, ngoại tệ giả, giấy tờ giả, hàng giả, gian lận thương mại... góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch trên thị trường, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, lực lượng Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3 vụ, 10 đối tượng, thu giữ gần 150 triệu đồng tiền giả và USD giả; không kể vụ triệt phá đường dây làm giả, lưu hành, tiêu thụ gần 2 tỷ đồng tiền giả liên tỉnh, thành nêu trên.

Như Báo Công an TP.HCM đã thông tin, ngày 20-12-2018, Công an huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) nhận tin báo của người dân về việc 1 thanh niên dùng 1 triệu đồng tiền giả (2 tờ mệnh giá 500) để mua hàng đặt qua mạng. Ngay khi bị người bán hàng phát hiện tiền giả, đối tượng đã “cao bay xa chạy”.

Qua xác minh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Đắk G’long xác định đối tượng Ngô Nguyễn Trung Hiếu (SN 1999, ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) là nghi can tiêu thụ tiền giả và tiến hành truy bắt để điều tra, nhưng Hiếu bỏ trốn khỏi địa phương. Phải đến 25 ngày sau, cơ quan Công an mới tìm ra nơi ở mới của đối tượng và đã ra lệnh bắt khẩn cấp.

Hiếu khai nhận, được Phạm Hữu Chí (SN 1999, ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đưa 3 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Hiếu dùng 2 tờ tiền trên mua hàng thì bị phát hiện.

Thời điểm đó, Công an tỉnh Đắk Nông đang xác minh, điều tra đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng giả của Trịnh Sướng và đồng bọn tại nhiều tỉnh, thành, nên khi phát hiện đối tượng có hành vi tiêu thụ tiền giả trên địa bàn, Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, trực tiếp là Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh nhận định, đây không phải là hành vi lưu hành tiền giả đơn thuần nên yêu cầu các đơn vị mở rộng điều tra, truy tìm nguồn gốc số tiền giả trên.

Đối tượng Huy và một số tờ tiền giả bị thu giữ tại cơ quan điều tra (Ảnh: Minh Quỳnh)

Vụ án được giao cho Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh, phối hợp Công an huyện Đắk G’long, Phòng An ninh kinh tế mở rộng điều tra.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đắk Nông sau đó đã bắt Phạm Hữu Chí (ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Mở rộng điều tra, Công an bắt thêm Nguyễn Ngọc Quang Đăng (ở TP. Hồ Chí Minh). Đăng khai nhận thường chở đối tượng Chí đi mua tiền giả.

Qua đấu tranh, Chí khai nhận, từ cuối năm 2018, đối tượng cùng Đăng và Mạch Xuân Thái (SN 1990, cùng ở quận Tân Bình, TP.HCM) có khoảng 40 lần đi mua tiền giả của Nguyễn Đức Huy (SN 1988, ở phường 5, quận 10, TP. Hồ Chí Minh), với tổng khoảng 540 triệu đồng tiền giả, rồi bán lại cho nhiều đối tượng khác để hưởng chênh lệch, mua ma túy và tiêu xài.

Huy thao tác lại việc làm tiền giả

Huy là đối tượng chuyên làm tiền giả, có 2 tiền án về tội cướp tài sản, nghiện ma túy, bị nhiễm HIV và là người trực tiếp bán tiền giả cho Chí. Quá trình trinh sát, thu thập chứng cứ, xác định Huy là đối tượng chính của vụ án, nhưng nghi phạm thoắt ẩn thoắt hiện, không xuất đầu lộ diện mỗi khi giao dịch nên việc dựng lên chân dung, lý lịch, hành vi của nghi can mất nhiều thời gian. Huy được cho là mua máy móc, dụng cụ trực tiếp làm tiền giả, bán cho nhiều nghi can ở nhiều tỉnh, thành.

Căn nhà hắn ở trong một con hẻm nhỏ, đan với nhiều đường hẻm ngoằn nghèo, nếu sơ hở, đối tượng sẽ chạy thoát. Tổ trinh sát được giao nhiệm vụ bắt Huy đã phải nhập vai nhiều thành phần xã hội để điều nghiên, thông thuộc địa bàn.

Huy thao tác làm tiền giả. Trong 8 phút, can phạm làm ra 3 tờ tiền giả. Ảnh dưới: chân dung đối tượng Huy - can phạm chính vụ án (Ảnh tư liệu, chụp lại từ màn hình)

Ngày 24-4-2019, cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Đắk Nông tiến hành bắt giữ Huy, khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, thu giữ các dụng cụ để sản xuất tiền giả cùng 71 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.

Các đối tượng khai nhận, phương thức thủ đoạn giao dịch tiền giả như buôn bán ma túy. Theo đó, khi có đối tượng hỏi mua tiền giả, Huy yêu cầu người mua chuyển tiền thật vào tài khoản, sau đó đem tiền giả bỏ vào bịch xốp đen, mang ra để tại các điểm người dân bỏ rác, dưới cây cột điện trong các con hẻm rồi đứng từ xa quan sát, chờ các đối tượng lấy bịch tiền giả xong mới yên tâm bỏ đi, sau đó 2 bên nhắn tin thông báo cho nhau, dùng tên giả để liên lạc...

Từ lời khai của Huy cùng nhiều tài liệu chứng cứ khác, cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 10-2018 đến tháng 5-2019, Huy đã làm khoảng 1 tỷ 750 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, sau đó bán cho các đối tượng trên và một số đối tượng khác. Trong đó, có Nguyễn Thị Ngọc (SN 1994, ngụ tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Trọng Nhân với tỉ lệ 1 triệu đồng tiền thật mua được 3-4 triệu tiền giả. Ngọc đã mua, tiêu thụ khoảng trên 600 triệu đồng tiền giả.

Hầu hết các đối tượng trong đường dây làm, tiêu thụ tiền giả này nghiện ma túy, có tiền án tiền sự. Đến nay, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan để điều tra, xử lý về hành vi làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả.

Thượng tá Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Đối tượng Huy làm tiền giả bằng cách vừa dùng máy móc, vừa thủ công, như máy in, máy ép, dao cắt... dùng tiền thật scan ra sau đó in màu...

Những đồng tiền giả các đối tượng làm ra bằng mắt thường cũng có thể nhận biết bởi nó nhòe, đường nét mờ nhạt, không thể tinh xảo bằng đồng tiền thật. Thủ đoạn của các đối tượng là tiêu thụ tiền vào những lúc trời tối, nhập nhoạng, ở vùng sâu, vùng xa hoặc kẹp vài tờ tiền giả lẫn trong xấp tiền thật.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Nếu phát hiện đối tượng tiêu thụ tiền giả hãy báo cho cơ quan chức năng, đừng vì “tiếc của” lại tiếp tục lưu hành, tạo điều kiện cho kẻ gian có “đất” sống và là hành vi vi phạm pháp luật.

Một số đối tượng trong vụ án (Ảnh: Mạnh Quỳnh)

Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Điều đáng nghi nhận, biểu dương lực lượng điều tra là chỉ từ 2-3 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, anh em đã lần ra một đường dây “làm, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả”, trong đó hành vi làm giả tiền của các đối tượng lần đầu tiên trong cả nước bị phát hiện. Trước đó, nhiều vụ án khác, các đối tượng khai mua tiền từ nước ngoài.

Hành vi của các đối tượng này đã phạm vào Điều 207 Bộ luật hình sự. Vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng. Đến nay, Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì, nhập các vụ án điều tra hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả của công an các địa phương: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... để điều tra, làm rõ vụ án, xử lý các can phạm theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Hồ Hữu – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đắk Nông, cho biết: Tiền giả, dù làm tinh vi đến đâu cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có yếu tố bảo an, không tinh xảo, nếu để ý kỹ dễ nhận biết được. Cách phân biệt tiền thật, giả dễ nhất là khi vo tờ tiền nắm trong lòng bàn tay, khi mở ra, tiền thật chất liệu polime sẽ bung ra và nhanh chóng trở lại hình dạng hình thường, trong khi đó, tờ tiền giả sẽ có các nếp gấp; tờ tiền thật trơn, rõ nét, trong khi tiền giả mờ, nhòe; gặp nước tiền giả dây mực ra tay. Nếu thấy đối tượng nghi ngờ, hãy ngừng giao dịch và báo cơ quan chức năng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phát hành tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” đã được thông tin rộng rãi trên các trang báo viết, báo điện tử và tại điểm giao dịch của các ngân hàng. Người dân cần lưu ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang